MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Điểm danh" các nhà máy trong nội thành Hà Nội có nguy cơ gây ô nhiễm

09-09-2019 - 14:28 PM | Thị trường

Sau vụ cháy kinh hoàng tại nhà kho của Cty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông hôm 28.8, 27 kg thuỷ ngân độc hại phát tán ra môi trường. Không chỉ cty Rạng Đông mà Hà Nội vẫn tồn tại nhiều nhà máy gây ô nhiễm khác nằm trong nội đô Hà Nội “chưa chịu” di dời.

Tại khu vực Thượng Đình (Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn tồn tại nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long....

Công ty Thuốc lá Thăng Long có địa chỉ tại 235 Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân với diện tích 64.226 mét vuông. Nhà máy này đã được duyệt chủ trương di dời 9 năm trước. Theo quyết định được duyệt, công ty sẽ dời nhà máy ra Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Tuy nhiên, đến nay, việc di dời nhà máy vẫn chưa tiến hành theo đúng tiến độ quy định.

Cách nhà máy Rạng Đông khoảng 300m là nhà máy của Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng với diện tích rộng 6,2 ha. Giá thị trường của lô đất này được ước tính vào khoảng 1.300 tỉ đồng. Kế hoạch di dời nhà máy về Hà Nam được phê duyệt từ chục năm trước tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) hiện là cổ đông chi phối của Công ty cao su Sao Vàng. Vinachem trong tháng 7 vừa qua đã bán đấu giá thành công hơn 4,2 triệu cổ phiếu  SRC của Công ty cổ phần cao su Sao Vàng (tương đương 15% vốn của SRC). Trong đó, 3 nhà đầu tư cá nhân mua hơn 2,8 triệu cổ phiếu và 1 nhà đầu tư tổ chức mua gần 1,4 triệu đơn vị. Tổng số tiền thu về gần 200 tỉ đồng.

Nhà máy của Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp, quận Đống Đa), nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng)... là những cái tên nhà máy tiếp theo hiện vẫn nằm trong khu nội đô. Người dân khu vực xung quanh cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm do xả khói, bụi, tiếng ồn của những nhà máy có tuổi đời hàng chục năm nay.

Nhà máy Công ty Cao su Hà Nội tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm hiện cũng nằm gần khu dân cư và đặc biệt là một số trường học. Hiện nhà máy này vẫn đang sản xuất, kinh doanh một số nguyên phụ liệu ngành giày dép, đế cao su... Công ty cho biết phải đến cuối năm 2019 việc di dời mới hoàn thành.

Mới đây, đại diện lãnh đạo Cty Rạng đông thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân (Hg) lỏng

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề nghị Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông khẩn trương cô lập khu vực bị cháy, che chắn bằng mái tôn, phủ bạt tại khu vực bị cháy để tránh nước mưa và không để hơi thủy ngân tiếp tục phát tán ra môi trường; đối với chất tàn dư sau vụ cháy, tiến hành thu gom, lưu giữ tạm thời trong các container để tiến hành xử lý theo quy định; phối hợp với các đơn vị có năng lực (như Bộ Tư lệnh Hóa học, Bộ Quốc phòng) để tiến hành tẩy độc khu vực bị cháy bằng bột lưu huỳnh, sau đó bê tông hóa đối với chất thải nguy hại.

Theo Mi Vân

Lao động

Trở lên trên