Điểm danh 5 thực phẩm vi khuẩn HP “sợ” nhất, ăn để bảo vệ dạ dày, ngừa ung thư
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) có thể gây ra viêm loét dạ dày tá tràng và ung thư dạ dày.
- 22-09-2023Vi khuẩn Salmonella có trong thịt heo xíu của bánh mì Phượng nguy hiểm thế nào?
- 21-09-2023Sốc: Vi khuẩn ở vỏ gối và ga giường nhiều gấp 17.442 lần so với bệ toilet
- 19-09-20234 đồ dùng được coi là “ổ vi khuẩn” cần thay mới thường xuyên, có thứ bẩn gấp 17.000 lần so với bồn cầu
Rất nhiều người không biết về mức độ phổ biến của vi khuẩn HP. Trên thực tế, chúng chỉ kém phổ biến hơn nhiễm khuẩn sâu răng, nghĩa là bất cứ ai cũng có thể nhiễm phải. Đặc biệt là chúng rất dễ lây nhiễm qua các đường như: đường miệng, đường phân hay khi sử dụng chung các thiết bị y tế (ống nội soi, dụng cụ nha khoa…).
Khi vi khuẩn HP xâm nhập và gây hại cho cơ thể, sẽ có các triệu chứng như hôi miệng bất thường, đau bụng vùng dạ dày dai dẳng, đầy bụng, trào ngược axit dạ dày thực quản và sụt cân đột ngột không rõ nguyên do.
Loại vi khuẩn này sinh sống và phát triển trong dạ dày người. Chúng có cơ chế tiết enzym urease đặc biệt giúp thích nghi với môi trường acid của dạ dày. Sự phát triển và hoạt động của chúng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, gây viêm - loét dạ dày, tá tràng, thậm chí không điều trị kịp sẽ gây ung thư dạ dày.
Vì vậy, việc ngăn ngừa và điều trị sớm vi khuẩn HP là vô cùng quan trọng trong bảo vệ dạ dày, ngăn ngừa ung thư. Muốn làm được điều này, bạn có thể tận dụng 5 thực phẩm mà vi khuẩn HP “sợ” nhất sau đây:
1. Tỏi
Tỏi rất giàu allicin, đây là chất có tác dụng diệt khuẩn rất tốt, có thể gây ức chế vi khuẩn HP. Mùi cay nồng của tỏi xuất phát từ một chất kháng khuẩn mạnh có thể dùng như một loại kháng sinh tự nhiên gây ức chế một số loại vi khuẩn trong đó có vi khuẩn HP. Chính vì vậy, ăn tỏi có thể giúp ngăn ngừa ung thư dạ dày một cách gián tiếp. Loại củ này còn giúp giảm đau, ngăn ngừa xung huyết dạ dày và có tác dụng nhất định trong tăng cường tiêu hóa.
Để tận dụng được tối đa tác dụng của tỏi với dạ dày, nên ăn tỏi sống ở dạng dạng đập dập hay băm - xay nhuyễn. Bởi trong tỏi sống nguyên củ thì allicin chưa tồn tại, chứa tiền thân của allicin là alliin. Phải đến khi bạn nghiền nát hoặc đập dập củ tỏi, kích thích enzym alinase hoạt động thì alliin có trong tỏi sống mới biến thành allicin và có hoạt tính kháng sinh, chống oxy hóa tốt hơn.
2. Bông cải xanh
Nhắc tới thực phẩm giúp phòng, chống vi khuẩn HP thì không thể bỏ qua bông cải xanh. Trong bông cải xanh chứa sulforaphane có khả năng cản trở hoạt động gây hại của vi khuẩn HP. Các chất Vitamin B và canxi đến từ những loại rau quả này cũng vô cùng cần thiết cho bệnh nhân trong điều trị vi khuẩn HP. Những mầm nhỏ ở bông cải xanh còn rất giàu isothiogenates, có tác dụng ức chế vi khuẩn HP và tăng cường miễn dịch dạ dày rất mạnh.
Ngoài bông cải xanh thì rau bắp cải, táo, quả mâm xôi, dâu tây, ớt chuông, cà rốt, rau lá xanh,…cũng có khả năng chống oxy hóa tốt, giúp bảo vệ và tăng cường hệ miễn dịch chống lại hoạt động của vi khuẩn cũng như phản ứng nhiễm trùng trong cơ thể. Vì thế mỗi người nên bổ sung những thực phẩm này sẽ giúp tăng cường hiệu quả điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP, giảm triệu chứng bệnh và ngăn ngừa ung thư dạ dày tiến triển.
3. Trà xanh
Trà xanh có chứa các chất chống oxy hóa và catechin, trà xanh có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại oxy hóa và nhiễm khuẩn gây nên. Uống trà xanh thường xuyên cũng có hiệu quả chống lại vi khuẩn HP. Hơn nữa, trà xanh cũng giúp làm giảm viêm và ngăn ngừa các rối loạn tiêu hóa.
Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Tabriz (Iran), trà xanh và các sản phẩm có chứa trà xanh có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn HP. Trà xanh giàu polyphenol còn giúp giảm viêm, tăng quá trình đốt cháy chất béo trong thời gian ngắn, hạn chế nguy cơ tích mỡ dẫn đến béo phì. Nhờ vậy cũng giảm được nhiều nguy cơ bệnh tật. Nó cũng có thể tăng cường trao đổi chất, trị khó tiêu, đầy bụng.
Trà xanh, nhất là trà pha từ lá hoặc búp trà tươi còn rất hiệu quả trong giảm đau dạ dày, phòng ngừa ung thư và giảm cân, làm đẹp da. Tuy nhiên, trà xanh chứa caffein, người mắc bệnh dạ dày nên cân nhắc dùng lượng vừa phải nhằm tránh mệt mỏi, mất tập trung, mất ngủ.
4. Sữa chua
Đây vốn là “thực phẩm vàng” với sức khỏe dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung.
Sữa chua giàu lợi khuẩn, giúp kìm hãm khả năng phát triển của vi khuẩn HP. Cụ thể, sự xâm nhập của vi khuẩn HP vào dạ dày khiến cho niêm mạc dạ dày bị tổn thương và dễ suy yếu. Không những thế, vi khuẩn này còn tiết ra enzyme urease làm thay đổi nồng độ pH, khiến cho hệ vi sinh trong đường ruột và dạ dày bị mất cân bằng. Những điều này chính là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của vết viêm loét ở dạ dày. Trong khi đó, sữa chua giúp cân bằng lợi khuẩn ở dạ dày và hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày.
Thực phẩm này cũng có thể tham gia trực tiếp vào quá trình ức chế vi khuẩn HP, điều trị viêm loét dạ dày do HP. Sự phát quá mức của vi khuẩn HP chính là tác nhân gây ra các vết viêm loét và theo thời gian có thể gây ung thư. Do đó, bổ sung lợi khuẩn từ sữa chua sẽ kìm hãm sự phát triển của HP, hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày sớm đạt hiệu quả tốt hơn. Chẳng những thế, acid lactic có trong sữa chua còn phá vỡ lớp nhầy bảo vệ HP để chúng mất đi khả năng sinh sống ở môi trường acid của dạ dày.
Ngoài ra, ăn hay uống sữa chua đều đặn còn giúp cải thiện tiêu hóa, giảm đau dạ dày. Bởi lợi khuẩn có trong sữa chua sẽ tiết ra enzyme có vai trò làm phân giải một số polisaccarit và cacbohidrat mà cơ thể không thể tự tiêu hóa được, tăng cường hấp thu dinh dưỡng.
5. Nghệ
Nghệ là một trong những siêu thực phẩm không chỉ các tác dụng chống viêm, chống gây đột biến, chống oxy hóa mạnh và có thêm chất kháng khuẩn giúp kháng lại một số loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn HP.
Một số nghiên cứu chỉ ra nghệ có thể ức chế và góp phần tiêu diệt vi khuẩn HP do chúng hoạt động ngăn chặn các con đường shikimart – con đường cần thiết cho sản xuất trao đổi chất trong vi khuẩn. Đặc biệt, nghệ có tính giảm đau rất tốt, sửa chữa niêm mạc tế bào tổn thương. Thậm chí, uống nước bột nghệ là một trong những phương pháp giảm đau dạ dày được nhiều người tin dùng. Vì vậy, bạn nên thêm nghệ tươi hoặc bột nghệ vào các món ăn, nước uống hàng ngày.
Ngoài ra, cần nhớ rằng các thực phẩm này chỉ hỗ trợ, có tác dụng ở mức nhất định trong cả phòng ngừa và ức chế vi khuẩn HP. Nếu phát hiện bị vi khuẩn HP xâm nhập, tốt nhất vẫn nên tới các cơ sở y tế để được hướng dẫn và điều trị hiệu quả nhất!
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Cancer123, Sohu
Phụ nữ mới