Đi tìm chế tài xử lý biến tướng “tour 0 đồng”
Trong quý 1/2018, Quảng Ninh đón 4,6 triệu lượt du khách, tăng 21% so với cùng kỳ, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 7.300 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Lẽ ra đây sẽ là con số đáng mơ ước đối với một thị trường quốc tế. Nhưng, vấn đề đặt ra là phía sau của tour 0 đồng là gì? Được và mất ra sao?
- 25-03-2018Lại bùng phát tour 0 đồng: Méo mó môi trường du lịch Việt
- 24-03-2018Lại bùng phát tour 0 đồng: Đột nhập ma trận
- 21-03-2018“Tour 0 đồng” tái xuất: Tổng cục Du lịch lên tiếng
Được và mất
Thực tế, thời gian gần đây, những biến tướng của tour 0 đồng, tour giá rẻ của du khách Trung Quốc đã làm nhiều tỉnh, thành trong nước có nhiều điểm du lịch hấp dẫn "khó chịu". Đà Nẵng, Khánh Hòa và cả Quảng Ninh nữa đã từng "hứng chịu" biến tướng của tour 0 đồng mang tên du khách Trung Quốc. Và, đầu tháng 4 này, tình trạng trên lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Quảng Ninh khiến các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý Nhà nước thực sự đau đầu.
Bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho rằng: "Cần có đánh giá toàn diện về "tour 0 đồng" để có cách quản lý tốt hơn". Theo tìm hiểu của PV, hiện nay, ở các nước Châu Âu, tour du lịch giá rẻ là hiện tượng phổ biến giúp ngành du lịch quốc gia cân đối được lượng du khách đến thăm các tỉnh lẻ vào mùa thấp điểm. Những tour này góp phần đảm bảo duy trì ổn định các đường bay, giảm bớt khoảng cách khác biệt giữa mùa cao điểm và mùa thấp điểm trong ngành du lịch, giữ cân bằng sự quản lý của các địa phương đối với du khách quốc tế.
Quảng Ninh tập trung chấn chỉnh hoạt động kinh doanh lữ hành đón khách du lịch Trung Quốc, hoạt động kinh doanh chương trình du lịch giá rẻ. Ảnh: CTV
Tại Việt Nam, khách Trung Quốc sử dụng "tour 0 đồng" đến Việt Nam vẫn phải mua vé phương tiện để di chuyển, vẫn phải sử dụng các dịch vụ của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam vẫn thu được lợi nhuận từ các đối tượng khách du lịch như thế này. Đi theo "tour 0 đồng" buộc du khách phải vào những cửa hàng mua sắm "bí mật" dành riêng cho họ. Họ không có quyền được lựa chọn đến các điểm mua sắm truyền thống. Hàng hóa tại những cửa hàng này đều có giá cao gấp nhiều lần giá trị thực. Việc thổi phồng công dụng hàng hóa sẽ mang về khoản lợi nhuận khủng bù lỗ cho "tour 0 đồng" bởi các công ty lữ hành thực hiện các thủ thuật với các cửa hàng này nhằm hưởng hoa hồng từ việc bán hàng cho khách trong đoàn.
Khi du khách mua hàng trực tiếp tại các cửa hàng này sẽ không nộp thuế cho Nhà nước. Điều đó gây tổn hại cho việc thu ngân sách của địa phương và quốc gia. Đại diện Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh thông tin: Năm 2017, số tiền thuế 15 điểm bán hàng cho du khách Trung Quốc tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nộp là 936 triệu đồng. Con số này bị nghi ngờ là thấp hơn nhiều so với doanh thu thực tế.
Du khách Trung Quốc thăm hang Luồn, Hạ Long. Ảnh: CTV
Đi theo tour du lịch 0 đồng, khách sẽ ở trong trạng thái bị bỏ rơi nếu không mua hàng. Hướng dẫn viên có nhiệm vụ hướng dẫn du khách song trên thực tế, họ có thỏa thuận ngầm là du khách phải mua hàng và các dịch vụ ngoài tour thay vì các điểm thăm quan. Điều này, gây ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt, làm biến tướng hoạt động của lữ hành.
Cần có cơ chế quản lý đặc thù
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản xử lý các hoạt động vi phạm liên quan đến đón khách du lịch Trung Quốc từ "tour 0 đồng". Yêu cầu các cửa hàng công khai niêm yết giá hàng hóa; Hàng hóa phải có xuất xứ; Phải thanh toán qua ngân hàng; Cửa hàng phải gắn camera giám sát...
Bà Nguyễn Thị Bảo thẳng thắn thừa nhận, mặc dù chế tài UBND tỉnh Quảng Ninh đưa ra đối với du lịch của địa phương rất chặt trẽ, nhưng vẫn còn những kẽ hở mà chính quyền sở tại cũng không kiểm soát được.
Cuối năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3486/2015/QĐ – UBND ngày 5/11/2015 để quản lý đối với hoạt động du lịch. Theo đó, đã quy định về chất lượng phục vụ, việc quản lý về thuế, giá, chương trình du lịch,... với mục tiêu đảm bảo lợi ích hợp pháp cho du khách.
Tuy nhiên Quyết định 3486 chỉ phát huy tác dụng đối với các doanh nghiệp có trụ sở chính đặt ở tỉnh Quảng Ninh, các doanh nghiệp tỉnh ngoài không chịu sự tác động của quyết định này. Vì vậy, tất cả những đơn vị lữ hành trên địa bàn Quảng Ninh không đón được khách Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tại tỉnh Quảng Ninh có tính chất liên vùng, liên ngành, đặc biệt là hoạt động lữ hành có tính chất biên giới nên rất cần một cơ chế đặc thù để quản lý.
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề xuất Chính phủ được áp dụng một cơ chế quản lý đặc thù để việc quản lý du lịch đạt hiệu quả, kiểm soát được những mặt hạn chế cụ thể là "tour du lịch 0 đồng" trên địa bàn.
Thời đại