MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch vụ Mobile Money sắp được cấp phép, triển khai trên toàn quốc

11-05-2020 - 09:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo thông tin mới đây của Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp viễn thông sẽ sớm được cấp phép dịch vụ Mobile Money, dự kiến trong tháng 6 tới đây.

Theo thông tin mới đây tại cuộc họp của Bộ Thông tin và Truyền Thông, Mobile Money mặc dù đã chậm so với dự kiến nhưng sẽ cố gắng triển khai trong tháng 6/2020, Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT&TT sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp viễn thông, đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án cũng như cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép (Thủ tướng đã đồng ý để cho phép triển khai trên toàn quốc).

Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 9/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.

Mobile money có thể được hiểu ngắn gọn là tiếp cận dịch vụ tài chính qua điện thoại di động, có các đặc điểm như việc chuyển tiền, thanh toán được thực hiện qua điện thoại di động; khách hàng chính là những cá nhân chưa có tài khoản ngân hàng (unbanked). Các dịch vụ chính bao gồm thanh toán (giao dịch bán lẻ, thanh toán hoá đơn), chuyển tiền, giao dịch tín dụng nhỏ, quản lý tài khoản, nộp và rút tiền tại đại lý…

Theo báo cáo của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, về bản chất, Mobile Money tương tự như Ví điện tử (cũng là một dạng tiền điện tử e–money), nhưng khác so với Mobile Banking (dịch vụ ngân hàng qua di động) ở chỗ Mobile banking là công cụ của ngân hàng, kết nối với tài khoản khách hàng để thực hiện các dịch vụ truyền thống như gửi tiền, cho vay, thanh toán...Trong khi, Mobile money có thể không kết nối với tài khoản ngân hàng, chủ yếu để thực hiện giao dịch thanh toán, chuyển tiền với giá trị giao dịch nhỏ.

Tuy nhiên, việc phát triển Mobile Money tại Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức đầu tiên là thói quen thanh toán dùng tiền mặt ở Việt Nam không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều.

Với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý mobile money cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công An…Bên cạnh đó, nếu việc định danh khách hàng, quản lý sim rác và giao dịch ẩn danh không được thự hiện chặt chẽ, Mobile money có thể là kênh để "Rửa giao dịch", ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền.

Việc phát triển mạng lưới đại lý sẽ phát sinh rủi ro liên quan đến trình độ, năng lực, nhận thức và trách nhiệm của mạng lưới này. Và nếu không có phương án quản lý và bảo mật phù hợp, tiền của khách hàng nguy cơ bị mất, có thể bắt nguồn từ phía nhà cung cấp, đại lý, tội phạm công nghệ thông tin hoặc thậm chí là những người thân.

Môi trường pháp lý hiện nay cho Mobile money còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Theo GSMA, mức điểm cho môi trường pháp lý Việt Nam về lĩnh vực này (năm 2018) là 69,96/100 điểm, khá thấp so với Thái Lan (93,15 điểm), Malaysia (89,7 điểm); Campuchia (86,05 điểm),…do 3 yếu điểm chính là: (i) Quy định về mạng lưới đại lý Mobile money chưa có nên chưa thể đánh giá được (0/100 điểm); (ii) Quy định về xác thực và định danh khách hàng – KYC ở mức trung bình (50/100 điểm) do Việt Nam chưa hoàn thiện việc cấp mã công dân, các quy định về giao dịch ẩn danh và cho phép nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt thiết lập các yêu cầu về định danh tối thiểu; và (iii) Cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư ở mức trung bình khá (65/100 điểm) do Việt Nam chưa có CSDL quốc gia về dân cư và quy định cho phép sử dụng, phân phối lãi cho các tài khoản tiền di động.

Thu Thủy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên