Đi khám răng, cô gái bị bác sĩ mắng: Chậm chút nữa có thể mất mạng vì tiểu đường
Nhiều người không biết rằng tiểu đường có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là tử vong.
- 20-04-2024Tìm ra loại đồ uống giúp phòng ngừa tiểu đường cực tốt: Rất thân quen với người Việt, lại rẻ tiền
- 18-04-2024Chuyên gia Anh mách 2 siêu thực phẩm đánh bay mỡ máu, phòng tiểu đường cực tốt: Số 2 người Việt ít ăn
- 12-04-2024Thức hạt bổ dưỡng, tốt cho tim mạch, ngừa ung thư, tiểu đường: Thu hoạch từ loài hoa "đặc sản" của 1 tỉnh ở Việt Nam
Tiểu Hạnh (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay 16 tuổi, đang là học sinh cấp 3 tại Đài Trung, Đài Loan, Trung Quốc. Khoảng 2 tuần trước, Tiểu Hạnh bắt đầu bị đau răng. Khi tự kiểm tra bằng gương, cô nhận thấy mình không bị sâu răng hay có vết thương nào trong khoang miệng nên cũng không quá để tâm.
Bố mẹ Tiểu Hạnh nhiều lần giục con đi khám nhưng cô luôn lấy lý do bận học, thậm chí phản ứng lại rất dữ dội. Cho đến 3 ngày trước, Tiểu Hạnh vừa thức dậy thì phát hiện vùng đau răng của mình đã lan ra rất rộng, nửa bên mặt trái cũng bị sưng to. Cô gái trẻ đau đớn nhưng vẫn không muốn đi khám bệnh.
Ngày hôm sau, cơn đau trầm trọng tới mức Tiểu Hạnh không thể ăn uống hay nói chuyện được. Cơ thể cô như không còn chút sức lực nào, đau đầu, buồn nôn và có biểu hiện tinh thần không tỉnh táo. Bố của Tiểu Hạnh nghĩ là cơn đau răng ảnh hưởng tới não bộ nên nhanh chóng xin nghỉ làm rồi đưa con gái tới Khoa Răng hàm mặt thuộc Bệnh viện Changhua Xiu Chuan (Đài Loan, Trung Quốc). Tiểu Hạnh dù rất đau nhưng vẫn tỏ ra miễn cưỡng khi đi khám.
Thật không ngờ, bác sĩ nha khoa vừa kiểm tra sơ bộ liền vội vã yêu cầu chuyển Tiểu Hạnh tới phòng cấp cứu. Bác sĩ Huang Shilun thuộc Khoa Cấp cứu cho biết: “Bệnh nhân cảm thấy đau răng nhưng nguyên nhân sâu xa là từ bệnh tiểu đường. Xét nghiệm máu chỉ ra đường huyết cao tới mức nguy hiểm là 625 mg/dL, huyết sắc tố glycated là 18,8%.
Trong khi chỉ số đường huyết khi đói của người bình thường từ 70 - 130 mg/dL còn huyết sắc tố là 4 - 5,7%. Bệnh nhân còn rất trẻ nhưng đã có những dấu hiệu nhiễm toan ceton - một biến chứng tiểu đường cực nguy hiểm, có thể gây tử vong và thường gặp ở người mắc tiểu đường tuýp 1”.
Bố mẹ Tiểu Hạnh cũng ngạc nhiên, bởi trong cuộc sống hàng ngày cô cũng rất ít khi ăn ngọt, vệ sinh răng miệng rất kỹ. Phân tích của các bác sĩ cho thấy bệnh tiểu đường của cô thuộc tuýp 1A do cơ chế tự miễn. Do hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy.
“Khi mắc tiểu đường, nhất là bệnh do cơ chế tự miễn - tức tiểu đường tuýp 1A thì hệ miễn dịch và tuần hoàn máu của bệnh nhân kém đi rất nhiều. Từ đó dẫn tới dễ nhiễm trùng hơn, phục hồi bạch cầu kém hơn. Những điều này gây ra nhiễm trùng nướu và bệnh nha chu cùng viêm mô tế bào ở mặt cho bệnh nhân” - bác sĩ Huang giải thích.
May mắn là cấp cứu kịp thời nên các bác sĩ đã cứu được tính mạng của Tiểu Hạnh. Tuy nhiên, cô vẫn phải nằm viện ít nhất một tuần để điều trị và tránh các biến chứng nguy hiểm sau nhiễm toan ceton. Khi được người nhà kể về sự “cứng đầu”, chủ quan không chịu đi thăm khám của Tiểu Hạnh, bác sĩ Huang bực tới mức phải mắng cô gái trẻ một trận. Ông nói: “Chỉ cần đến muộn chút nữa là có thể mất mạng vì tiểu đường”.
Ông cũng nhắc nhở thêm một số triệu chứng tiểu đường tuýp 1 dễ bị bỏ qua như:
- Khô miệng, khát nước nhiều.
- Nhanh đói mặc dù mới ăn xong.
- Đi tiểu nhiều, tăng tiểu đêm, đái dầm ở trẻ.
- Đau bụng và buồn nôn.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân, ngay cả khi ăn nhiều hơn và hay đói.
- Mệt mỏi bất thường.
- Nhìn mờ.
- Thở hít vào nhanh, sâu (hay còn gọi là kiểu thở Kussmaul).
- Dễ bị nhiễm trùng: da, khoang miệng, tiết niệu, âm đạo…
- Hay cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng.
Còn các triệu chứng của nhiễm toan ceton do tiểu đường (phổ biến hơn ở tiểu đường tuýp 1) thường là: rối loạn nhịp thở, hơi thở có mùi trái cây rõ rệt, đau đầu, mặt đỏ bừng, cứng cơ hoặc đau nhức, mệt mỏi toàn thân, đau bụng, buồn nôn và nôn mửa… Lúc này, cần nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu để tránh biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor
Phụ nữ mới