MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dịch vụ thanh toán: Khốc liệt cạnh tranh miếng bánh thị phần

07-03-2018 - 09:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Thị trường thanh toán đang ngày càng mở rộng nhờ sự thay đổi đáng kể trong thói quen người dùng. Tuy nhiên, miếng bánh này cũng đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt về thị phần khi ngày càng có nhiều "tay chơi" mới tham gia.

Thượng đế "khó chiều"

Luôn chỉ giữ lượng tiền mặt trong ví ở mức tối thiểu, chị Đỗ Hương, nhân viên văn phòng, hiện đã quen thuộc với các giao dịch không dùng tiền mặt. Phần lớn thanh toán cho các giao dịch online được vị khách hàng này thực hiện qua hình thức chuyển khoản thay vì trả tiền mặt trực tiếp cho người đưa hàng như trước đây. Hệ sinh thái thanh toán trực tuyến ngày càng mở rộng ở Việt Nam cho phép Hương cũng như nhiều khách hàng khác không phải giữ quá nhiều tiền mặt bên người.

Thống kê từ NHNN cho thấy chỉ riêng trong quý IV/2017 đã có 27,19 triệu món giao dịch giá trị thấp và 4,77 triệu món giao dịch giá trị cao, tăng trưởng lần lượt 38,17% và 15,37% so với cùng kỳ. Số lượng giao dịch trong quý IV này cũng đã vượt qua kỷ lục vừa thiết lập trước đó vào cuối quý III. Số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống thanh toán quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể trong hai quý gần đây.

Dịch vụ thanh toán: Khốc liệt cạnh tranh miếng bánh thị phần - Ảnh 1.

Số lượng giao dịch thực hiện qua hệ thống thanh toán quốc gia

Theo số liệu được các nhà băng công bố năm 2016, BIDV giữ "ngôi vương" về thu ròng từ dịch vụ thanh toán với lãi thuần từ hoạt động này đạt 1.595 tỷ đồng. Hai ngân hàng quốc doanh khác gồm VietinBank và Vietcombank lần lượt giữ các vị trí tiếp theo. Trong nhóm các ngân hàng tư nhân, Techcombank là nhà băng thu phí dịch vụ thanh toán lớn nhất với trên 1.000 tỷ đồng lãi thuần trong năm 2016.

Dịch vụ thanh toán: Khốc liệt cạnh tranh miếng bánh thị phần - Ảnh 2.

Lãi thuần dịch vụ thanh toán và tiền mặt tại một số ngân hàng- Đvi: Tỷ đồng

Tính đến thời điểm hiện tại, Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã được Chính phủ ban hành hơn một năm. Gần đây, Thủ tướng đã tiếp tục phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công với mục tiêu đến năm 2020 đưa 80% giao dịch nộp thuế tại thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước có thiết bị chấp nhận thẻ POS.

Chiếc bánh thị trường cho dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đang nhận được hỗ trợ từ tất cả các bên, từ khách hàng sử dụng dịch vụ cho đến hệ sinh thái thanh toán không dùng tiền mặt.

Khi nhiều ngân hàng hướng đến mục tiêu ngân hàng bán lẻ, đối tượng khách hàng cá nhân lại càng trở thành đích nhắm của nhiều nhà băng. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ ngân hàng nói chung và đặc biệt là dịch vụ thanh toán, nhóm khách hàng này càng "khó chiều" và có yêu cầu dịch vụ ngày càng cao.

Đã thành một thói quen, ngay sau khi nhận lương qua thẻ tra qua tài khoản của một ngân hàng lớn, việc đầu tiên được chị Đỗ Hương làm là chuyển toàn bộ lương về tài khoản của một ngân hàng khác có phí chuyển tiền nội bộ và liên ngân hàng bằng 0. Ứng dụng Ngân hàng điện tử của ngân hàng này cũng được chị đánh giá là tiện lợi và có nhiều tính năng hữu dụng.

Tuy nhiên, khi nhà băng này áp dụng biểu phí mới, vị khách hàng này đang xem xét chuyển sang sử dụng dịch vụ của một fintech khá có tiếng, hiện đang áp dụng mức phí 0 đồng khi chuyển tiền cùng nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách hàng mới.

Nhu cầu tối thiểu hóa chi phí giao dịch là thiết thực khi nhu cầu mua bán online, chuyển tiền giữa các cá nhân đang ngày càng phổ biến lớn. Chiếc bánh dịch vụ thanh toán cho nhóm khách hàng này dù ngày càng nở rộng nhưng không phải tổ chức tín dụng nào cũng có thể tận dụng sự tăng trưởng của thị trường để gia tăng thị phần.

