Đi vào tận ngõ hẻm sâu, giá đất vẫn “chóng mặt”
Để tìm được mảnh đất khoảng 10.000m2 (1 héc-ta) có view đẹp, mặc dù ở sâu trong các con đường nhỏ (thậm chí đường đất đỏ, đi lại khó khăn) giá vài tiền tỉ mới có thể mua được. Trong khi, mức giá này 7 năm về trước chỉ tính bằng vài chỉ vàng.
Đất tăng khắp nơi, từ nông thôn đến vùng núi là hiện tượng dễ nhìn thấy trên thị trường BĐS hiện nay. Ở những khu vực heo hút, vài năm trước không ai nghĩ tới, thì nay bỗng trở nên nóng sốt, tiền tỉ cũng khó mua được.
Tìm hiểu được biết, tại xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) đang rao bán lô đất 1,1 héc-ta với giá 3 tỉ đồng (khoảng 300 triệu đồng/1.000m2). Mức giá này đã tăng gần 2 tỉ đồng so với giá thời điểm đầu năm 2018. Theo môi giới khu vực này, mức giá hiện bán ra được xem là dễ chịu so với thị trường chung, gần bên cạnh, là xã Lộc Tiến thuộc Tp.Bảo Lộc, 3 tỉ đồng chỉ mua được 1.000-1.500m2. "Với 1.1 héc-ta này, nếu phân lô ra bán khoảng 1,1 tỉ đồng/1.000m2, gấp gần 4 lần so với giá mua vào", môi giới này cho hay.
Mảnh đất này nằm sâu vào các con đường đèo dốc, đi qua nhiều huyện nhỏ, đường chưa trải nhựa. Do có view đồi – nơi trước đây người dân chỉ để trồng cà phê và tiêu thì nay có giá bạc tỉ khi cơn sốt đất đi qua.
Khoảng 3 năm nay, khi nhiều nhà đầu tư các nơi đổ về Tp.Bảo Lộc và các huyện ven như Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Đạ Tẻh… săn đất khiến mặt bằng giá đất cũng leo thang, tăng ít nhất 40% so với thời điểm năm 2018. Các mảnh đất nằm tận sau ngõ hẻm, đường khó đi, đèo dốc liên tục, giá cũng tăng "chóng mặt".
Ảnh: Hạ Vy
Tương tự, mảnh đất nằm gần QL20 (gần huyện Định Quán – Đồng Nai nối sang Bảo Lộc – Lâm Đồng), một nhà đầu tư mua vào cuối năm 2019 với mức giá 500 triệu đồng/1.000m2, hiện có người hỏi mua 1.2 tỉ đồng/1.000m2 nhưng NĐT này vẫn chưa bán lại. Lô đất gần 3 héc-ta của nhà đầu tư này tính ra đã tăng 3-4 lần trong vài năm.
Đi sâu vào một con hẻm của huyện Định Quán, xung quanh là đất trồng sắn và cao su, mỗi sào đất vườn tại khu vực này hiện cũng đã lên đến 700 triệu đồng. Trong khi, nếu tính từ tháng 4/2021, mức giá này chỉ khoảng 300 -350 triệu đồng/sào. Những mảnh đất giáp đường lớn, có phần diện tích thổ cư lớn ghi nhận mức giá còn tăng nhanh hơn.
Anh Tr, một nhà đầu tư lâu năm đất vườn chia sẻ, hiện tại khu vực này những lô đất vườn vị trí xấu cũng đã 600-700 triệu đồng/1.000m2, những lô đẹp giá đã biến động trên 1 tỉ đồng. Tuy vậy, nếu so với khu vực Cẩm Mỹ gần bên thì mức giá này còn dễ chịu. Nhiều NĐT dồn về đây đầu tư, họ vừa lướt sóng, hoặc mua diện tích lớn, phân lô và bán ra. Những lô đất đẹp do dân bán ra thời điểm trước hiện khá khan hàng. Nhiều người dân cũng nắm thị trường, găm hàng tăng giá nên nhà đầu tư rất khó mua.
Mới đây, Đắc Lắc cũng là địa phương sốt đất, giá tăng chóng mặt trong khoảng thời gian ngắn. Hiện khu vực này cầm nửa tỉ trong tay cũng khó mua được đất trên cao, dù trước đây những mảnh đất này có giá chỉ tính bằng 1-2 chỉ vàng.
Theo môi giới nhà đất khu vực này, thời gian qua, giá đất tại TP Buôn Ma Thuột tăng rất nhanh. Nếu cầm số tiền khoảng 500 triệu đồng đi mua đất cách TP Buôn Ma Thuột khoảng 10 km thì rất là khó, với số tiền này thì phải đi rất xa trung tâm may ra mới tìm được và nếu có thì cũng phải ở trong buôn, làng heo hút.
Hiện nay, những khu vực nội và ngoại thành Buôn Ma Thuột đất tăng giá gấp đôi. Theo đó, mỗi mét đất thổ cư, có đường ô tô tránh nhau, khu đông dân cư phải từ vài trăm triệu đồng trở lên; còn đất nông nghiệp mỗi lô 10m2 ngang cũng có giá từ 1,2 tỉ đồng trở lên. Đối với khu gần trung tâm thành phố, dù trong hẻm nhỏ, không có đường ô tô nhưng mỗi lô đất có diện tích khoảng hơn 100 m2 có giá trên dưới 1 tỷ đồng.
Cơn "nóng" giá đất cũng đã lan rộng ra các thị xã Buôn Hồ, huyện Cư Kuin, huyện Buôn Đôn, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), Cư Jút (Đắk Nông).. cách khu trung tâm hàng 100 cây số. Mức tăng có thể gấp 2-3 lần so với 1-2 năm trước.
Cơn sốt đất trồng cây lâu năm cũng đang lan rộng ra các khu vực Quảng Ngãi, Phú Yên. Tại Phú Yên, một năm trước 1 héc-ta đất có giá từ 100-150 triệu đồng thì hiện đã lên mức 350-400 triệu đồng. Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư cũng không có nguồn hàng để mua, vì dân giữ lại để chờ giá tăng thêm.