Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Lai Châu
Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND huyện Tam Đường đã tổ chức tiêu hủy hơn 100 con lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại hộ chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Cận ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin.
- 22-03-2019Lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
- 21-03-2019Đối phó dịch bệnh tả lợn châu Phi: Đã lên phương án nhập khẩu từ Mỹ, Úc, Hàn…
- 20-03-2019FAO đánh giá khẩn cấp về dịch tả lợn châu Phi ở Việt Nam
Theo thông tin từ UBND tỉnh Lai Châu, ngày 19/3/2019, UBND tỉnh đã ban hành Công điện khẩn số 02/CĐ-UBND v/v triển khai các biện pháp cấp bách ngăn chặn Dịch tả lợn Châu Phi.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu, tại 1 hộ gia đình ở bản Đông Phong, xã Thèn Sin, huyện Tam Đường có 6 con lợn bị chết (trong tổng đàn 117 con), kết quả lấy mẫu xét nghiệm có 4/4 mẫu dương tính với vi rút Dịch tả lợn Châu Phi.
Hiện tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp & PTNT và UBND huyện Tam Đường tập trung tổ chức tiêu huỷ đàn lợn của hộ với số lượng 117 con, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng toàn bộ khuôn viên hộ chăn nuôi và khu vực bản, bố trí 03 chốt gác tại 03 tuyến đường ra vào bản để kiểm soát không để vận chuyển lợn vào, ra trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức họp xã triển khai đến Bí thư, Trưởng bản để quán triệt đến người dân không vận chuyển lợn ra khỏi địa bàn, thống kê số lượng lợn của từng hộ, theo dõi số lượng đàn lợn trên địa bàn và chỉ đạo cơ quan chức năng cùng với UBND huyện Tam Đường điều tra nguyên nhân xâm nhiễm.
Để đảm bảo việc xử lý ổ dịch, ngăn ngừa khả năng lan rộng ra các địa bàn khác theo quy định, đồng thời ổn định tâm lý cho người chăn nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu UBND huyện Tam Đường tập trung chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, vùng dịch.
Tổ chức kiểm soát tuyệt đối không để lợn và sản phẩm lợn được vận chuyển ra khỏi vùng dịch bị uy hiếp, vùng giám sát; không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào trong vùng giám sát, vùng dịch bị uy hiếp; kiểm soát việc giết mổ lợn, tiêu thụ thịt lợn, sản phẩm thịt lợn trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát; tổ chức nghiêm túc việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên, 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo tại vùng dịch; tổ chức phun tiêu độc khử trùng và kiểm soát nghiêm phương tiện ra vào, đặc biệt đối với các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài; phối hợp cùng cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT xác minh ngay nguyên nhân xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tại địa bàn.
Đối với UBND thành phố và các huyện còn lại, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu triển khai ngay các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi theo Chỉ thị 04/CT-UBND ngày 05/3/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó tập trung thực hiện ngay công tác tiêu độc khử trùng, thành lập các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến đường vào huyện, thành phố để ngăn ngừa nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn.
Như vậy, tính đến thời điểm này Lai Châu là địa phương thứ 20 trên cả nước xuất hiện dịch tả heo châu Phi.
Nhịp sống kinh tế