Điểm chung trong quản lý chi tiêu giữa thu nhập 100 triệu và 25 triệu
Mỗi gia đình đều có quan điểm quản lý chi tiêu rất rõ ràng.
- 08-12-2022Nàng dâu Hà Nội cần hơn 30 triệu để chi tiêu cho Tết
- 01-12-2022Cô gái lập ngân sách chi tiêu hiệu quả mà không cần dùng ứng dụng theo dõi
- 28-11-20223 cách để cô gái trẻ giảm 75% chi tiêu mua sắm mỗi tháng
Ưu tiên tiết kiệm, giảm thiểu chi phí
Thu Hiền (30 tuổi, Hà Nội) cho biết, mức thu nhập của cả 2 vợ chồng trung bình mỗi tháng hơn 100 triệu, không có khoản nợ nào. Dù có thu nhập khá cao, nhưng gia đình Thu Hiền luôn cân đo đong đếm cho từng khoản chi tiêu, và đặt mục tiêu tiết kiệm 50% thu nhập.
Hiền cho biết, khoản chi lớn nhất hàng tháng là tiền học của con, rơi vào khoảng 15 triệu đồng. Ngoài ra, khoản tiền dành cho chi phí sinh hoạt cơ bản của gia đình tiêu tốn thêm hơn 35 triệu/tháng: Điện, nước, mạng là 3 triệu; Tiền xăng xe đi lại và dịch vụ điện thoại là 5 triệu; Ăn uống thêm 10 triệu; Mua sắm đồ dùng gia đình 5 triệu; Thăm hỏi lễ biếu là 2 triệu và chi tiêu cá nhân là 10 triệu. Chi phí ước tính vào khoảng 50 triệu đồng.
Thu Hiền (30 tuổi, Hà Nội)
Sau khi tính toán tiền chi tiêu hàng tháng, Thu Hiền cho biết gia đình mình luôn đặt mục tiêu tiết kiệm, đề phòng rủi ro. Mỗi tháng, gia đình cô sẽ đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 50% tổng thu nhập. Hiền nhấn mạnh rằng, việc mỗi cá nhân trong gia đình tuân thủ việc tiết kiệm theo kế hoạch đặt ra là cực kỳ quan trọng. Tiền tiết kiệm được dùng cho rất nhiều mục đích, một trong số đó là đề phòng rủi ro nếu bất ngờ thất nghiệp. Số tiền tích lũy tối thiểu - phải đủ tiền duy trì mức chi tiêu hiện tại của gia đình trong 6 tháng.
Thu Hiền và chồng đều đang kinh doanh tự do, nên thu nhập hàng tháng không cố định. Tuy vậy, quan điểm của gia đình Hiền luôn là: “Thu nhập cao hay thấp không quan trọng, nhưng cần lập ra những khoản chi tiêu cố định”. Từ đó, việc kiểm soát dòng tiền ra vào của gia đình sẽ dễ dàng hơn.
Linh Vũ (29 tuổi, Hà Nội)
Với gia đình Linh Vũ (29 tuổi, Hà Nội), thu nhập ước tính hàng tháng của gia đình cô vào khoảng 25 triệu đồng. Chi tiêu trung bình cho gia đình nhỏ 3 người, vợ chồng và 1 em bé 8 tháng tuổi khoảng 16-17 triệu đồng/tháng.
Trong quản lý tài chính gia đình, Linh Vũ (29 tuổi, Hà Nội) luôn cố gắng giảm mức chi phí xuống thấp nhất: Từ tiền ăn hàng tháng, tiền mua sắm vật dụng và cả mua đồ cho con. Linh cho biết: Tiền ăn hàng ngày của gia đình cô khoảng 170 nghìn đồng, mỗi tháng mất khoảng 5 triệu, và hạn chế ăn ngoài để đảm bảo chất lượng. Mỗi tuần, cô sẽ đi siêu thị 2-3 lần để mua thực phẩm, chuẩn bị cho những bữa ăn trong tuần được đầy đủ nhất. Trong chuyện mua sắm, Linh Vũ luôn cố gắng lựa chọn những sản phẩm có chất lượng tốt mà giá cả không quá cao, có thể sử dụng nhiều lần và nhiều trường hợp. Thậm chí, cô luôn chờ đến hôm có sale mới mua để có thể tiết kiệm thêm đôi chút.
Bảng chi tiêu gia đình Linh Vũ
Linh cũng hạn chế mua đồ tùy hứng, mà chỉ mua đồ dựa trên nhu cầu cần thiết của cả nhà. Chuyện mua đồ dùng cho em bé cũng thế. Những khoản mua sắm trên 1 triệu, luôn cần sự đồng ý từ 2 bên: "Đợt năm ngoái, gia đình mình phải sắm đồ cho nhà mới. Bọn mình không sắm mọi thứ cùng một lúc và thường sẽ bổ sung dần dần, trước khi mua cần cân nhắc tính cần thiết trước. Có nhiều bạn có sở thích trang trí nhà cửa nhưng với mình mua đồ trang trí khá là tốn kém, và không có tính ứng dụng. Cũng do nhà mình chật và mình theo trường phái tối giản. Khi chi tiêu cá nhân trên 1 triệu đồng, luôn cần sự thống nhất của cả 2 bên rồi mới chi tiêu."
Quản lý chi tiêu, rạch ròi tài chính rất quan trọng
Thu Hiền (30 tuổi, Hà Nội) cũng nhấn mạnh về việc quản lý chi tiêu, đặc biệt là ngân sách cho khoản ăn mặc. Không thực sự ủng hộ việc ăn ngoài, nhưng vì tính chất công việc nên đầu tư vào khoản ăn uống, ngoại giao giúp gia đình Thu Hiền kết nối thêm nhiều mối làm ăn, giúp thăng tiến trong công việc, và kiếm được nhiều tiền hơn. Ngoài ra, khoản chi tiêu cho mua sắm cũng được Hiền lên kế hoạch, cân 2 tiêu chí để mua đó là "có đáng" và "có thích" hay không. Những dịp lễ giảm giá, thường nhiều gia đình sẽ mua sắm nhiều hơn, song gia đình Thu Hiền vẫn giữ nguyên tần suất như cũ, không có thay đổi.
Còn với gia đình Linh Vũ, gia đình cô có 2 loại tài khoản: 1 tài khoản để chi tiêu chung và 1 tài khoản để tiết kiệm. Vợ chồng cô thống nhất, tiền lương của chồng sẽ dùng để chi tiêu cho sinh hoạt chung của cả nhà, còn thu nhập của vợ sẽ đưa vào tài khoản tiết kiệm. Trong những trường hợp khẩn cấp, tiền tiết kiệm sẽ được đem ra để sử dụng, nếu không thì sẽ được giữ để đầu tư. Vợ chồng Linh Vũ luôn chuẩn bị cho kế hoạch tích lũy và đầu tư, tránh tình trạng số tiền tiết kiệm được lại mất giá theo thời gian.
Ảnh: NVCC
Phụ nữ Việt Nam