MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ MB: Thông qua chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, chưa có áp lực nợ xấu với Novaland

25-04-2023 - 09:11 AM | Tài chính - ngân hàng

ĐHĐCĐ MB: Thông qua chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5%, chưa có áp lực nợ xấu với Novaland

Sáng nay (25/4), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB – Mã CK: MBB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Ngân hàng có kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ trong năm nay, tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém.

Mục tiêu lợi nhuận vượt 26.000 tỷ đồng

Tại đại hội, MB trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng 15% so với năm 2022, đạt 26.138 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng khoảng 14%, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 2%. Ngân hàng cũng dự kiến trong sau (2024) sẽ chia cổ tức tỷ lệ 10-15%.

Trước đó, ngân hàng đã hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh mà ĐHĐCĐ 2022 thông qua. Trong đó, tổng tài sản cuối năm 2022 của ngân hàng đạt 728.532 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2021 và vượt 4,1% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế đạt 22.729 tỷ đồng, tăng 37,5% và vượt 12% kế hoạch.

Hoạt động chuyển đổi số đạt kết quả tích cực, nhờ đó, MB tăng thêm hơn 7 triệu khách hàng trong năm qua, nâng tổng khách hàng cá nhân lên hơn 20 triệu người.

Tăng mạnh vốn điều lệ lên hơn 53.600 tỷ đồng

Theo tờ trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, MB có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt và bằng cổ phiếu trong năm nay. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 để lại của MB sau khi trích các quỹ là 12.151 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế để lại luỹ kế (bao gồm lợi nhuận để lại các năm trước) là 13.261 tỷ đồng.

Ngân hàng dự kiến dùng 9.068 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 6.801 tỷ đồng dùng để chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 15%. Bên cạnh đó, 2.266 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt, tương đương tỷ lệ 5%.

HĐQT trình cổ đông uỷ quyền và giao nhiệm vụ cho HĐQT tổ chức thực hiện việc phân phối lợi nhuận này.

Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% sẽ giúp vốn điều lệ của MB tăng thêm 6.801 tỷ đồng. Số cổ phiếu phát hành là hơn 680 triệu đơn vị, thực hiện trong năm 2023.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến tăng thêm 1.542 tỷ đồng cho vốn điều lệ từ việc tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Vốn điều lệ dự kiến của MB sau khi hoàn thành việc tăng vốn điều lệ năm 2023 là 53.683 tỷ đồng.

Số vốn tăng thêm (8.343 tỷ đồng) sẽ chủ yếu được sử dụng cho đầu tư tăng năng lực (7.088 tỷ đồng đầu tư hệ thống, giải pháo công nghệ, đầu tư trụ sở tại khu vực TP.HCM và địa bàn trọng điểm,…), đồng thời bổ sung vốn đầu tư kinh doanh (1.255 tỷ đồng).

Tiếp tục nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Năm nay, MB tiếp tục triển khai các nội dung đã được ĐHĐCĐ thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2022 như việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng thương mại, thành lập ngân hàng liên doanh, cổ phần tại Campuchia,…

MB cũng tiếp tục chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động như đã được ĐHĐCĐ năm 2022 thông qua và NHNN chấp thuận. Thời gian thực hiện trong năm 2023 đến quý II/2024.

Miễn nhiệm thành viên HĐQT

MB cũng trình cổ đông số lượng thành viên HĐQT và miễn nhiệm thành viên HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024.

Cụ thể, ngân hàng miễn nhiệm thành viên HĐQT MB nhiệm kỳ 2019-2024 đối với ông Lê Hữu Đức, theo nguyện vọng cá nhân. Số lượng thành viên HĐQT MB trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ là 10 thành viên.

Trước đó, ngày 13/4, MB đã công bố Quyết nghị của Hội đồng Quản trị về việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT MB đối với ông Lê Hữu Đức, bầu ông Lưu Trung Thái giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2019-2024 và giao nhiệm vụ ông Phạm Như Ánh chức danh Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành.

Phần thảo luận: 

Cổ đông: Lợi nhuận chúng ta tăng mạnh như vậy, tôi đề nghị tăng tỷ lệ chia cổ tức tiền mặt là 7%.

Hàng năm chúng ta vẫn đặt mục tiêu cổ tức 15%, có năm là 35%. Dự đoán 2023 sẽ khó khăn, tôi cho rằng chia cổ tức 20% năm nay là phù hợp, 5% cổ tức tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Về việc nhận chuyển giao NH yếu kém, ĐHCĐ năm ngoái đã thông qua, chúng ta cũng đã đưa nhân sự qua. Nhưng tôi theo dõi thấy 1 năm qua chúng ta vẫn chưa nhận chuyển giao.

Chúng tôi đang tiến hành định giá theo đúng quy định. Dự kiến cuối năm 2023 và đầu năm 2024 sẽ tiến hành định giá xong để trình Chính phủ.

Sau mấy năm Covid, người vay tiêu dùng khó trả nợ hơn. Thêm vào đó, gần đây nhiều công ty đòi nợ bị cơ quan công an điều tra, dẫn đến nhiều người cố tính bùng nợ. Liệu nợ xấu của Mcredit có tăng mạnh và ảnh hưởng tới tập đoàn?

Chúng tôi đã thực hiện tái cơ cấu MCredit, tối ưu giảm chi phí hoạt động, tăng doanh thu, kiểm soát thu hồi nợ, xây dựng chiến lược mới cho giai đoạn tiếp theo và định vị lại thương hiệu trên thị trường. MCredit đặt mục tiêu chiến lược 2022-2026 trở thành công ty tài chính tiêu dùng có quy mô lớn thứ 2 và hiệu quả dẫn đầu. Năm 2022, MCredit đã lọt Top 3 thị phần. CIR đạt 29,4%. ROE đạt 40,6%. NIM đạt 21,1% dẫn đầu ngành tài chính tiêu dùng. Công ty đạt Top 2 lợi nhuận với 1.200 tỷ, chỉ sau Home Credit. Nợ xấu vẫn theo đúng chiến lược dưới 6% dù trung bình ngành là trên 8%.

MCredit đặt mục tiêu lợi nhuận 1.300 tỷ trong năm nay. Quý 1, mặc dù có những khó khăn, thu nhập của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, chúng tôi sẽ tập trung tăng trưởng bền vững. Lợi nhuận 302 tỷ đồng. CIR ở 23%. Nợ xấu 7,8%, trong đó nợ liên đới CIC trên 1%.

Định hướng của MCredit là chiến lược thu hồi nợ nhân văn. Hiện số nhân sự thu hồi nợ hơn 1.000 người, trong đó 600 cộng tác viên. Chúng tôi không ủng hộ đòi nợ theo các đơn vị bên ngoài. Khi thị trường khó khăn, những doanh nghiệp có văn hoá độc đáo, cam kết về chất lượng thì sẽ tiến xa hơn. kết quả đạt được trong thời gian đã chứng minh hướng đi đúng đắn của MCredit.

Thông tư 02 về giãn nợ vừa được ban hành. MB có bộ tiêu chí nào để đánh giá tái cơ cấu cho khách hàng thì khách hàng sẽ trả lại nợ đúng hạn không?

Về TT02, chiều nay NHNN sẽ có hội nghị hướng dẫn triển khai. Chúng tôi đã rà soát và số lượng cần cơ cấu không nhiều do khẩu vị cho vay của chúng tôi khá chặt chẽ.

Chỉ số tỷ lệ bao nợ xấu của MB đạt 300%. Con số này, nhiều người sẽ thấy vui. Nhưng tôi lại nhìn góc khác, liệu có phải nợ xấu tiềm ẩn của chúng ta khá cao nên chúng ta phải trích cao hay không?

Những năm nào có khả năng tiềm ẩn rủi ro cao thì chúng ta nên trích dự phòng rủi ro nhiều hơn. Năm nào tình hình ổn định và rủi ro thấp thì chúng ta có thể giảm để tăng lợi nhuận cho ngân hàng. Năm ngoái, sau Covid, chúng tôi tăng dự phòng để tăng phòng thủ cho hệ thống. Đó là lý do 2 năm qua, dự phòng nợ xấu của chúng ta tương đối cao. Nếu năm sau chúng ta giảm dự phòng thì sẽ trở thành lợi nhuận.

MB có nằm trong nhóm cho vay bất động sản (BĐS) nhiều nhất? Thị trường này lại đang xấu, ảnh hưởng ra sao tới MB? Tôi cho rằng MB đã nắm giữ quá nhiều trái phiếu BĐS. Dư nợ tín dụng cho Novaland, Hưng Thịnh là bao nhiêu? Quy mô bị chuyển nhóm nợ là bao nhiêu?

BĐS bao gồm cho vay kinh doanh BĐS và cho vay mua nhà để ở. Hiện dư nợ cho vay kinh doanh BĐS chỉ chiếm 7,8% trong tổng cho vay của MB, thuộc top có tỷ lệ cho vay thấp nhất thị trường.

Với Hưng Thịnh, MB không cho vay dự án, không sở hữu trái phiếu, có một chút cho vay về lĩnh vực xây lắp. 

Novaland là thương hiệu lớn trên thị trường, MB có cho vay và phát hành trái phiếu, nhưng MB quản lý từng dự án cụ thể. Hiện dư nợ giảm tương đối lớn, không còn nhiều như đầu năm. Năm 2023, dự kiến không phát sinh nợ xấu từ Novaland. Chúng tôi đang phối hợp để thu nợ đủ thời gian sắp tới.

Chúng tôi chỉ làm cùng Trung Nam về năng lượng tái tạo. Dư nợ của Trung Nam đang được trả nợ đầy đủ. Sẽ không có nợ xấu trong thời gian tiếp theo.

Không chỉ Novaland mà ngành BĐS thời gian vừa qua có vấn đề. Vấn đề chủ yếu hiện nay là vấn đề pháp lý, chứ không phải vướng mắc về tài chính. Gỡ được điều này thì vấn đề được giải quyết.

Đại hội thông qua tất cả các tờ trình. 

Minh Vy

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên