ĐHCĐ Sacombank: Mục tiêu tăng gấp rưỡi lợi nhuận trong năm nay lên 9.500 tỷ đồng, cổ đông tiếp tục đề nghị chia cổ tức
Ông Dương Công Minh cho biết hiện Sacombank đã trình lên NHNN phương án xử lý phần cổ phiếu của ông Trầm Bê, sau khi xử lý dứt điểm vấn đề này và hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức. Dự kiến năm sau sẽ được chia cổ tức và cổ đông không phải phàn nàn về vấn đề này nữa. Khi được chia cổ tức là ngân hàng sẽ chia hết luôn chứ không giữ lại làm gì.
Sáng ngày 25/04/2023, Đại hội cổ đông Sacombank đã được tổ chức tại TP.HCM.
Theo báo cáo thẩm tra tư cách cổ đông, đến 8h40p đã có 919 cổ đông và người ủy quyền tham dự, dại diện cho hơn 1 tỷ cổ phần ứng với hơn 57% lượng cổ phần có quyền biểu quyết của ngân hàng, đủ túc số để tiến hành đại hội cổ đông.
Đại hội dự kiến sẽ thảo luận về một số vấn đề quan trọng như 1) kết quả hoạt động kinh doanh năm 2022 và kế hoạch năm 2023; 2) kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022; 3) sửa đổi bổ sung điều lệ của ngân hàng…
Năm 2023 kỳ vọng lãi 9.500 tỷ, tăng 50% so với năm 2022
Đại diện Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết, năm 2022 là một năm đầy biến động của nền kinh tế thế giới với nhiều vấn đề như bất ổn chính trị, lạm phát, và lãi suất tăng cao. Tuy nhiên các cơ quan điều hành đã chủ động, linh hoạt và có những chủ trương hỗ trợ cho nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Trên cơ sở đó, Sacombank đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số tạo sự phát triển đột phá và đạt được kết quả khá toàn diện.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của Sacombank là 6.339 tỷ đồng, tăng 44,1% so với năm trước, đạt 120% kế hoạch. Lợi nhuận trước trích lập đề án đạt 19.940 tỷ đồng, tăng 57,5%. ROE ở mức 13,83%, tăng 3,04%; ROA bình quân tăng 0,23% đạt 0,91%
Tổng tài sản của ngân hàng chính thức vượt mốc 591,9 nghìn tỷ, tăng 13,6% so với năm 2021 và đạt 103% kế hoạch đại hội cổ đông giao phó. Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 438,7 nghìn tỷ đồng, tăng 13%, theo đúng hạn mức được phân bổ, chiếm 3,6% thị phần tín dụng toàn ngành.Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,93%, giảm 0,55% so với đầu năm.
Với nguồn vốn, Sacombank đã huy động 519, 1 nghìn tỷ, tăng 11,8%, đạt 101% kế hoạch, đảm bảo ổn định thanh khoản và quản trị lãi suất hiệu quả trước nhiều biến động thị trường.
Với kết quả kinh doanh đó, Sacombank vẫn chưa thể chia cho cổ đông do đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Về định hướng kinh doanh năm 2023, Sacombank đặt mục tiêu lãi trước thuế 9.500 tỷ, tăng 50% so với thực hiện năm trước. Tổng tài sản đạt 657,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% năm 2022. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng kỳ vọng đạt 491,6 nghìn tỷ, tăng 12% (tùy tình hình phân bổ của Ngân hàng Nhà nước); đồng thời, khống chế nợ xấu dưới 2%. Về huy động, Sacombank kỳ vọng đến cuối năm 2023, tổng huy động sẽ đạt 574,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11%.
Sửa đổi điều lệ
Theo đó, ban lãnh đạo ngân hàng kiến nghị bổ sung khoản 29, 30, 31 và 32 Điều 51 - nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị Ngân hàng của điều lệ Sacombank như sau:
29. Quyết định các hợp đồng đi vay có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của Sacombank ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong báo cáo tài chính gần nhất, trừ các hợp đồng, giao dịch thuộc thẩm quyền quyết định của đại hội cổ đông theo quy định của pháp luật và điều lạ Sacombank.
30. Quyết định miễn, giảm lãi, phí của các khoản nợ xấu; nợ cơ cấu và các khoản nợ, khoản phải thu tồn đọng thuộc đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập theo nguyên tắc công khai, minh bạch, phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định của pháp luật hiện hành.
31. Phê duyệt các nội dung liên quan đến phương án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu phù hợp với quy định pháp luật hoặc yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
32. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của Pháp luật, điều lệ này và quy định nội bộ của Sacombank.
Ngoài ra, ban lãnh đạo cũng đề xuất giao cho HĐQT hoàn thiện điều lệ mới và các quy định nội bộ liên quan theo nội dung sửa đổi, bổ sung được Đại hội thông qua, Chủ tịch HĐQT ký ban hành và gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo đúng quy định.
