MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ MB: Sẽ tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 ít nhất 20%, có thêm 3-5 triệu khách hàng mới

27-04-2021 - 09:58 AM | Tài chính - ngân hàng

ĐHCĐ MB: Sẽ tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 ít nhất 20%, có thêm 3-5 triệu khách hàng mới

Cổ đông đang đề xuất bán cổ phần cho Viettel với giá ít nhất 20.000 đồng/cổ phiếu...

Sáng ngày 27/4, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán MBB) tổ chức đại hội cổ đông thường niên.

Báo cáo tại đại hội, ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc MB cho biết, năm 2020 ngân hàng đã đạt kết quả kinh doanh tích cực, vượt chỉ tiêu cổ đông giao, là 1 trong những ngân hàng có hiệu quả kinh doanh tốt nhất hệ thống.

Kế hoạch tăng lợi nhuận ít nhất 20%

Cụ thể, tổng tài sản năm qua tăng 20,3% đạt gần 495 nghìn tỷ đồng vốn điều lệ tăng 18% đạt gần 28.000 tỷ đồng; tín dụng tăng 22,9% đạt hơn 325 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 21,7% đạt hơn 355 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,09%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 10.688 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt 9.698 tỷ đồng.

Trong năm 2021, ngân hàng hướng tới mục tiêu nằm trong top 5; phấn đấu top 3 ngân hàng hiệu quả nhất, dẫn đầu về nền tảng số; nằm trong top 3 về bán lẻ. Phương châm điều hành năm nay là tăng tốc số, đột phá bán lẻ, an toàn – hiệu quả.

Lợi nhuận của ngân hàng hợp nhất hướng tới 13.200 tỷ đồng, tương đương tăng 20% so với năm trước; tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 11%; huy động vốn tăng tuỳ theo nhu cầu sử dụng vốn; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở dưới 1,5%. "Tuy nhiên mục tiêu lợi nhuận 20% là mức tối thiểu. Ngân hàng cũng phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 15 – 17% tuỳ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước" , ông Thái nói thêm.

Ngân hàng đồng thời đề cập đến trường hợp dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thì mục tiêu lợi nhuận sẽ khoảng 10%.

Về nền tảng khách hàng, CEO ngân hàng cho biết trong năm nay ngân hàng đặt mục tiêu hút thêm khoảng 3 – 5 triệu khách hàng mới, hoàn thiện hệ sinh thái quy mô 20 triệu khách hàng bền vững. Được biết riêng trong quý 1, ngân hàng đã có thêm 1 triệu khách hàng mới đăng ký qua App, bằng 60% tổng lượng khách hàng mới của cả năm 2020.

Chia cổ tức tỷ lệ 35%

Kết thúc năm 2020, MB có lợi nhuận sau thuế riêng ngân hàng là 7.840 tỷ đồng. Sau khi trích lập các, quỹ lợi nhuận để lại của ngân hàng còn 5.841 tỷ đồng, cộng với lợi nhuận để lại của các năm trước là hơn 10.100 tỷ đồng. Với nguồn lợi nhuận này, MB dự định trích ra 9.795 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng cổ phiếu.

ĐHCĐ MB: Sẽ tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 ít nhất 20%, có thêm 3-5 triệu khách hàng mới - Ảnh 1.

Ông Lưu Trung Thái tại đại hội

Tăng vốn điều lệ thêm hơn 10 nghìn tỷ, lên gần 40 nghìn tỷ đồng

Tại đại hội, ông Lưu Trung Thái đã trình bày tờ trình kế hoạch tăng vốn năm 2021 của ngân hàng.

Cụ thể, năm nay MB có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ thêm gần 40%. Theo ngân hàng, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh của MB.

Ngân hàng sẽ thực hiện 3 phương án tăng vốn.

Lần 1 là tăng thêm gần 10.000 tỷ, từ xấp xỉ 28.000 tỷ đồng hiện tại lên trên 38,6 nghìn tỷ thông qua phát hành cổ phần phổ thông để trả cổ tức với tỷ lệ 35% trên tổng số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành.

Lần tăng vốn thứ 2 thêm khoảng 700 tỷ thông qua bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược gồm: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội Viettel (thêm tối đa 43 triệu cổ phiếu); Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thương Mại và xuất nhập khẩu Viettel (tối đa 27 triệu cổ phiếu); và các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khác đáp ứng tiêu chí lựa chọn của ngân hàng.

Lần tăng vốn thứ 3 là thêm khoảng 192,4 tỷ thông qua phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên.

Với phần vốn tăng thêm gần 10.700 tỷ đồng, ngân hàng dự kiến sẽ đầu tư tăng năng lực (bao gồm việc đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực Hồ Chí Minh và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định và phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng) khoảng 4.783 tỷ đồng; Bổ sung vốn đầu tư kinh doanh khác (bao gồm bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh, mô hình kinh doanh mới, …) với hơn 5.900 tỷ.

Cổ đông hỏi, lãnh đạo ngân hàng trả lời

Cổ đông hỏi:

-Kế hoạch chia cổ tức 2021 (thực hiện trong năm 2022) như thế nào?

-Trong bối cảnh nền kinh tế còn chưa hồi phục mạnh, tại sao lại đặt kế hoạch tăng đột biến vốn điều lệ?

- Ngân hàng đề xuất phát hành riêng lẻ cho Viettel và công ty con với giá không thấp hơn 18.000 đồng/cổ phiếu, đề nghị ngân hàng bán với giá tối thiểu 20.000 đồng, bằng 2/3 thị giá hiện tại?

- Định hướng tín dụng ngân hàng và tín dụng tiêu dùngHiệu quả hoạt động của các công ty con thế nào? 

-Phát triển ngân hàng số cần chú trọng tương tác khách hàng? Dự án oceanpark giải quyết thế nào?

- Dự phòng phát sinh hơn 6.200 tỷ đồng trong năm qua có liên quan gì quản trị?

-Tỷ lệ casa của ngân hàng thế nào? Có nên đặt mục tiêu tăng mạnh Casa?

-Đề nghị tăng tương tác với khách hàng qua ngân hàng số?

Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc trả lời

-Về vấn đề tăng vốn: Mỗi năm ngân hàng đều tận dụng tối đa hiệu quả hoạt động dựa trên quy mô tài sản (phụ thuộc vào cho vay, huy động vốn), việc tính toán tăng vốn làm gì cho phù hợp chiến lược 5 năm là rất quan trọng. Nếu tận dụng thời điểm phù hợp sẽ tăng được quy mô tín dụng và tài sản tốt.

Năm 2021 MB sẽ kết thúc chiến lược 5 năm, cả quy mô tài sản, lợi nhuận đều vượt kế hoạch. Trong 5 năm tiếp theo sẽ có chiến lược mới, trong đó tập trung đầu tư cho mô hình kinh doanh tập đoàn gồm ngân hàng và 6 công ty thành viên, trong đó hướng tới kinh doanh tập đoàn và quy mô thị trường Đông Nam Á. Đó là lý do cần phải tăng vốn.

-Chia cổ tức: Năm nay chia 35% cổ tức là của năm 2020. Ngân hàng xác định không dùng tiền của cổ đông hiện hữu mà chia bằng nguồn lợi nhuận để lại. Nếu được đề xuất tôi chỉ đề xuất chia cổ tức 20% cho năm vừa qua vì chia cổ tức nhiều thì sức ép lên ban điều hành càng lớn.

Năm sau sẽ chia cổ tức 10 - 15% cho hiệu quả hoạt động của năm 2021. Tại sao không chia tiền mặt thì đó là do mục tiêu phát triển của ngân hàng cũng như chính sách của NHNN.

- Bán vốn cho Viettel: Dự kiến bán cho Viettel trong quý 3, dựa trên giá trị sổ sách là soát xét của quý 2. Tại sao không bán cho Viettel giá cao hơn hoặc bằng giá thị trường? vì đây là cổ đông lớn nhất của ngân hàng, có sự hỗ trợ rất lớn cho ngân hàng. Việc đưa ra giá bao nhiêu phải phụ thuộc vào lợi ích 2 bên, hiện các thuê bao của Viettel có tới 6 triệu là khách hàng của MB...

- Cơ cấu tín dụng: Cuối năm 2020 cho vay kinh doanh BĐS của MB là 3,3%, trong quý 1 tăng thêm chút, nằm trong nhóm cho vay BĐS thấp của thị trường. Dự kiến 2021 sẽ thiết kế phần liên quan cho vay tiêu dùng cá nhân khoảng 5%, cho vay khách hàng cá nhân khoảng 35 - 36%.

- Thoái vốn công ty con: MB không có chủ trương thoái vốn tại công con. Hiện có 2 công ty thành viên đang ráo riết tìm đối tác chiến lược nước ngoài cho 2 công ty này. Các công ty con đều hoạt động tốt, doanh thu năm vừa rồi xấp xỉ 12 nghìn tỷ, lợi nhuận tăng trưởng khoảng 20%. Riêng công ty bảo hiểm MB Ageas đã có lãi từ năm thứ 3, sớm hơn nhiều so với kế hoạch có lãi từ năm thứ 7 đưa ra trước đó.

- Dự phòng nhiều: Ngân hàng đưa tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu lên cao. Dự phòng cao phụ thuộc vào khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng. Năm 2020 tất cả các ngân hàng lớn trên thế giới đều tăng trích lập để phòng trường hợp Covid-19 khó lường. Dự phòng phát sinh năm qua, đến nay đã có khả năng xử lý dự phòng tốt. MB cũng đã áp dụng các tiêu chuẩn trích lập, quản lý, đảm bảo tuân thủ Basel II, trong đó phân loại và trích lập dự phòng rủi ro áp dụng khá gay gắt, quyết liệt. Ngân hàng hoàn toàn có thể trích lập dự phòng ít và tăng lợi nhuận nhưng MB chọn biện pháp tăng phòng thủ.

-Casa: Casa của MB hiện khoảng 36 - 37%. Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu rất cao. MB không đặt mục tiêu hút nhiều vốn rẻ, chỉ ở mức 36-40%, vì người dân sẽ ngày càng có nhu cầu đầu tư thông minh. Các sản phẩm có cấu trúc về mặt thời gian phù hợp, lãi suất hợp lý sẽ là ưu thế, Vì vậy MB sẽ cân bằng giữa CASA và các kỳ hạn khác xung quanh mức mục tiêu, song song việc tối ưu hoá lợi ích cho khách hàng.

- Tác động của thông tư 03 đến ngân hàng: Cuối 2020, dư nợ cơ cấu của MB là 3.400 tỷ, đầu năm khoảng 9.000 tỷ nhưng sau đó khách hàng đã trả nợ và cuối năm còn 3.400 tỷ, hiện còn khoảng hơn 2.000 tỷ, như vậy tác động cơ bản là không đáng kể.


Tùng Lâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên