Đi ngược xu hướng, một vài ngân hàng giảm lãi suất huy động
Trong lúc lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng bất ngờ tăng khá nhanh, có nơi phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 9,2%/năm - một kỷ lục mới sau nhiều năm qua thì thị trường lại xuất hiện vài nhà băng điều chỉnh giảm lãi suất 0,1-0,3%.
- 22-03-2017Lãi suất cho vay đã có dấu hiệu nhích lên
- 22-03-2017Lý giải hiện tượng lãi suất huy động đồng loạt tăng vọt
- 22-03-2017Lãi suất tăng mạnh, gửi kỳ hạn nào có lợi nhất?
- 21-03-2017Lãi suất "liệu cơm gắp mắm"
Từ đầu năm, lãi suất huy động của các ngân hàng tăng khá nhanh, đặc biệt là các kỳ hạn trên 6 tháng, có nơi lên đến 9% để hút vốn. Điều này được lý giải là để cân đối tỷ lệ huy động và cho vay (LDR).
Tuy nhiên, từ ngày hôm qua, một số ngân hàng lại có động thái điều chỉnh giảm lãi suất 0,1-0,3%. Cụ thể, từ ngày 24/3, tại VIB lãi suất huy động cho kỳ hạn 1-2 tháng giảm 0,1 % còn 5,1%; kỳ hạn từ 3-5 tháng giảm 0,3% còn 5,2%; kỳ hạn 6-11 tháng giảm 0,15 về 5,6%; các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,05% còn 7,1%.
Đại diện của VIB cho biết “Hiện thanh khoản ngân hàng ổn định, tỉ lệ giữa cho vay và huy động được duy trì tốt. Do đó, việc các ngân hàng tăng lãi suất để thu hút nguồn tiền gửi không còn cần thiết.”
Tương tự, VietCapital Bank vừa điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới nhất từ ngày 21/3 trong đó điểm đáng chú ý là giảm kỳ hạn dài từ 18 đến 60 tháng 0,1%, xuống còn 7,8%/năm.
Trong khi đó, tại VietBank, biểu lãi suất kỳ hạn dài còn điều chỉnh giảm mạnh hơn, mức sụt lớn nhất lên đến 0,3% đối với kỳ hạn 15 tháng, xuống còn 7,3%/năm. Các kỳ hạn 7 và 12 tháng giảm 0,1%, xuống tương ứng 6,9% và 7,1%/năm. Hiện nay mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này thuộc về kỳ hạn 36 tháng với mức lãi suất 7,9%/ năm.
Cũng trong hôm nay, Maritime Bank thông báo kể từ 24/3, ngân hàng này sẽ giảm 0,2% mức lãi suất huy động dân cư cho kỳ hạn 18-36 tháng, từ 7,4% còn 7,2%. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, với tình hình thanh khoản tốt, trong các tháng vừa qua, Martime Bank vẫn duy trì mức lãi suất ổn định ở hầu hết các kỳ hạn. Cùng với việc điều chỉnh lãi suất huy động, Maritime Bank còn đưa chương trình khuyến mại cho các khoản vay thế chấp bất động sản dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất chỉ từ 7,49% - 8,99%.
Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng nói trên được xem là những thông tin tích cực trong bối cảnh các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, tạo sức ép tăng lãi suất cho vay.
Các chuyên gia phân tích cho rằng một nguyên nhân quan trọng khiến các NHTM điều chỉnh lãi suất huy động gần đây là nhằm cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017. Dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các ngân hàng lớn.
Hơn nữa, ngay cả đối với các ngân hàng thuộc tốp trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu vẫn muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn 1 trong 2 cách: một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.
Ngoài ra, một phần nguyên nhân đến từ xu hướng tăng của lạm phát. Lạm phát tăng khá nhanh ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi.
Chuyên gia trong ngành cho rằng sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Tuy vậy, sức ép này sẽ không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt (đang được hậu thuẫn bởi diễn biến điều chỉnh của giá dầu) và lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn đúng theo dự kiến (thêm hai lần nữa trong năm 2017), không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư. Những diễn biến tăng đối với mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm ngân hàng nhỏ và phần nhiều do hiệu ứng của Thông tư 06 chứ không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống, hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào.