Di ngôn "ẩn ý sâu cay" trước lúc lâm chung của Tào Tháo và Lưu Bị dạy chúng ta bài học đáng giá muôn đời: Chỉ 1 câu nói khiến người khác phải sống chết trung thành
Đạo dùng người của cả đời tướng lĩnh tài ba kiệt xuất đều được đúc kết lại trong câu di ngôn sâu cay cuối cùng.
- 25-02-2019Cùng là một chai nước, siêu thị bán 10 nghìn nhưng khách sạn 5 sao để giá 1 triệu: Giá trị luôn phụ thuộc vào vị thế, dù bạn là ai đi nữa, đặt bản thân sai chỗ thì chẳng đáng lấy 1 xu
- 21-02-2019Đàn ông thích trông rộng, đàn bà trọng tiểu tiết: Khác biệt quan điểm muôn đời về TIỀN gây nên những tranh cãi không hồi kết cho những kẻ "đầu gối tay ấp"?
- 21-02-2019Câu nói "Tiền nhiều để làm gì" của ông chủ Trung Nguyên đang gây bão mạng xã hội: Vậy tiền bạc có thực sự đáng để tranh nhau "sứt đầu mẻ trán" không? Câu trả lời đáng suy ngẫm!
"Con chim sắp chết kêu tiếng bi ai; con người sắp chết nói lời tốt lành".
Cho dù khi còn sống người ta nhân nghĩa hay có gian trá đến đâu, vào thời điểm chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay, những lời họ nói ra thường là lời thật lòng thật dạ nhất. Tuy nhiên, với các bậc đế vương là một chính trị gia trời sinh của thời Tam Quốc như Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền... những người luôn phải sống giữa âm mưu và toan tính, thời điểm lâm chung lại là lúc họ giao phó toàn bộ cơ nghiệp trăm năm cho hậu thế. Đó chính là những câu nói cuối cùng ẩn chứa tài trí mưu lược kiệt xuất của cả đời họ và để lại những bài học sâu cay cho đời sau.
1. Di ngôn của Lưu Bị
Vào năm 223 sau Công nguyên, trong cuộc thảo phạt Đông Ngô, Lưu Bị đã chuốc thất bại thảm hại, phải lui quân đến thành Bạch Đế, cuối cùng hi sinh tại đây vào năm Chương Võ thứ 3 của nhà Thục hán (năm 223). Vào thời điểm cuối cùng, khi không thể chịu đựng được sự tra tấn kép về tinh thần và thể xác, ông biết mình chẳng còn bao lâu nữa nên đã triệu Gia Cát Lượng vào dặn dò, gửi gắm thái tử còn ít tuổi: "Tài năng của thừa tướng gấp mười Tào Phi, tất yên định được nước nhà, làm nên việc lớn. Đối với con trẫm, nếu có thể giúp được thì giúp, nếu nó bất tài, thì hãy tự thay đi!".
Gia Cát Lượng nghe xong, cảm động đến nỗi nước mắt chảy thành dòng, lập tức quỳ xuống mà nói: "Thần nhất định sẽ đem hết toàn lực, trung thành tận tâm phụ tá Lưu Thiện đến chết mới thôi!".
Lưu Bị nghe vậy lại hạ chiếu giáo huấn thái tử rằng: "Ngươi và thừa tướng cùng nhau cộng sự, cần phải đối đãi với thừa tướng như là cha mình vậy".
Hẳn nhiều người sẽ nghĩ rằng, Lưu Bị vô cùng tín nhiệm Gia Cát Lượng nên mới đưa ra quyết định táo bạo trên. Trước đó, ông đã từng ba lần tới tận lều cỏ để mời Lượng về triều. Thật ra, bản thân Lưu Bị biết rõ cách làm người và nể phục cái tài của Khổng Minh, nên muốn vị đại thần này cúc cung tận tụy phò tá con trai mình. Đây chính là quang minh chính đại đẩy cho Gia Cát Lượng một trách nhiệm nặng nề. Chính nhờ câu nói ấy, từ đó về sau, Gia Cát Lượng khăng khăng một mực, tận tụy cho đến tận lúc chết vẫn quyết tâm phò tá nhà Lưu.
2. Di ngôn của Tào Tháo
Tào Tháo nổi danh là một "gian hùng" trong thời loạn thế Tam Quốc. Gian trá, xảo quyệt, mưu mô và tàn nhẫn, ông đều có đủ cả. Tuy nhiên, những lời di ngôn trước lúc lâm chung của Tào Tháo lại vô cùng bình thản, giản dị.
Đầu tiên, ông ủy thác cho các đại thần: "Ta tung hoành thiên hạ hơn 30 năm, quần hùng khắp nơi đều cúi đầu thần phục, chỉ có Tôn Quyền ở Giang Đông và Lưu Bị ở Tây Thục còn chưa thể tiêu diệt. Giờ đó không còn là chuyện của ta nữa, mà là chuyện của con cháu ta sau này phải làm. Phu nhân Biện thị của ta có bốn đứa con trai. Chỉ có con cả Tào Phi là người trung hậu, cung kính, có thể kế nghiệp, các khanh hãy hết lòng phò trợ."
Sau đó, Tào Tháo nói với vợ và thê thiếp rằng: "Sau khi ta chết, các nàng nên chăm chỉ may vá, thêu thùa, bán đi đổi lấy tiền mà chi tiêu cho mình".
Không còn âm mưu quỷ kế, không còn toan tính thiệt hơn, những lời nói cuối cùng của Tào Tháo không giống Ngụy Vương nắm trong tay giang sơn mà chỉ là một người cha già, phó thác hậu sự cho vợ con sau này. Đằng sau cả cuộc đời gian hùng, người ta mới được chứng kiến một mặt tình cảm dịu dàng của ông.
3. Di ngôn của Tôn Quyền
Tôn Quyền là vị vua sống lâu nhất trong lịch sử thời Tam Quốc. Tuy cả đời tài ba kiệt xuất, đến tuổi già, Tôn Quyền lại đưa ra nhiều quyết sách sai lầm, làm quyền lực rối ren và không yên tâm trao lại nó cho Thái tử của mình.
Trước khi lâm chung, ông dặn dò: "Cả đời này, ta có thể làm hoàng đế nhiều năm như vậy đều là nhờ sự giúp đỡ của cha anh và các quần thần. Sắp được gặp lại cha anh, lòng ta rất mừng, nhưng lại lo cho con nhất. Con còn nhỏ như vậy đã phải ngồi lên đại vị, kẻ địch hùng mạnh ở khắp nơi nên nhất định phải nhớ rằng: Thiên hạ không thể là thiên hạ của một mình con mà là của cả thiên hạ. Phải cùng vui buồn với hiền tài, cùng mệt nhọc với bách tính, có như vậy mới tồn tại lâu dài."
Những lời cuối cùng của Tôn Quyền không quá nhiều nhưng ai cũng có thể nhìn ra tình yêu thương và sự chăm sóc nhiệt tình của ông đối với con trai mình khi đó mới 10 tuổi. Tuy nhiên, đúng như những gì ông lo lắng trước lúc nhắm mắt xuôi tay, Thái tử Tôn Lượng kế vị được 8 năm thì bị quyền thần phế truất, qua đời năm mới 18 tuổi.
4. Di ngôn của Tôn Sách
Tôn Sách là một viên tướng và lãnh chúa nổi tiếng trong thời kỳ cuối của Đông Hán và thời kỳ đầu của Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Dựng nghiệp từ hai bàn tay trắng và một vài thuộc hạ thân tín mà cha mình là Trường Sa thái thú Tôn Kiên để lại, một tay Tôn Sách tiêu diệt các thế lực quân phiệt và thống nhất Giang Đông, đặt nền móng quan trọng trong việc hình thành nên Đông Ngô, đã được người em trai Tôn Quyền kế thừa và hoàn thiện sau này. Ông được người đời đánh giá là bậc hào kiệt chân chính thời Tam Quốc, thậm chí còn khiến cho những nhân vật khét tiếng lúc bấy giờ như Lưu Bị, Viên Thuật, Tào Tháo đều phải dè chừng.
"Tiểu Bá Vương" Tôn Sách là bậc thiếu niên hào kiệt, dũng mãnh hơn người, mưu lược toàn tài, có chí nhất thống thiên hạ.
Tuy nhiên, Tôn Sách xử sự vô ý và tàn nhẫn đã gây thù hằn với nhiều người, cuối cùng bị thích khách làm trọng thương, bỏ mình năm mới 26 tuổi. Trước khi chết, Tôn Sách đã gọi Trương Chiêu vào phó thác đại sự: "Nếu Tôn Quyền không thể gánh vác trách nhiệm lớn lao thì khanh hãy tự mình thay thế. Sau này có điều không thuận lợi xảy ra, cứ thong thả về Tây, cũng đừng lo nghĩ."
Sau đó, Sách lại cho gọi Tôn Quyền, tự mình trao ấn tín cho em trai và căn dặn: "Cử quân Giang Đông, quyết mưu giữa hai trận đánh, tranh giành thiên hạ, khanh không bằng ta. Nhưng dùng người hiền tài để họ hết lòng gìn giữ Giang Đông, ta không bằng khanh."
Những lời cuối cùng của Tôn Sách giống như hoàn toàn tin tưởng, ủy thác đại nghiệp cho Trương Chiêu nhưng thực ra lại là cách ông thuyết phục vị hiền tài tiếp tục phò trợ cho em trai mình xây dựng đất nước. Điều đó thể hiện tầm vóc và sự thâm sâu của bậc hào kiệt này.