MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch bủa vây, doanh nghiệp cầm cự

Dịch bủa vây, doanh nghiệp cầm cự

“Đang rất căng thẳng và khó khăn, các doanh nghiệp (DN) ngồi trên đống lửa nhưng không “kêu trời” mà phải tự tìm giải pháp để cầm cự”- ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội dệt may và Thêu đan TPHCM (AGTEK) nói. Đây cũng là tinh thần chung của rất nhiều DN trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam phải thực hiện giãn cách.

Cầm cự

Ông Hồng cho biết, các DN trong ngành dệt may ở TPHCM và các tỉnh lân cận đều ít nhiều chịu ảnh hưởng bởi dịch, trong đó rõ nhất là các DN có công nhân bị F0, F1 và bị phong tỏa toàn bộ hay một phần nhà máy. Ngoài ra, nhiều DN có công nhân nằm trong khu vực phong tỏa nên không thể đi làm nên thiếu lao động trầm trọng. Chưa kể việc đi lại, vận chuyển hàng hóa qua lại giữa các địa phương là vô cùng khó khăn. Vì vậy, ngoài việc tuân thủ các quy định phòng chống dịch của chính quyền, DN còn chủ động tăng ca để đáp ứng các đơn hàng đã ký trong quý 3/2021. Ông Hồng kỳ vọng dịch sẽ được khống chế trong tháng 7 và sang tháng 8 sẽ trở lại bình thường, từ đó DN sẽ tiếp tục ký các đơn hàng trong quý 4.

Từ ngày 8/7 Cty Đại Dũng tổ chức cho 300 trong số 700 lao động tại nhà máy ở KCN An Hạ (TPHCM) ăn ở tại nơi sản xuất. Một nhà máy khác của Cty tại Đức Hòa (Long An) với 600 lao động cũng tổ chức cho công nhân ăn ở tại chỗ để duy trì sản xuất. "Số lao động này sẽ cắm trại suốt thời gian thực hiện giãn cách để đảm bảo cho sản xuất ổn định"-ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch công đoàn Cty nói, đồng thời cho biết Cty đã có kế hoạch ngay từ đầu trong việc tổ chức sản xuất trong điều kiện giãn cách. Ngoài ra, đặc thù ngành sản xuất thép tiền chế nên cự ly làm việc giữa các công nhân khá rộng nên không lo lắng nhiều về việc giãn cách. Do chủ động tổ chức tốt khâu sản xuất nên Cty không bị ảnh hưởng nhiều và hàng vẫn đều đều xuất đi các nước.

Ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Cty gỗ Thiên Minh cho biết, hiện tại cũng tổ chức cắm trại cho 50% số công nhân tại nhà máy ở Đức Hòa (Long An) để duy trì sản xuất, đảm bảo các đơn hàng đã ký đối với các đối tác.

Ba cái khó

Theo ông Trần Lam Sơn, phần lớn các DN nói chung và các DN trong lĩnh vực chế biến gỗ nói riêng hiện đang đứng trước 3 khó khăn lớn. Thứ nhất thiếu lao động, vì rất nhiều công nhân trong diện phong tỏa, không thể đi làm. Thứ hai là thiếu nguồn nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Thứ ba là việc vận chuyển nguyên vật liệu đến nhà máy và hàng hóa từ nhà máy đến cảng gặp nhiều trở ngại. "Đi đến đâu tài xế cũng phải xét nghiệm, cứ 3 ngày một lần, vừa mất thời gian vừa tốn kém", ông Sơn nói.

Ông Bùi Thế Kích - Tổng giám đốc Cty CP May Đồng Nai cho hay, nguyên liệu cho ngành may mặc phải nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc khá nhiều, vì thế khi thị trường này gặp khó khăn do dịch bệnh, nguồn cung bị hạn chế, nhiều DN trong ngành bị thiếu nguyên liệu. Đặc biệt là những DN nhỏ, vốn nguyên liệu đầu vào dự trữ được ít, nguồn cung chỉ cần đứt đoạn trong 1-2 tháng là sản xuất bị ngưng trệ. Cũng theo ông Kích, khi chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc, Hàn Quốc thiếu hụt, Cty chuyển sang tìm nguyên liệu trong nước và các nước khác. Nhưng thời điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19 trên diện rộng, việc tìm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất không dễ dàng.

Ông Nguyễn Văn Hùng cũng xác nhận, cái khó nhất hiện nay của Cty Đại Dũng là khâu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa giữa các địa phương bởi phải luôn bị xét nghiệm COVID-19. Điều này vừa làm mất thời gian, vừa tăng chi phí cho DN.

Vì những cái khó trên nên DN rất khó xây dựng kế hoạch dài hơi trong thời gian tới và vì vậy, nhiều DN phải tạm "treo" các đơn hàng trong thời gian tới để chờ tình hình dịch bệnh sáng sủa hơn.

DN "khát" vắc-xin

Ông Phạm Xuân Hồng cho biết AGTEK đã liên kết với các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương triển khai tiêm vắc-xin mũi 1 cho công nhân. Tuy nhiên, số lượng công nhân của các doanh nghiệp thuộc AGTEK đã được tiêm vắc-xin còn rất ít, chỉ khoảng 20%. "Kỳ vọng trong đợt tới sẽ có thêm nhiều công nhân được tiêm vắc-xin"-ông Hồng bày tỏ.

"Mình muốn có nguyên liệu sản xuất cũng không ai cung cấp cho kịp thời và mình muốn đưa hàng đi cũng khó. Ông Sơn chia sẻ


Ông Bùi Hữu Thêm-Chánh văn phòng Hiệp hội chế biến gỗ TPHCM (HAWA) cho biết, mong muốn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là có được vắc-xin để tiêm cho người lao động. Ông cho biết, nhiều DN, hiệp hội ngành nghề đã chủ động tìm kiếm nguồn và đàm phán mua vắc-xin nhưng hiện chưa có kết quả. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) đang trong quá trình đàm phán với nhà cung cấp để mua vắc - xin Moderna với giá gốc 761.000VNĐ/lọ, thông qua Cty CP GONSA. "Nếu tìm được nguồn thì việc mua vắc-xin cũng phải thông qua Bộ Y tế và 36 đơn vị nhà nước chỉ định. Như vậy, DN sẽ cần nhờ đến cơ quan y tế để nhập vắc-xin về. Và cho dù nhập về được, DN cũng không thể tự tổ chức tiêm và lưu trữ vắc-xin mà phải nhờ các đơn vị có chuyên môn" - ông Thêm nói.

Theo Đại Dương - Mạnh Thắng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên