MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ SHS: Lên kế hoạch LNTT 460 tỷ đồng, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ và trả cổ tức

SHS cho biết sẽ hiện thực hóa lợi nhuận các danh mục đầu tư từ năm 2017 và tiếp tục tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng rút gọn và tập trung hơn.

Chiều ngày 24/04/2018, CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) đã tổ chức ĐHCĐ thường niên 2018.

Năm 2017, tổng doanh thu của Công ty đạt 1.093,7 tỷ đồng, tăng 93,3% so với thực hiện năm 2016 và hoàn thành vượt 74,7% kế hoạch, lãi trước thuế là 450,7 tỷ đồng, tăng 420,4% so với thực hiện năm 2016, hoàn thành vượt 267,4% so với kế hoạch và cũng là mức lợi nhuận lớn nhất kể từ khi thành lập cho tới nay.

Hoạt động đầu tư sau giai đoạn tái cơ cấu ghi nhận 416,8 tỷ đồng, tương đương 38% tổng doanh thu. Thị phần môi giới của SHS tiếp tục tăng lên mức cao nhất từ trước tới nay, xếp thứ 2 về thị phần môi giới tại sàn HNX và duy trì vị trí trong Top 7 tại sàn HOSE.

Danh mục đầu tư tập trung vào các công ty có tiềm năng tăng trưởng đã niêm yết cũng như thông qua đấu giá, M&A với nhiều mã như Tổng Công ty Viglacera (VGC), Công ty cổ phần Hà Đô, Công ty Môi trường Đô thị Bình Dương (Biwase), Yến Sào Diên Khánh, Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDC).

Trong năm qua, hoạt động Môi giới của Công ty cũng đã phối hợp cùng với bộ phận Tư vấn và Bảo lãnh phát hành để phát triển thêm các khách hàng là cổ đông của những Tập đoàn, DNNN mà SHS tư vấn IPO, niêm yết mở tài khoản đăng ký giao dịch tiêu biểu là các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Than khoáng sản, Bộ GTVT, Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công thương…

Về kế hoạch năm 2018, SHS đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.370 tỷ đồng, trong đó đầu tư là mảng lớn nhất với 514 tỷ đồng, lãi cho vay đem lại 416 tỷ đồng, môi giới và lưu ký lên kế hoạch 308 tỷ đồng. SHS đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 460 tỷ đồng – cao hơn 10 tỷ đồng so với năm 2017.

Cũng theo kế hoạch năm 2018, cổ tức của SHS sẽ bao gồm 10% tiền mặt.

Một trong các giải pháp mà SHS đề ra là tham gia đấu giá các doanh nghiệp tiềm năng mà nhà nước thoái vốn. Tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp đầu ngành trong các lĩnh vực tiềm năng.

Đặc biệt, SHS dự kiến sẽ hiện thực hóa lợi nhuận các danh mục đầu tư từ năm 2017 và tiếp tục thực hiện quyết liệt tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng rút gọn và tập trung hơn, thời gian đầu tư dài hơn nhưng mang lại lợi nhuận lớn và bền vững hơn.Tăng cường tham gia quản trị, kiểm soát các doanh nghiệp mà SHS đang sở hữu lớn.

Đại hội đã thông qua việc tăng vốn điều lệ của SHS với phương án phát hành 26,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu (tương ứng tỷ lệ 25%), phát hành 70,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 66,67%) với giá 12.000 đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành là 2.070 tỷ đồng.

SHS cũng sẽ phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng 5,26 triệu đơn vị với giá phát hành 12.000 đồng (tương đương tỷ lệ phát hành 4,99%). Một nửa số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm kể từ ngày Báo cáo kết quả chào bán lên UBCK được chấp thuận. Số còn lại được tự do chuyển nhượng.

Toàn bộ số vốn huy động được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng cho hoạt động kinh doanh chứng khoán, cho vay ký quỹ, đầu tư tài chính, bảo lãnh phát hành.

ĐHCĐ cũng thông qua việc SHS tham gia hoạt động kinh doanh chứng quyền có bảo đảm. Theo đó, SHS được phép chào bán, phát hành và niêm yết và thực hiện các nghiệp vụ khác liên quan đến chứng quyền có bảo đảm, bao gồm cả các nghiệp vụ: a) Phát hành, chào bán, niêm yết chứng quyền có bảo đảm; b) Tạo lập thị trường cho chứng quyền; c) Giao dịch nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền; d) Môi giới và tư vấn đầu tư chứng quyền. e) Các nghiệp vụ khác có liên quan.

Đồng thời, SHS cũng được thông qua việc bổ sung nghiệp vụ kinh doanh, tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh trong các vai trò sau: (i) Thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh (ii) Kinh doanh chứng khoán phái sinh, gồm: - Môi giới chứng khoán phái sinh; - Tự doanh chứng khoán phái sinh; - Tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh. (iii) Cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh và các hoạt động khác liên quan. (iv) Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trong ngày; hoạt động tạo lập thị trường

Mai Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên