MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch bệnh, hạn hán kéo lãi quý 1 của PAN giảm 61% so với cùng kỳ

Mảng cây trồng và bánh kẹo của PAN trong quý 1 giảm mạnh về doanh số, kinh doanh ngô không xuất khẩu được do dịch bệnh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (mã CK: PAN) đã công bố BCTC quý 1/2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ.

Theo đó doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.292 tỷ đồng giảm 18,8% so với cùng kỳ trong khi giá vốn hàng bán giảm ít hơn mức giảm của doanh thu nên lợi nhuận gộp đạt 248,8 tỷ đồng giảm 24% so với quý 1/2019.

Trong kỳ doanh thu từ hoạt động tài chính đạt hơn 70 tỷ đồng tăng 154% do tăng lãi tiền gửi so với cùng kỳ nhưng chi phí tài chính cũng tăng thêm 53% lên hơn 62 tỷ đồng trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay nên sau khi trừ các khoản chi phí PAN lãi ròng 28,7 tỷ đồng giảm 60,7% so với quý 1/2019.

Trong quý 1 PAN dành gần 18 tỷ đồng chi trả lương và thưởng cho các thành viên HĐQT và BGĐ trong đó 15,8 tỷ đồng là tiền lương và hơn 2 tỷ đồng tiền thưởng tăng 28,6% so với cùng kỳ.

Dịch bệnh, hạn hán kéo lãi quý 1 của PAN giảm 61% so với cùng kỳ - Ảnh 1.

Theo giải trình từ phía công ty kết quả kinh doanh giảm do hai mảng giống cây trồng giảm 35% doanh số và bánh kẹo giảm 30% doanh số vì việc đi lại gặp khó khăn, triển khai công tác marketing, bán hàng giữa đại dịch. Kinh doanh giống ngô chủ yếu tập trung vào quý I với thị trường xuất khẩu trọng điểm là Lào, Campuchia, Trung Quốc, tuy nhiên do dịch bệnh nên không xuất khẩu được. Hạn hán kéo dài khiến diện tích gieo trồng sụt giảm mạnh đặc biệt là một số vùng trồng ngô tẻ lớn tại Tây Nguyên. Ngoài ra tết Nguyên Đán năm nay đến sớm cũng ảnh hưởng đến doanh thu mảng bánh kẹo của tập đoàn so với cùng kỳ.

PAN cho biết trong quý 1 tiếp tục mở rộng thị trường mảng hạt điều thương hiệu sang Nhật Bản giúp lợi nhuận mảng này tăng nhẹ, đồng thời phát triển thêm sản phẩm hoa quả sấy. Mảng tôm vẫn đạt kết quả tương đương cùng kỳ trong khi mảng nước mắm tăng 11% lợi nhuận. Việc chủ động nguồn cung nhờ chuỗi giá trị khép kín giúp SXKD của tập đoàn tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không đình trệ.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, giai đoạn 2013 – 2019 tăng trưởng lợi nhuận hợp nhất của PAN đạt 67%. Trong đó riêng năm 2019 doanh thu thuần đạt 7.813 tỷ, giảm nhẹ 0,57%, lợi nhuận sau thuế đạt 452 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại các lĩnh vực kinh doanh chính của PAN bao gồm:

+ Lĩnh vực Nông nghiệp – thực hiện thông qua CTCP PAN Farm và CTCP Khử trùng Việt Nam (VFC) (*). CTCP PAN Farm gồm 2 công ty con trực tiếp là CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) và CTCP PAN-HULIC (PHJ).

+ Lĩnh vực Thực phẩm - quản lý và điều phối bởi CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food). Mảng kinh doanh này bao gồm những mảng kinh doanh chính: mảng bánh kẹo thực hiện thông qua PAN Food mẹ, PAN Food Manufacturing và Bibica; mảng thủy sản thực hiện bởi CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (Aquatex Bentre) và CTCP Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN); mảng nước mắm thực hiện tại CTCP Thủy sản 584 Nha Trang và mảng hạt tại CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco).

+ Lĩnh vực Phân phối – thực hiện thông qua CTCP Phân phối hàng tiêu dùng PAN (PAN CG), công ty mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 6/2019.

Dịch bệnh, hạn hán kéo lãi quý 1 của PAN giảm 61% so với cùng kỳ - Ảnh 2.

Sang năm 2020 PAN đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.653 tỷ đồng tăng 11% so với thực hiện 2019 và LNST dự kiến đạt 367 tỷ đồng giảm 18,6% so với năm 2019. Định hướng đến năm 2022, PAN sẽ đạt quy mô vốn hóa thị trường khoảng 1 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 95-100 triệu USD, trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Dịch bệnh, hạn hán kéo lãi quý 1 của PAN giảm 61% so với cùng kỳ - Ảnh 3.

Tú Anh

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên