Điểm danh 7 ngân hàng lãi vạn tỷ trong nửa đầu năm: Đóng góp 60% lợi nhuận toàn ngành, một nhà băng tư nhân đang bứt tốc mạnh mẽ
Tổng lợi nhuận của 7 ngân hàng này đạt hơn 102.000 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 lợi nhuận 29 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh.
- 30-07-2024Vietcombank: Lợi nhuận nửa đầu năm đạt kỷ lục hơn 20.800 tỷ đồng, nợ xấu tăng mạnh
- 23-07-2024Cập nhật KQKD ngân hàng chiều 23/7: Thêm nhà băng báo lợi nhuận tăng mạnh, ACB và Techcombank lập kỷ lục mới
- 22-07-2024Lợi nhuận tăng vọt, lãnh đạo LPBank nói gì?
Tính đến hiện tại, đã có 29 ngân hàng (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và Agribank, BaoViet Bank) công bố báo cáo tài chính quý 2. Trong đó, có 7 ngân hàng đạt được mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng là Vietcombank, Techcombank, BIDV, MB, Agribank, VietinBank và ACB. Tổng lợi nhuận của 7 ngân hàng này đạt hơn 102.000 tỷ đồng, chiếm gần 2/3 lợi nhuận 29 ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh và tương đương khoảng 60% lợi nhuận toàn ngành.
Trong đó, Vietcombank tiếp tục đứng đầu toàn ngành với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt kỷ lục 20.835 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. "Ông lớn" này đã lấy lại đà tăng trưởng trong quý 2 sau khi ghi nhận hai quý lợi nhuận giảm liên tiếp. Đây cũng là quý thứ ba liên tiếp Vietcombank đạt được mức lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng.
Trong nửa đầu năm, hầu hết nguồn thu chủ chốt của Vietcombank đều sụt giảm so với cùng kỳ 2023. Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank đến từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Cụ thể, chi phí dự phòng của ngân hàng đã giảm gần 34% so với cùng kỳ 2022 xuống còn 3.021 tỷ đồng.
Với mức tăng trưởng lên tới 39% so với cùng kỳ năm trước, Techcombank đã vươn lên vị trí thứ hai toàn ngành về quy mô lợi nhuận với hơn 15.628 tỷ đồng và thực hiện gần 58% kế hoạch cả năm (27.100 tỷ đồng).
Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của Techcombank trong nửa đầu năm đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu chủ chốt này đạt trên 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này được dẫn dắt bởi tăng trưởng tín dụng ở mức cao và biên lãi thuần (NIM) cải thiện. Bên cạnh đó, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng trưởng tốt giúp Techcombank lọt vào nhóm ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng tốt nhất nửa đầu năm.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, CEO Techcombank Jens Lottner dự báo lợi nhuận cả năm sẽ "nằm giữa" mục tiêu đã được ĐHĐCĐ thông qua và hai lần lợi nhuận nửa đầu năm (31.200 tỷ đồng), nhưng sẽ phải chờ đến quý 3/2024 để biết rõ hơn.
"Lợi nhuận sẽ vượt mục tiêu, nhưng sẽ không phải bằng gấp đôi kết quả nửa đầu năm", ông nói.
Là ngân hàng tăng trưởng tốt nhất trong nhóm Big4, BIDV báo lãi trước thuế hơn 15.549 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Riêng quý 2, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 8.159 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước và là mức lãi theo quý cao kỷ lục của BIDV.
Trong nửa đầu năm, các nguồn thu chính của BIDV đều tăng trưởng so với cùng kỳ 2023, đặc biệt là thu nhập ngoài lãi. Điều này đi cùng việc quản lý hiệu quả chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giúp BIDV có được kết quả kinh doanh tích cực hơn so với các ngân hàng khác trong khối quốc doanh.
Bên cạnh đó, tổng tài sản của BIDV trong nửa đầu năm đã tăng trưởng tới 9,6%, lên mức cao kỷ lục trong ngành ngân hàng là hơn 2,5 triệu tỷ đồng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để ngân hàng tiếp tục đà tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm.
Tại MB, ngân hàng này cũng ghi nhận mức lợi nhuận cao kỷ lục trong quý 2 với hơn 7.600 tỷ đồng. Kết quả này giúp MB năm thứ ba liên tiếp lọt vào "câu lạc bộ" lãi vạn tỷ trong nửa đầu năm.
Trong bối cảnh thu nhập từ lãi thu hẹp, MB đã tập trung gia tăng các khoản thu ngoài lãi như hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối và chứng khoán. Điều này đã giúp tổng thu nhập hoạt động của MB trong nửa đầu năm tăng trưởng hơn 11%. Kết hợp với việc quản lý chặt chi phí đã giúp MB duy trì được nhịp tăng trưởng lợi nhuận.
Đứng thứ năm trong danh sách các ngân hàng lãi lớn nhất, Agribank kết thúc nửa đầu năm với lợi nhuận trước thuế đạt 13.269 tỷ đồng, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong nửa đầu năm 2024, cả thu nhập lãi thuần và thu ngoài lãi của Agribank đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 30.282 tỷ đồng, tăng 3,8% nhờ chi phí trả lãi giảm nhanh hơn thu từ lãi.
Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi của Agribank trong nửa đầu năm đạt 7.862 tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu nhờ kết quả tích cực của hoạt động ngoại hối, dịch vụ và các hoạt động kinh doanh khác.
Tuy nhiên, chí phí hoạt động và đặc biệt là chi phí dự phòng tăng mạnh đã khiến lợi nhuận của "ông lớn" này tăng trưởng âm và là ngân hàng quốc doanh duy nhất ghi nhận lãi đi lùi trong nửa đầu năm.
Kết thúc nửa đầu năm, lợi nhuận VietinBank đạt 12.960 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ 2023. Đây là năm thứ tư liên tiếp nhà băng này có lợi nhuận bán niên vượt mốc vạn tỷ.
Động lực tăng trưởng lợi nhuận của VietinBank đến từ thu nhập lãi thuần khi nguồn thu quan trọng này tăng tới 20% so với cùng kỳ 2023 và vượt mức 30.000 tỷ đồng – cao thứ hai ngành ngân hàng chỉ sau Agribank. Tuy nhiên, vì nhiều nguồn thu ngoài lãi suy giảm, đi cùng sự gia tăng của chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro khiến cho lợi nhuận VietinBank chỉ tăng trưởng khiêm tốn hơn 3% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ACB, lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 10.500 tỷ đồng, tăng trưởng 5%. Riêng quý 2/2024, lợi nhuận trước thuế đạt 5.600 tỷ, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ.
Trong nửa đầu năm, tín dụng của ACB tăng trưởng tới 12,8%, cao gấp đôi so với bình quân ngành và đây là mức tăng trưởng cao nhất trong gần một thập niên qua. Tăng trưởng tốt về dư nợ tín dụng đã giúp thu nhập lãi của ACB tăng 11% so với cùng kỳ. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ cũng đạt mức tăng trưởng cao với 13%, chủ yếu đến từ các sản phẩm cốt lõi như phí thẻ, thanh toán quốc tế,…
Tăng trưởng tốt về quy mô, cải thiện phí dịch vụ và kiểm soát chi phí chặt chẽ đã giúp ACB lần đầu tiên ghi nhận mức lãi bán niên vượt mốc 10.000 tỷ đồng.