MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch Covid-19 và cái nhìn từ người làm nghề khách sạn: Thời điểm khó khăn là dịp để "chọn" nhân sự tốt và kiểm tra tính linh hoạt trong phương thức bán hàng

05-03-2020 - 14:21 PM | Thị trường

Với phương châm không cắt giảm nhân sự, vị quản lý này lập quy trình để đội ngũ tiết kiệm chi phí hơn để xoay sở qua giai đoạn khó khăn.

Dịch Covid-19 đang gây tác động không nhỏ đến nền kinh tế, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch. Mới đây, Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho biết, dịch Covid-19 khiến tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái, tùy thuộc vào vị trí ở các thành phố lớn hay các địa danh nghỉ dưỡng.

Tuy mới tham gia và ngành du lịch không lâu nhưng Khánh Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp Công nghệ Vận hành Havi, cũng đã có những cái nhìn thực tế vào khó khăn này. Với Khánh Nguyễn, những trắc trở trong kinh doanh mùa dịch Covid-19 chính là thời gian mà các doanh nghiệp tìm được các nhân sự chất lượng cũng như thử độ linh hoạt trong phương thức bán hàng.

Dịch Covid-19 và cái nhìn từ người làm nghề khách sạn: Thời điểm khó khăn là dịp để chọn nhân sự tốt và kiểm tra tính linh hoạt trong phương thức bán hàng - Ảnh 1.

Chân dung Khánh Nguyễn (bên trái).

"Đã ròng rã hơn 1 tháng kể từ ngày dịch Viêm phổi bùng phát và bắt đầu đánh những đòn đau gây sức ép lên hệ thống y tế, niềm tin và cũng kinh tế của nhiều nước. Hàng người rồng rắn xếp chờ để mua được khẩu trang cũng là hình ảnh trước giờ hiếm.

Theo tổng cục du lịch Việt Nam, ngành du lịch có thể bị thiệt hại khoảng 7 tỷ USD. Hai nguồn khách chính của du lịch Việt Nam, đặc biệt ở Đà Nẵng là Trung Quốc và Hàn Quốc giờ cũng phải chật vật để khống chế thì còn gì tâm trí mà đi du lịch nữa. Nguồn khách quốc tế khác đến Việt Nam cũng có tâm lý e ngại và nghe ngóng diễn biến dịch, một số trong đó là chuyến bay dài quá cảnh ở Hàn Quốc cũng làm ảnh hưởng lớn đến doanh thu của các công ty du lịch và khách sạn.

Mình kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn hạn ở Đà Nẵng khoảng 2 năm nay. Theo quan điểm cá nhân, đây là thử thách lớn nhất từ trước đến giờ. Bạn hàng, đối tác lớn của mình công suất từ 70-80% nay tụt xuống chỉ còn vỏn vẹn 7%, chỗ khá hơn thì 15-20%.

Cho nhân viên nghỉ không lương, nghỉ để hết phép năm hoặc tệ hơn là tạm thời đóng cửa chờ dịch qua là sự lựa chọn phổ biến của các chủ khách sạn. Những bạn đi thuê nhà để kinh doanh thì áp lực tài chính còn đè nặng hơn.

Mình may mắn hơn do định hướng đa dạng hoá tập khách hàng và kênh bán hàng, không phụ thuộc nhiều vào các kênh như Airbnb và Booking. Mình luôn tâm niệm là cái gì cũng có hai mặt. Biến cố này cũng là dịp để các chủ các cơ sở kinh doanh thử nghiệm các chiến lược, phương pháp mới để thu hút khách hàng. Thời điểm vắng khách thì đội ngũ có nhiều thời gian hơn để tập trung chăm sóc các khách hiện tại để tạo trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. 

Nhìn mấy đứa nhỏ nhiệt tình chuẩn bị lớp nấu ăn, dạy tiếng Việt cho khách hoặc viết cái thiệp nhỏ chúc mừng Valentine, đầu tuần họp nghe báo cáo khách vui, bất ngờ như thế nào khi nhận được món quà thì mình cũng vui lây. Mình tâm niệm làm dịch vụ, lưu trú thì sản phẩm mình bán không chỉ là phòng ốc chất lượng, đôi ngũ nhiệt tình mà mình còn giới thiệu văn hoá, con người Việt Nam, đặc biệt là Đà Nẵng đến những những người khách quý.

Mình cố gắng để không phải cắt giảm nhân sự. Thay vào đó mình lập quy trình để đội ngũ tiết kiệm chi phí hơn để xoay sở qua giai đoạn này. Thời điểm khó khăn cũng là dịp để mình tìm được những nhân sự chất lượng cũng như kiểm tra thử sức chịu đựng và tính linh hoạt trong phương thức bán hàng của đội ngũ và của cả chính mình nữa.

Nhìn mặt tích cực hơn, lượt du lịch của khách Việt đến Đà Nẵng vẫn ổn định. Đường xá vắng vẻ hơn, các điểm hút khách cũng thưa thớt vô tình lại làm nâng cao trải nghiệm du lịch thay vì phải chen chúc như mọi ngày.

Mình dự đoán sau dịch thì dư âm của thiệt hại sẽ kéo dài thêm 2 đến 3 tháng nữa. Chỉ hy vọng đội ngũ luôn sung sức để cùng nhau lăn xả và tạo nhiều trải nghiệm độc đáo cho quý khách hàng thân thương."


Theo PV

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên