MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh

Quán quân về tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép dành cho Hoa Sen Group.

Quý 1/2020 được xem là quý có nhiều biến động khi phần lớn các ngành nghề kinh doanh, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19. Ngành sắt thép cũng không ngoại lệ khi thị trường bất động sản đình trệ, hoạt động xây dựng bị chậm lại, sản lượng thép xuất khẩu cũng ảnh hưởng mạnh. Tuy vậy, nổi bật trong số đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng.

Hòa Phát lãi lớn

Nhắc đến các doanh nghiệp ngành thép, cái tên Hòa Phát (HPG) thường được nhớ tới đầu tiên. Hòa Phát không hẳn là doanh nghiệp chuyên về sắt thép, mà đây là một công ty đa ngành nghề, trong đó mảng sắt thép cũng chiếm một phần không hề nhỏ, thị phần thép Hòa Phát trên thị trường cũng rất lớn.

Theo báo cáo, thị phần thép xây dựng của Hòa Phát đã tăng lên 31,9% trong quý 1 với sản lượng 732.999 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép). Trong đó lượng thép thành phẩm xuất khẩu đạt 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ. Lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu phôi thép chính là Trung Quốc, các nước Đông Nam Á. Không chỉ vậy, Hòa Phát cũng cấp cho thị trường gần 145.000 tấn ống thép, tiếp tục giữ thị phần vượt trội với 31,1%.

Riêng trong tháng 3, thép xây dựng Hòa Phát đã ghi dấu ấn kỷ lục. Tổng cộng cả lượng tiêu thụ thép thành phẩm và phôi thép, Hòa Phát đã cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước 486.000 tấn. Tất cả các vùng miền đều ghi nhận tăng trưởng mạnh, trong đó thép xây dựng thành phẩm xuất khẩu tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ, khu vực miền Nam tăng 89,7%.

Doanh thu trong quý 1/2020 đạt 19.450 tỷ đồng, tăng 28% so với quý 1 năm ngoái và lợi nhuận sau thuế đạt 2.305 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Ngoài sản lượng thép các loại, Hòa Phát còn có các lĩnh vực khác như công nghiệp nội thất và điện lạnh, bất động sản, nông nghiệp.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 1.

úy

Trên thị trường, cổ phiếu HPG thậm chí quay đầu tăng mạnh sau khi về đáy của gần 2 năm trở lại đây ở mức giá 16.200 đồng/cổ phiếu hồi cuối tháng 3/2020. Hiện HPG đã tăng mạnh lên mức 23.600 đồng/cổ phiếu – xấp xỉ bằng mức giá hồi đầu năm.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 6 tháng gần đây.

Quán quân tăng trưởng thuộc về Hoa sen Group

Nhắc đến Hòa Phát, cũng không quên nhắc đến Hoa Sen Group (HSG). Nếu xét về mức độ tăng trưởng lợi nhuận, Hoa Sen cũng là doanh nghiệp ngành sắt thép có lợi nhuận tăng trưởng mạnh nhất trong quý vừa qua. Tuy nhiên, do niên độ tài chính của Hoa Sen Group hơi khác, năm tài chính bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau nên giai đoạn từ 1/1 đến 31/3/2020 vừa qua chính là quý 2 của năm tài chính 2019-2020 của Hoa Sen Group (tạm gọi là quý 2).

Doanh thu thuần quý 2 đạt 5.788 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ, trong khi đó chi phí tài chính giảm 44% còn 223 tỷ đồng, chi phí bán hàng giảm 48% xuống còn gần 504 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 104 tỷ đồng xuống còn 142 tỷ đồng. Những yếu tố này dẫn đến lợi nhuận sau thuế thu về trong quý đạt 201 tỷ đồng, gấp gần 3,8 lần lợi nhuận đạt được cùng kỳ năm ngoái.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 3.

Tính chung 6 tháng đầu năm tài chính 2019-2020 Hoa Sen Group đạt 382 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 3,2 lần cùng kỳ và đã hoàn thành trên 95% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.

Theo đánh giá của Chứng khoán SSI, kết quả này của HSG nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện. Đòn bẩy nợ vay và hàng tồn kho ở mức an toàn hơn cho phép công ty chuyển tập trung vào lợi nhuận thay vì sản lượng tiêu thụ như các năm trước. Đây là kết quả sau một năm tái cơ cấu lại hệ thống phân phối.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 4.

Diễn biến giá cổ phiếu HSG trong 6 tháng gần đây.

Đáng chú ý, cả Hòa Phát và Hoa Sen Group không chỉ tăng trưởng về lợi nhuận so với cùng kỳ, còn đạt cả mức tăng trưởng so với quý ngay trước đó. Quý 4/2019 Hòa Phát lãi sau thuế hơn 1.923 tỷ đồng còn quý 1/2020 vừa rồi lãi gần 2.305 tỷ đồng. Đối với Hoa sen, quý 1 năm tài chính vừa qua lãi sau thuế hơn 181 tỷ đồng còn quý 2 lãi hơn 201 tỷ đồng.

Doanh nghiệp ngành thép khác có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ nữa còn phải kể đến Ống thép Việt Đức VG PIPE (VGS) với số lãi 10,6 tỷ đồng, tăng trưởng 3,8%, tuy vậy số lãi này cũng chưa bằng 1/3 quý 4 ngay trước đó.

Thép Nam Kim: Từ lỗ quý 1 năm ngoái sang lãi quý 1 năm nay

Doanh nghiệp có lãi tăng trưởng nhưng đặc biệt nhất lại thuộc về Thép Nam Kim (NKG) khi quý 1 năm ngoái công ty lỗ hơn trăm tỷ đồng trong khi quý 1 năm nay lãi sau thuế 41,5 tỷ đồng. Doanh thu quý 1 đạt 2.452 tỷ đồng, giảm 16,7% so với cùng kỳ, trong đó Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu hàng xuất khẩu đạt 1.131 tỷ đồng, đóng góp khoảng 46% tổng doanh thu. Còn lại là doanh thu bán hàng trong nước. Như vậy, với tỷ trọng bán hàng xuất khẩu, hầu như Nam Kim đã chịu ít tác động từ dịch bệnh Covid-19 trong tiến trình xuất khẩu hàng hóa.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 5.

Đối với hoạt động kinh doanh, hiện Thép Nam Kim đang ở giai đoạn bước ngoặt mới với việc xây dựng sự hợp tác với SMC – một đối tác trong ngành. Việc SMC liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu, và "người" của SMC về làm CEO của Thép Nam Kim cùng với việc cá nhân lãnh đạo này đang gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Thép Nam Kim càng cho thấy sự hợp tác chặt chẽ giữa 2 đơn vị này.

Trong khi đó, mới đây nhất, nhóm cổ đông lớn gồm 2 quỹ là Vietnam Enterprise Investments Limited và Amersham Industries Limited đã bán đi tổng cộng hơn 9 triệu cổ phiếu NKG, giảm lượng sở hữu của nhóm này xuống dưới 9 triệu cổ phiếu và không còn là nhóm cổ đông lớn của Thép Nam Kim.

Trước tình hình chung, nhận định năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn với ngành thép, tuy vậy Thép Nam Kim vẫn đặt mục tiêu đạt 12.000 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ so với doanh thu đạt được năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, tăng mạnh so với lợi nhuận đạt được năm 2019. Sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt 700.000 tấn, tăng 7,4% so với sản lượng 670.000 tấn đạt được năm 2019.

Chuyển từ lỗ quý 1 năm ngoái sang có lãi quý 1 năm nay còn phải kể đến Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) với số lãi sau thuế 1,6 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 7,6 tỷ đồng).

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 6.

Cánh chim đầu đàn VnSteel

Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP (VnSteel – mã chứng khoán TVN) – doanh nghiệp được xem là "cánh chim đầu đàn" trong ngành thép. Doanh thu quý 1 vừa qua đã giảm sút hơn 20% so với cùng kỳ, đạt 7.317 tỷ đồng.

Trong khi đó lợi nhuận sau thuế đạt được chỉ 29 tỷ đồng, giảm sâu 62,6% so với lợi nhuận đạt được quý 1/2019. Đây cũng là quý có lợi nhuận thấp nhất của VnSteel mấy năm gần đây ngoại trừ việc lỗ lớn ở quý 4/2018.

Không chỉ TVN, mà SMC, Tisco (TIS) hay Thép Tiến Lên (THL) cũng có lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 7.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp lỗ lớn

Thép Việt Ý lỗ quý thứ 8 liên tiếp

Bên cạnh các doanh nghiệp có lãi tăng trưởng mạnh, hoặc có lãi dù không tăng trưởng trong quý 1 vừa qua, thì vẫn còn đó nhiều doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ.

Trong số đó thép Việt Ý (VIS) ghi nhận lỗ 41,7 tỷ đồng trong quý 1, đây cũng là quý thứ 8 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ. Tổng lỗ lũy kế đến 31/3/2020 của Thép Việt Ý lên đến 586 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Giám đốc công ty, năm 2019 công ty đã cải thiện được năng suất, hiệu suất, tiêu hao than. Tổng khối lượng sản xuất thép năm 2019 đạt 301.537 tấn, bao gồm 1.959 tấn nhận gia công, giảm 2% so với năm 2018.

Năm 2020 dự báo nhu cầu thép vẫn duy trì ở mức khả quan, song do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 lan rộng ra toàn thế giới nên thị trường bất động sản dự kiến còn nhiều khó khăn. Đối với Thép Việt Ý, công ty cũng đặt kế hoạch kinh doanh giảm sút với sản lượng sản xuất thép 322.300 tấn, giảm 4% so với năm 2019, sản lượng thép tiêu thụ dự kiến ở mức 322.300 tấn. Kế hoạch doanh thu giảm 21% xuống còn 3.634 tỷ đồng và dự kiến sẽ lỗ tiếp 65,6 tỷ đồng trong năm 2020.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 8.

Pomina cũng thua lỗ triền miên

Cũng thua lỗ triền miên nhiều quý liên tiếp là Pomina (POM) với số lỗ hơn 55 tỷ đồng trong quý 1 – là quý thứ 5 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ.

Xét về doanh thu, quý 1/2020 Pomina đạt 2.519 tỷ đồng, giảm 19,3% so với quý 1/2019. Trong cơ cấu doanh thu của công ty, doanh thu bán thép nội địa đạt 2.051 tỷ đồng, đóng góp trên 81% tổng doanh thu và giảm 8% so với cùng kỳ. Doanh thu xuất khẩu chỉ đạt hơn 454 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với quý 1 năm ngoái.

Giải trình kết quả kinh doanh, Thép Pomina cho biết, tình hình tiêu thụ chung của ngành thép quý 1 đầu năm giảm, dẫn tới lượng thép và doanh thu quý 1 của Pomina cũng giảm theo. Bên cạnh đó, công ty đang triển khai dự án lò cao, quý 2/2020 mới bắt đầu đi vào hoạt động, nên chi phí lãi vay cao.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 9.

Thép Dana Ý

Trong số các doanh nghiệp ngành thép trên sàn, một cái tên đáng chú ý khác là Thép Dana Ý (DNY). Công ty đã phải tạm ngừng sản xuất liên quan đến một số vấn đề về tiêu dùng. Doanh thu những quý gần đây chủ yếu đến từ bán hàng tồn, nguyên vật liệu. Hiện công ty cũng đang thực hiện di dời một số bộ phận nhà máy về khu công nghiệp theo yêu cầu của thành phố.

Dù ngừng sản xuất, nhưng những chi phí liên quan vẫn phát sinh, do vậy quý 1 vừa qua Thép Dana Ý lỗ tiếp gần 44 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế đến cuối quý lên 418 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 5 liên tiếp công ty kinh doanh thua lỗ. Tính đến 31/3/2020 Thép Dana Ý đã âm vốn chủ sở hữu hơn 120 tỷ đồng.

KQKD ngành thép quý 1: Có nhiều doanh nghiệp lãi tăng trưởng mạnh - Ảnh 10.

Liên quan đến việc ngừng sản xuất, Thép Dana Ý đang phát đơn kiện lại UBND Thành phố Đà Nẵng liên quan đến những quyết định gây thiệt hại cho công ty, và số tiền yêu cầu đền bù lên đến gần 400 tỷ đồng. Vụ kiện chưa đi đến hồi kết.

Mới đây nhất, Sở GDCK Hà Nội đã thông báo về việc hủy niêm yết cổ phiếu. Theo đó toàn bộ gần 27 triệu cổ phiếu DNY sẽ bị hủy niêm yết trên HNX từ 5/6/2020 tới đây do kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm 2019, thuộc trường hợp chứng khoán bị hủy niêm yết bắt buộc.

Năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn

Trước tình hình chung của các ngành kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19, ngành thép tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Sản xuất và bán hàng thép trong nước 3 tháng đầu năm 2020 lần lượt có mức tăng trưởng âm là 6% và 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo phân tích của các chuyên gia, sản lượng tiêu thụ thép năm 2020 khó có thể phục hồi mạnh mẽ do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, làm thị trường bất động sản chững lại, xuất khẩu bị đình trệ.

Tuy vậy, việc giá tăng các nguồn vốn FDI, thu hút đầu tư đang là cơ hội mở khi làn sóng dịch chuyển đang hướng về Việt Nam – đây cũng là cơ hội cho các ngành khác nói chung và ngành thép nói riêng. Do vậy, thị trường thép năm 2020 vẫn đang là cơ hội và thách thức lớn đối với các doanh nghiệp trong ngành.

Thạch Lâm

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên