ĐHĐCĐ REE: Giữ nguyên kế hoạch lãi 1.620 tỷ bất chấp mảng cốt lõi M&E giảm mạnh trước Covid-19
4 tháng đầu năm 2020, mảng M&E chỉ đạt 50% kế hoạch đặt ra. Hiện, REE đang tồn đọng nợ phải thu rất cao vì một số khách hàng của Công ty rất khó khăn, thậm chí có những khách hàng không có doanh thu. Họ sẽ trả lãi cho REE, và REE phải chấp nhận thu hồi trễ.
Sáng ngày 15/5/2020, Cơ điện lạnh (REE) đã tổ chức ĐHĐCĐ để thông qua chiến lược kinh doanh năm 2020. Trong đó REE không thay đổi chỉ tiêu LNST 1.620 tỷ đồng, dù kế hoạch này được đưa ra khi Covid-19 vẫn chưa xuất hiện.
Công ty cũng sẽ tái cấu trúc sang mô hình Holdings với 4 ngành chính bao gồm (1) cơ điện lạnh (M&E), (2) bất động sản, (3) hạ tầng nước và (4) hạ tầng điện.
Mảng M&E gặp khó, 4 tháng đầu năm chỉ thực hiện được 50% kế hoạch
Trong đó, mảng chủ lực M&E hiện đang gặp khó, thứ nhất do chính sách thị trường bất động sản và đến nay là dịch Covid-19. Năm 2019, mảng M&E đóng góp 65% doanh số cho Công ty. Bước sang năm 2020, dịch Covid-19 khiến các dự án chậm triển khai, thậm chí bị dừng.
Chưa kể, mức độ canh tranh trong thị trường tiếp tục gia tăng. Theo Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh, dự án càng ít nên đấu thầu phải thông qua nhiều vòng và chủ đầu tư sẽ lựa chọn nhà thầu năng lực nhưng giá cạnh tranh nhất. Tỷ suất lợi nhuận của REE giảm so với các năm trước. Điều này buộc REE phải thúc đầy doanh thu nhưng sẽ đi kèm rủi ro nếu gặp các chủ đầu tư đang gặp khó khăn (chẳng hạn bất động sản Condotel) có thể gặp vấn đề về công nợ phải thu.
4 tháng đầu năm 2020, mảng M&E chỉ đạt 50% kế hoạch đặt ra. Hiện, REE đang tồn đọng nợ phải thu rất cao vì một số khách hàng của Công ty rất khó khăn, thậm chí có những khách hàng không có doanh thu. Họ sẽ trả lãi cho REE, và REE phải chấp nhận thu hồi trễ.
Bên cạnh đó, môi trường, qui trình cấp phép đầu tư có nhiều thay đổi, ảnh hưởng đến ngành xây dựng và M&E.
Ngược lại, REE vẫn kỳ vọng làn sóng nhà máy sản xuất dịch chuyển sang Việt Nam từ Trung Quốc trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều hợp đồng thi công hơn trong mảng này.
Ngành điện gặp thách thức kép từ thời tiết và Covid-19
Đối với mảng điện, diễn biến thời tiết tiếp tục khô hạn trong những tháng đầu năm và dự kiến còn kéo dài đến quý 2 nên sản lượng điện ít hơn. Thủy văn có hi vọng nhưng các nhà máy điện ở miền Trung đang khô, ít nước, như nhà máy Vĩnh Sơn Sông Hinh, doanh thu một tháng chỉ vài tỷ đồng, giảm rất nhiều so với cùng kỳ.
Chưa kể, nhu cầu điện suy giảm đáng kể vì các nhà máy, trường học, du lịch, hàng không… đóng cửa do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Do tác động kép, thị trường điện cũng giảm theo, điện dư thừa nên không huy động thị trường điện. Mặc dù, khi cao điểm vẫn phải huy động trên thị trường nhưng thủy điện thì đang mùa cạn nước, nhiệt điện không có lợi gì vì giá thành cao so với giá bình quân trên thị trường điện.
Nếu nhìn nửa cuối năm 2020, tình hình thủy văn có cải thiện hơn và khi nền kinh tế mở lại, hoạt động sản xuất kinh doanh mở lại thì nhu cầu điện nhích lên nhưng không tăng như các năm trước (bình quân khoảng 10%/năm), mà chỉ khoảng 6-7%. Như vậy, thị trường điện cũng ảnh hưởng, có nghĩa REE sẽ khó vận dụng trên thị trường điện để bán giá cao trên thị trường này.
Chưa kể đến, REE có khoản đầu tư lớn vào Thượng Kontum, nên dù chưa có doanh thu nhưng vẫn phải chi phí như lãi suất, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến KQKD của công ty.
Đẩy mạnh năng lượng tái tạo
Trong lĩnh vực tái tạo, năm 2019, REE có khoản đầu tư lớn vào VSH (sở hữu nhà máy thủy điện Thượng Kontum), hiện sở hữu khoảng 50% vốn. Đáng chú ý, vụ kiện với nhà thầu Trung Quốc hiện đã được giải tỏa và hủy hợp đồng. Công tác đào, giao hố và đường hầm dẫn nước vào nhà máy hoàn thành, đang ở giai đoạn dọn đường ray. Dự kiến vận hành giữa tháng 8.
Đối với dự án điện gió Trà Vinh đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu EPC, nhà thầu trạm biến áp và truyền tải, dự kiến hoàn tất trong tháng 6-7. Công đoạn thi công sẽ hoàn tất cuối 2021 và dự án sẽ được hưởng mức ưu đãi 9,8 cent cho điện gió xây dựng gần bờ. Ngoài ra còn có dự án điện gió Thuận Bình 24MW, hiện đã tăng tỷ lệ từ 20% lên 49% vốn.
Với điện mặt trời áp mái, REE có công suất khoảng 30MW, và đang tốc lực để tăng công suất tối đa trong năm 2020 nhằm hưởng được mức giá ưu đãi 8,6 cent/kWh.
Ngược lại, ngành nước theo ban lãnh đạo không ảnh hưởng nhiều trong năm 2020.
Mảng cho thuê văn phòng ước giảm 5-10%
Cuối cùng, tại mảng cho thuê văn phòng, bà Thanh cho biết, REE có 350 khách hàng thì nhận thư xin giảm giá thuê, không thu giá dịch vụ, giá giữ xe khoảng 200 khách. REE cũng phải cân nhắc vì nhiều khách lâu năm, nên REE quyết định giảm giá dịch vụ, giữ xe 25-30%.
Với khách hàng đến hạn tái ký hợp đồng thì giãn ra đến 30/6 giữ giá thuê cũ và chờ tiếp tháng 7/2020 để xem xét tiếp. Nhưng, các dự án tòa nhà văn phòng cho thuê với giá rất cạnh tranh, nên khách hàng luôn gắn bó với REE, thường xuyên lấp đầy 100%.
Do vậy, năm nay ảnh hưởng ít nhiều, nếu sụt giảm thì khoảng 5-10%. Ngòai ra, năm nay REE cũng sẽ khai thác và ghi nhận trọn vẹn doanh thu tòa nhà cho thuê Etown5.
Về kế hoạch cho Etown6, bà Thanh cho biết Công ty sẽ hoàn tất thiết kế và giấy phép xây dựng cuối năm nay, khởi công năm 2021, và hoàn thành cuối quý 1/2023. Dự án quy mô 7 tầng hầm và 15 tầng nổi, tổng diện tích sử dụng khoảng 15.000m2. Nếu dự kiến suất đầu tư 20tr/m2 thì cần khoảng 1.800-2.000 tỷ đồng, vị trí gần sân bay, và REE sẽ đầu tư tiện ích sẽ ở cấp độ cao hơn so với các tòa hiện tại.
Tự chung, năm 2020, REE đặt kế hoạch doanh thu gần 6.000 tỷ đồng, tăng hơn 23%. Trong cơ cấu doanh thu, mảng cơ điện 3.820 tỷ đồng, tăng 20% năm 2019, bất động sản 937 tỷ đồng tăng 10% và hạ tầng điện nước 1.135 tỷ đồng, tăng 44%. Còn khoản 73 tỷ đồng là mảng nhà ở và căn hộ của 2 công ty liên doanh liên kết.
Lợi nhuận sau thuế dự 1.620 tỷ đồng, trong đó cơ điện lạnh đạt 267 tỷ đồng, tăng 9% so với thực hiện 2019. Bất động sản đóng góp 450 tỷ đồng, tăng 14%. Mảng cơ sở hạ tầng điện nước 800 tỷ đồng, giảm 18% so với 2019.
Năm 2020, REE ước tính khai thác thương mại và ghi nhận doanh thu dự án thượng Kontum từ đầu tháng 7, thời gian tiến hành dự kiến lùi sang tháng 9.
REE dự chia cổ tức năm 2019 là 16%, theo cổ đông con số này tương đối thấp, đề nghị chia cổ tức tỷ lệ 18% hoặc nếu không thì có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hồi đáp, ban lãnh đạo cho biết sẽ cân nhắc điều này nhưng cũng cần cân đối với nhu cầu vốn của REE. "Đến một thời điểm nào đó chúng ta sẽ chia cổ tức nhiều hơn nhưng bây giờ là lúc thích hợp để tiến hành đầu tư", bà Thanh nhấn mạnh.
Tháng 7 sẽ chính thức công bố tân Tổng Giám đốc
Một nội dung đáng quan tâm khác, liên quan đến việc bà Thanh sẽ thôi giữ vị trí Tổng Giám đốc và người kế vị sẽ là ai. Chia sẻ với cổ đông, đại diện REE cho hay nhiều năm qua, REE liên tục tìm người có thể nắm giữ vị trí Tổng Giám đốc của REE, người đó phải có tư duy kinh doanh nhạy bén, phải am hiểu trong lĩnh vực REE đang hoạt động, phải có kỹ năng và phải là người trẻ.
Thậm chí, REE đã nhờ các công ty săn đầu người để tìm kiếm, dù có nhiều nhân sự rất giỏi nhưng lại không am hiểu lĩnh vực Công ty.
Đến nay, REE đã lựa chọn nhân sự xuất sắc trong nội bộ, cử đi đào tạo nước ngoài trong vòng 2 năm. Và giờ đây, HDQT REE thống nhất và lựa chọn được nhân sự, và rất vui mừng vì chọn được người đúng như ý muốn để tiếp tục sự nghiệp của REE.
Dự kiến, trong tháng 7, REE sẽ công bố thông tin về vị tân Tổng giám đốc này.