Thảo luận cổ đông
Cổ đông: Sacombank đã tốt lên, giá cổ phiếu đã hồi phục từ khi ông Dương Công Minh vào ngân hàng. Vì sao bao nhiêu năm vẫn chưa chia cổ tức, hiện ngân hàng đã có lãi thì nên chia cổ tức cho cổ đông?
Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT trả lời: Chúng tôi nhận nhiệm vụ lúc cổ phiếu rất xấu. Thị trường chứng khoán nói chung không tích cực nhưng ngân hàng vẫn tốt hơn.
Ngân hàng đã trình phương án tăng vốn, chia cổ tức cho cổ đông, tuy nhiên Sacombank là ngân hàng đặc thù, thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến chỗ cổ phiếu của ông Trầm Bê, ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Sau khi xử lý xong, hoàn tất tái cơ cấu, ngân hàng mới được chia cổ tức.
Bản thân tôi là cổ đông lớn nhất ở đây, các thành viên trong HĐQT và Ban điều hành cũng là cổ đông và cũng muốn chia cổ tức. Chúng tôi xác định năm 2023 sẽ phấn đấu là năm cuối cùng giải quyết các tồn đọng này. Khi giải quyết xong vấn đề sẽ được chia cổ tức và chúng tôi cố gắng để hết năm nay để không còn phải nhận những lời than phiền về vấn đề cổ tức như vậy.
Và khi được chia cổ tức chúng tôi cũng muốn chia hết luôn cho cổ đông chứ không phải lo giữ lại làm gì.
Cổ đông hỏi: Tại sao trích quỹ thưởng nhiều vậy?
Ông Dương Công Minh: Chúng tôi có lời, và phải trích lập các quỹ là các quỹ bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc : Lợi nhuận của Sacombank hiện đang được giữ lại. Sacombank có 2.700 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại và sẵn sàng chia cổ tức. Đó vẫn là tài sản của cổ đông. Chúng tôi chỉ trích 400 tỷ đồng quỹ lương thưởng cho gần 18.000 nhân viên, đây là con số rất nhỏ.
Cổ đông hỏi: Nợ nhóm 2 tăng khá cao từ 1.400 tỷ lên gần 5.400, ban lãnh đạo đánh giá thế nào về nhóm nợ này. Liệu có bị nhảy nhóm?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Nợ nhóm 2 chủ yếu do các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đang khó khăn.
Cổ đông hỏi: Nếu chưa được chia cổ tức tiền mặt thì chia cổ tức cổ phiếu hoặc chia 6:4?
Ông Dương Công Minh: Chúng tôi nỗ lực phấn đấu năm sau sẽ có thể chia. Chúng tôi dự định nếu đủ điều kiện sẽ chia hết luôn chứ không phải 6:4 như cổ đông đề nghị.
Cổ đông hỏi: Lợi nhuận quý I/2023 của ngân hàng thế nào? Trong năm nay, sau trích lập đủ cho trái phiếu VAMC thì lợi nhuận của Sacombank có ngang với các ngân hàng lớn không? Tác động của các chính sách của NHNN vừa công bố lên Sacombank?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Lợi nhuận trước thuế Quý 1 đạt khoảng 2.383 tỷ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước và đạt 25% kế hoạch cả năm.
Năm nay chúng tôi sẽ trích thêm 8.000 tỷ đồng, tương đương 100% dư nợ trái phiếu VAMC. Nếu trích thêm con số này, chúng tôi phải có lợi nhuận cao hơn nữa và cao hơn các ngân hàng khác trong ngành.
Về tác động của 2 thông tư thì hôm qua NHNN vừa mới ban hành, hôm nay ngân hàng họp ĐHCĐ, ngày mai HĐQT sẽ họp để thực hiện cơ cấu nợ có điều kiện cho các khách hàng.
Cổ đông hỏi: Ngân hàng trích dự phòng trái phiếu VAMC quý I bao nhiêu, tăng trưởng tín dụng quý I bao nhiêu %?
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Quý 1 đã trích lập dự phòng VAMC 2.213 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng quý I đạt trên 2%.
Cổ đông hỏi: Khi nào đấu giá cổ phiếu của ông Trầm Bê?
Ông Dương Công Minh: Phấn đấu quý IV/2023 đấu giá thành công. Nếu hoàn thành tái cơ cấu thì chắc chắn năm sau sẽ được chia cổ tức. Vấn đề duy nhất còn vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu là cổ phiếu của ông Trầm Bê.
CỔ ĐÔNG BIỂU QUYẾT THÔNG QUA CÁC TỜ TRÌNH
Các cổ đông Scaombank đồngđồng thuận thông qua tất cả các tờ tình với tỷ lệ nhất trí cao.
Nhịp sống thị trường