Cạnh tranh khốc liệt và sự tham gia của các tay chơi mới

Đòi hỏi sự trung thành của khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân cần sự công sức và tâm huyết của các nhà băng. Điều này là không lạ bởi hệ thống ngân hàng Việt Nam đang có tới hơn 30 nhà băng với các chính sách cạnh tranh liên tục được đưa ra để thu hút khách hàng qua cả chất lượng, hệ sinh thái liên kết lẫn những lợi ích sát sườn là phí và lãi suất.

Tất nhiên, câu chuyện sẽ khác hơn với những ngân hàng có sẵn mạng lưới lớn. Vietcombank sau nhiều năm giữ nguyên đã quyết định thay đổi biểu phí dịch vụ của mình trong đó tăng phí SMS chủ động thêm 20%, thu phí quản lý tài khoản iBanking đồng thời bắt đầu tính phí chuyển tiền qua Mobile Banking, điều chỉnh phí chuyển tiền theo hướng giảm phí với lượng tiền nhỏ, tăng phí khi chuyển lượng tiền lớn. Giao dịch liên ngân hàng với số tiền chuyển lớn được tính bằng 0,02% giá trị tiền chuyển. Thay đổi này đã nhận nhiều phản ứng tiêu cực trên mạng xã hội từ phía người dùng.

Tuy nhiên, sức mạnh người bán đã được thiết lập bởi Vietcombank đang có lượng khách hàng khủng với hoạt động thẻ dẫn đầu thị trường. Bỏ tài khoản thanh toán trên Vietcombank khi phần lớn đối tác vẫn sử dụng tài khoản của nhà băng này sẽ làm tăng chi phí cho đối tác. Với các chủ shop online điều này có thể ảnh hưởng lượng khách hàng của cửa hàng. Tuy nhiên, việc mở thêm tài khoản ở một ngân hàng khác không phải lựa chọn tồi.

Một thông tin khá thú vị là lượng thẻ ngân hàng đã tăng chóng mặt thời gian qua. Tính đến cuối năm 2017, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, số lượng thẻ ngân hàng cũng đã tăng gấp rưỡi sau ba năm lên xấp xỉ 132 triệu thẻ. Tính trên 71 triệu dân có độ tuổi từ 15 tuổi trở lên, bình quân mỗi người trưởng thành Việt Nam sử dụng tới 1,86 thẻ ngân hàng.

Chiếc bánh thị trường này cũng không chỉ có sự tham gia của các ngân hàng. Đến cuối tháng 10/2017, NHNN đã cấp phép hoạt động cho 25 tổ chức cung ứng dịch vu thanh toán không phải ngân hàng, trong đó có nhiều fintech đã thu hút được một lượng khách hàng lớn như Momo của CTCP Dịch vụ Di Động Trực tuyến (M_Service), VNPay, Moca... Sản phẩm cung ứng tới các khách hàng cũng ngày càng đa dạng, khai thác nhu cầu mới của người dùng, như trong đợt Tết nguyên đán vừa rồi, nhiều fintech và ngân hàng đã cho phép người dùng "lì xì" trực tuyến - dịch vụ vốn chưa từng có trong các năm trước đây.

Dịch vụ thanh toán: Khốc liệt cạnh tranh miếng bánh thị phần - Ảnh 3.

Các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán đang khai thác những nhu cầu mới của khách hàng

Nhắc lại về lịch sử ngành ngân hàng trên thế giới, sứ mệnh đầu tiên của các nhà băng là trung gian thanh toán. Thay vì những chuyến xe chở tiền di chuyển từ nơi này đến nơi khác vốn đối mặt với đầy rẫy rủi ro, người ta thực hiện bù trừ thanh toán tại các chi nhánh của các nhà băng. Các hoạt động như trung gian tín dụng nhận tiền gửi của bên thừa vốn để cho vay bên thiếu vốn mới phát sinh sau đó.

Thực tế, khách hàng đến với ngân hàng không chỉ thực hiện một dịch vụ. Từ cung cấp dịch vụ thanh toán, các ngân hàng có thể tiếp tục dựa trên nền tảng khách hàng này để huy động nguồn vốn nhàn rỗi, giới thiệu và dịch vụ cho vay, mở rộng khách hàng mới dựa trên giới thiệu của các khách hàng cũ... Đầu tư chăm sóc khách hàng trong dịch vụ thanh toán cũng sẽ đồng thời mở ra cơ hội tiếp cận các sản phẩm dịch vụ khác của nhà băng tới khách hàng của mình.

Theo Thanh Thủy

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên