MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ MB: Có nghiên cứu việc sáp nhập PGBank

29-03-2018 - 12:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Phần thảo thuận của Đại hội, nhiều cổ đông đặt câu hỏi về MCredit, việc tìm kiếm đối tác ngoại và khả năng sáp nhập PGBank.

Sáng nay ngày 29/3, Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank – MBB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2018.

Báo cáo về kết quả kinh doanh năm 2017, Tổng Giám đốc ông Lưu Trung Thái cho biết hầu hết các chỉ tiêu đề ra của MB đều hoàn thành hoặc vượt kế hoạch. Tổng tài sản tăng 22%. Dư nợ cho vay tăng 22%, vượt 3% so với kế hoạch. Thu thuần từ kinh doanh năm 2017 đạt 13.867 tỷ đồng, tăng 40,7% so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.616 tỷ đồng, vượt kế hoạch. Năng suất lao động được duy trì và cải thiện. Chỉ số LNTT/người bình quân riêng ngân hàng đạt 0,67 tỷ/người/năm (tăng 33% so với 2016).

Chỉ số an toàn vốn CAR đạt 12% (quy định NHNN là không thấp hơn 9%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn là 41,11% (quy định của NHNN là không cao hơn 60%), LDR (riêng ngân hàng) là 76,6% (quy định của NHNN không cao hơn 80%).

Tại Đại hội, ngân hàng MB đã trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2018 lên 21.600 tỷ đồng. Kế hoạch kinh doanh năm nay dự kiến sẽ đạt được 6.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. 

Sau khi trình bày các số liệu kinh doanh và kế hoạch 2018, ngân hàng bắt đầu bước vào thảo luận. Ông Lê Hữu Đức điều phối phần thảo luận đại hội, ông Lưu Trung Thái là người trả lời chính các câu hỏi của cổ đông.

Cổ đông: Tại sao lựa chọn ngân hàng số là chiến lược trọng tâm? Kế hoạch chỉ tiêu cụ thể là gì?

Ông Lưu Trung Thái: Xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 là xu hướng chủ đạo, không chỉ cho ngân hàng mà tất cả các lĩnh vực. MB thời gian vừa qua nắm bắt xu thế, trong giai đoạn 2017-2021 xác định phát triển ngân hàng số là chiến lược trọng tâm và cho đến nay đã đạt được một số tích cực. Ví dụ, việc áp dụng ngân hàng số đã nâng năng suất lao động thêm 33%, giảm thiểu thời gian giao dịch với khách hàng. Các sản phẩm của ngân hàng số sẽ giúp các dịch vụ được nhanh chóng, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng.

Ngân hàng cũng đã đề ra các chỉ tiêu thách thức cho ban điều hành về ngân hàng số, trong đó năm 2018 đạt 28 triệu giao dịch với tổng giá trị là 200 nghìn tỷ đồng.

Cổ đông: MB có ý định sáp nhập không? Hiện một số thông tin cho rằng MB sẽ sáp nhập với PGBank?

Ông Lưu Trung Thái: Về ý định sáp nhập, chúng tôi cũng có nghiên cứu một số ngân hàng, trong đó quả thực có PGBank. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một thỏa thuận cuối cùng nào và vẫn đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán, đánh giá.

Cổ đông: Kế hoạch của chúng ta đặt khá nhiều kỳ vọng với MCredit, vậy mảng tín dụng tiêu dùng của MB có lợi thế cạnh tranh gì so với các ngân hàng khác? Mảng này có rủi ro khá cao trong khi từ trước đến nay MB luôn chú trọng an toàn.

Ông Lưu Trung Thái: Công ty MCredit hiện nay là kết quả hợp tác với đối tác Shinsei từ Nhật Bản. Và tổng kết năm 2017, MCredit cũng đã có những kết quả tích cực. Lợi thế của MCredit bao gồm chất lượng quản trị rủi ro, ưu điểm về công nghệ có thể tận dụng kinh nghiệm từ Nhật Bản và không phải đầu tư quá nhiều về mạng lưới do thừa hưởng từ MB.

Cổ đông: Tôi được biết năm 2017, chúng ta có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP). Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều nhân viên ngân hàng thì chỉ CBNV cấp trưởng phó phòng trở lên mới được mua. Tôi cho rằng nên để đại đa số nhân viên được mua chứ không chỉ cấp quản lý.

Ông Lưu Trung Thái: Về kế phát hành cổ phiếu chương trìn ESOP, thực tế là tập trung cho nhóm nhân viên, chuyên viên có thành tích xuất sắc. Đây là chính sách đúng, phù hợp để giữ chân nhân tài. Không phải cán bộ quản lý nào cũng được nhận cổ phiếu, mà chỉ những ai có thành tích vượt trội, xuất sắc mới được nhận.

Cổ đông: Năm 2018, MB có kế hoạch thoái vốn tại các công ty con hay không? Ví dụ như MBLand chẳng hạn? Nếu có thoái vốn tại MBLand thì kế hoạch lợi nhuận 6.800 tỷ đã bao gồm nguồn thu từ việc thoái vốn hay chưa?

Ông Lưu Trung Thái: Thực hiện theo Thông tư 36 của NHNN thì MB sẽ phải thoái vốn tại một số công ty, trong đó có MBLand. Trong đó, chúng ta sẽ thoái 100% vốn tại MBLand, trên cơ sở đấu giá công khai, tuy nhiên sẽ phải tìm đối tác phù hợp. 

Kế hoạch 6.800 tỷ lợi nhuận trước thuế chưa bao gồm nguồn thu dự kiến từ thoái vốn khỏi MBLand. 

Cổ đông: Đã hết quý I/2018, vậy HĐQT có thể cập nhật kết quả kinh doanh quý vừa rồi không?

Ông Lưu Trung Thái: Doanh thu dự kiến quý I vào khoảng 3.500 tỷ - 3.600 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt được tối thiểu là 1.600 tỷ. So với cùng kỳ năm ngoái là tăng 35% và đang khá thuận lợi cho mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 6.800 tỷ đồng.

Cổ đông: xin cho biết về tỷ trọng của cho vay bán lẻ tại MB? Bên cạnh nguồn thu phí tăng từ bảo hiểm nhân thọ thì các nguồn thu phí dịch vụ khác như thế nào?

Ông Lưu Trung Thái: Năm vừa rồi, dư nợ phân khúc cho vay bán lẻ chiếm khoảng 75% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Về nguồn thu phí, dự kiến phí từ mảng bảo hiểm sẽ tăng nhanh, chiếm 10% nguồn thu phí của toàn ngân hàng. Ngoài ra, các nguồn thu phí khác sẽ chủ yếu đến từ dịch vụ thẻ. Dự kiến năm nay sẽ phát hành được thêm 200.000 thẻ tín dụng, các loại thẻ khác cũng sẽ đẩy mạnh phát hành thêm từ đó nâng nguồn thu phí.

Cổ đông: Hiện nay nhiều ngân hàng khác đang rốt ráo tăng vốn và bán cổ phấn cho cổ đông ngoại. Nhiều ý kiến cho rằng năm 2018 là năm "best time"- thời điểm tốt, thuận lợi để bán cổ phần cho NĐT nước ngoài. MB có kế hoạch thế nào, có tận dung thời điểm này hay không?

Ông Lưu Trung Thái: Năm 2018 đúng là thời điểm khá thuận lợi để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Song việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài không dễ. Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm và tính toán để có phương án hợp lý. Có thể sẽ mở rộng hướng tới nhiều đối tượng hơn như các quỹ đầu tư, ngân hàng ngoại.

Kết thúc Đại hội, toàn bộ các tờ trình về việc tăng vốn điều lệ, phương án phân phối lợi nhuận 2017, kế hoạch kinh doanh năm 2018, thù lao của HĐQT và BKS, .... đều được thông qua. 

Diệp Trần

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên