ĐHCĐ JVC: Liệu đã "qua cơn bĩ cực tới hồi thái lai"?
“Về cơ bản đã tái cấu trúc xong và thay đổi mô hình hoạt động của công ty. Nhưng với đặc thù hoạt động kinh doanh các thiết bị giá trị lớn, kết quả chưa thể thấy rõ ràng ngay được” – ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT nói.
- 18-08-2017JVC đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng 26%; ước lãi 19 tỷ đồng năm 2017
- 11-07-2017JVC quyết định trích lập dự phòng hàng loạt khoản phải thu, tạm ứng cũ - kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ
- 06-07-2017Rút khỏi JVC sau biến cố lỗ nghìn tỷ, gia đình ông Lê Văn Hướng lại có thương vụ mới trị giá hàng trăm tỷ với AMV
Sáng ngày 31/08/2017, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (mã chứng khoán: JVC) tổ chức ĐHCĐ thường niên 2017.
Theo báo cáo tại ĐHCĐ, HĐQT đặt kế hoạch doanh thu thuần năm 2017 là 630 tỷ đồng – tăng 26% và lợi nhuận sau thuế là 19 tỷ đồng. Năm trước, JVC lỗ 31,7 tỷ đồng mặc dù lợi nhuận gộp tăng mạnh khi công ty thực hiện các dự án có hiệu quả hơn. Năm 2015, sau sự cố với lãnh đạo cũ, JVC báo lỗ tới 1.336 tỷ đồng do phải trích lập dự phòng gần nghìn tỷ đồng.
Được biết, trong năm 2016, khi Ban lãnh đạo mới tiếp quản JVC thì doanh nghiệp tên tuổi một thời trong ngành thiết bị y tế đã bị cắt đứt gần như hoàn toàn các mối quan hệ với các nhà cung cấp và khách hàng cũ, ngân hàng từ chối tài trợ vốn.
Ông Ngô Thanh Sơn – Tổng Giám đốc mới cho biết, JVC đã dừng bán lỗ hàng tồn kho, tập trung các dự án hiệu quả với mục tiêu quan trọng nhất là ổn định bộ máy. Doanh thu từ kinh doanh thiết bị giảm 44% còn 106 tỷ đồng nhưng kinh doanh vật tư tiêu hao tăng 25%, đạt 221 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty đẩy mạnh kinh doanh, đưa dự án đầu tư mới tại bệnh viện Bạch Mai, ĐK Tuyên Quang, Tim Hà Nội vào hoạt động, khiến cho doanh thu từ đầu tư liên kết tăng 35% lên 143 tỷ đồng. Doanh thu phòng khám cũng tăng nhẹ lên 14 tỷ đồng.
Lãnh đạo JVC cho biết, một mặt JVC tập trung vào các sản phẩm cốt lõi, mặt khác đánh giá lại danh mục sản phẩm, bổ sung sản phẩm mới. Đáng chú ý, JVC tăng cường kênh phân phối, thành đại lý độc quyền của một số hãng lớn tại Việt Nam như Hitachi Japan. Một đối tác quan trọng trước đây là Fujifilm – sau biến cố tại JVC đã tìm đến các đại lý khác, nhưng trong năm nay đã trở lại và JVC trở thành đại lý phân phối lớn nhất của các hãng này.
“Về cơ bản đã tái cấu trúc xong và thay đổi mô hình hoạt động của công ty. Nhưng với đặc thù hoạt động kinh doanh các thiết bị giá trị lớn, kết quả chưa thể thấy rõ ràng ngay được” – ông Phạm Quang Huy, Chủ tịch HĐQT nói.
Lãnh đạo JVC cũng cho biết, công ty sẽ tái cơ cấu theo 2 hướng. Một, là tái cơ cấu theo cách thông thường, nỗ lực khôi phục HĐKD để có lợi nhuận trở lại. Hai là giải pháp tách công ty. Theo đó, phương án đặt ra là JVC sẽ tách làm đôi, những tài sản xấu chuyển sang một công ty, những tài sản tốt chuyển về một công ty. Phương án này không làm thay đổi về mặt sở hữu và công ty tốt sẽ có điều kiện để kinh doanh tốt hơn và có cơ sở để trả cổ tức cho cổ đông. Còn công ty xấu vẫn tiếp tục tái cơ cấu, nếu khôi phục được thì có thể bán hoặc có phương án giải quyết sau. Tuy nhiên kế hoạch này chưa được đồng thuận của cổ đông lớn.
Kế toán trưởng của JVC tiết lộ, từ chỗ không có ngân hàng nào đồng ý cấp tín dụng thì đến quý cuối cùng của năm 2016 đã có một số Ngân hàng đồng ý tài trợ. Hiện JVC đang có hạn mức 150 tỷ tại 3 NH là BIDV, TPBank, Techcombank.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về các kế hoạch kinh doanh năm nay, ông Phạm Quang Huy tự tin nói rằng tình hình tài chính của JVC đã trở nên lành mạnh và sẽ có lãi trong năm 2017. Cơ sở quan trọng nhất để xây dựng kế hoạch là thị trường tăng trưởng và có nhiều cơ hội.
“Doanh số năm 2017 là doanh số thật, tôi cam kết với các cổ đông. Trong quá khứ, doanh thu cao nhưng đó là ảo. Mục tiêu tăng trưởng 20%/năm trong tương lai là tham vọng lớn nhưng là quyết tâm của JVC.”- ông Huy khẳng định.
Có mặt tại Đại hội, ông Hosono Kei – đại diện của quỹ đầu tư Nhật Bản DI nói: “Trong thời gian tới, DI không có kế hoạch thoái vốn khỏi JVC và sẽ tiếp tục hỗ trợ JVC trong kế hoạch tái cơ cấu. Tôi biết phía các cổ đông có sự phàn nàn nhất định nhưng từ quan điểm của tôi, so tình hình công ty với 2 năm trước đây thì đây là nỗ lực lớn rồi. Khi công ty xảy ra sự cố, vì chúng tôi là cổ đông lớn nên đã phải cử nhân sự sang Hà Nội giúp. Công ty không có tiền, chúng tôi cũng phải bán xe để trả nợ giúp. Tôi đã có ý định từ chức tại công ty mẹ để nhận trách nhiệm về vụ này. Nhưng thật may mắn, giờ chúng tôi đã tìm được những người đứng ra khôi phục lại công ty”.
Trí Thức Trẻ