Địa phương phía Bắc của Bình Dương nói gì về kế hoạch tiếp nhận doanh nghiệp di dời?
Các địa phương phía Bắc của Bình Dương đã sẵn sàng tiếp nhận doanh nghiệp thông qua thực hiện các giải pháp đồng bộ.
Với mục tiêu đến năm 2030, xây dựng, phát triển Bình Dương trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, công nghiệp - dịch vụ hiện đại, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh.
Việc xây dựng các khu công nghiệp (KCN) thế hệ mới được coi là giải pháp không chỉ khắc phục những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Phát triển KCN xanh cũng giúp địa phương tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, hướng đến thực hiện cam kết giảm phát thải khí carbon về 0 vào năm 2050.
Do đó, tỉnh Bình Dương đang xây dựng chính sách và triển khai thực hiện hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi công năng các cơ sở sản xuất công nghiệp ở phía Nam sang phát triển thương mại, dịch vụ, đô thị và công nghiệp công nghệ cao phù hợp với quy hoạch.
KCN Bình Đường, quy mô 16,5 ha (phường An Bình, TP Dĩ An) là KCN đầu tiên được chuyển đổi công năng, thực hiện di dời thí điểm. Đến nay, chủ đầu tư KCN và DN tại đây đều đồng thuận với chủ trương chuyển đổi công năng, di dời nhà máy lên khu vực phía Bắc của tỉnh.
Đối với các địa phương phía Bắc của tỉnh cũng đã sẵn sàng tiếp nhận doanh nghiệp thông qua thực hiện những giải pháp đồng bộ trong đầu tư và phát triển hạ tầng các KCN. Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, cho biết đến nay, huyện đã hình thành nhiều khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch hơn 3.200 ha.
Bàu Bàng đã và đang đẩy mạnh hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông, hạ tầng phục vụ xã hội với hàng loạt dự án đầu tư công, trường học, cơ sở y tế, các công trình hành chính trọng điểm thời gian qua được đầu tư… Đặc biệt, hiện nay các tuyến đường Bắc Tân Uyên - Phú Giáo – Bàu Bàng, Bàu Bàng – Mỹ Phước - Tân Vạn đưa vào hoạt động kết nối các tuyến đường ĐT, ĐH trên địa bàn huyện và tuyến Quốc lộ 13 hiện hữu đã tạo điều kiện cho hạ tầng giao thông Bàu Bàng thông suốt các hướng, liên kết vùng, khu vực thuận lợi, mang lại tiềm năng lớn để huyện tiếp tục thu hút đầu tư phát triển công nghiệp.
"Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước luôn được lãnh đạo huyện quan tâm chỉ đạo thường xuyên, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đang hoạt động và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính theo quy định của nhà nước"- ông Giàu nói.
Ông Đoàn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết để đón làn sóng KCN phía Nam lên phía Bắc của tỉnh, trong đó có huyện Phú Giáo, địa phương đã sẵn sàng tâm thế, chuẩn bị cơ sở hạ tầng. Theo quy hoạch, huyện Phú Giáo có 18 cụm công nghiệp và 4 KCN, với diện tích hơn 3.000 ha, tất cả các KCN của Phú Giáo đều nằm trên tuyến đường tạo lực Bắc Tân Uyên- Phú Giáo- Bàu Bàng nên kết nối giao thông liên vùng rất thuận tiện.
Theo ông Đồng, dự kiến cuối năm 2024, Phú Giáo sẽ động thổ cụm Công nghiệp Tân Lập 2, với quy mô 50 ha, cụm này sẽ đón luồng doanh nghiệp đầu tiên di dời từ phía Nam lên, sau đó Phú Giáo sẽ tiếp tục triển khai các khu, cụm công nghiệp khác.
"Các doanh nghiệp di dời về đây yêu cầu phải thay đổi thiết bị máy móc hiện đại, đổi mới công nghệ để làm sao giảm hạn chế lực lượng lao động, phát triển công nghiệp theo hướng xanh, hiện đại, công nghệ cao…tạo động lực phát triển mới"- ông Đồng nói.
Đề án di dời DN, KCN ở phía Nam lên phía Bắc của tỉnh (hay còn gọi là Đề án 3210) ra đời từ năm 2019 và hiện nay đang bắt đầu triển khai kế hoạch. Dự kiến, các doanh nghiệp ở TP Thuận An sẽ di dời trong năm 2028; TP Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Bến Cát và Dĩ An sẽ di dời đến năm 2029.
Người lao động