MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm danh doanh nghiệp "xù" hợp đồng gạo dự trữ đợt 1, tiếp tục đi đấu thầu đợt 2

15-05-2020 - 11:01 AM | Thị trường

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục tham gia đấu thầu cung cấp gạo dự trữ tại nhiều Cục Dự trữ Nhà nước khu vực dù trước đó đã từ chối ký hợp đồng ở đợt 1.

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp "xù" hợp đồng cung cấp gạo dự trữ lần 1, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực đang tổ chức đấu thầu đợt 2 để mua 182.300 tấn gạo, đảm bảo đủ số lượng dự trữ năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đáng chú ý, trong đợt đấu thầu lần 2 này, có nhiều doanh nghiệp đã "xù" hợp đồng trong lần 1 tiếp tục đi đấu thầu lại.

Điểm danh doanh nghiệp xù hợp đồng gạo dự trữ đợt 1, tiếp tục đi đấu thầu đợt 2 - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đã từ chối ký hợp đồng cấp gạo trước đó nhưng vẫn tiếp tục tham gia đấu thầu lần 2

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh đã từ chối ký hợp đồng cung cấp 17.855 tấn trong đợt đấu thầu lần 1.

Ở đợt đấu thầu thứ 2 này, theo kết quả danh sách các nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của hồ sơ mời thầu các gói thầu cung cấp 9.000 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020 của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội, Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh tiếp tục tham gia đấu thầu vào 2 gói thầu.

Công ty Cổ phần Lương thực Hà Tĩnh còn tham gia đấu thầu nhiều gói thầu cung cấp gạo dự trữ tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Bắc, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Vĩnh Phú, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng, Cục Dự trữ Nhà nước Nam Trung Bộ...

Tương tự, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai (có trụ sở ở TP Hải Phòng) tiếp tục tham gia đấu thầu đợt 2 vào 2 gói thầu, dù trước đó đã từ chối ký hợp đồng cung cấp 21.350 tấn gạo cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực.

Công ty TNHH Phát Tài đã từ chối ký hợp đồng với gần 18.000 tấn gạo nhưng lại lọt vào danh sách những doanh nghiệp tham gia đầu thầu đợt 2.

Đặc biệt, có Công ty TNHH Thương mại Chương Tho, doanh nghiệp tham gia vào 6 gói thầu của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội, dù trước đó đã từ chối ký hợp đồng cung cấp 13.675 tấn gạo dự trữ ở đợt đấu thầu thứ nhất.

Ngoài ra còn có các doanh nghiệp khác như như Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam, Công ty TNHH Phú Minh Hưng, Công ty Cổ phần lương thực Cao Lạng, Công ty TNHH Phát Tài... Theo tìm hiểu của phóng viên, các doanh nghiệp nêu trên đều tham gia đấu thầu hầu hết ở các Cục Dữ trữ Nhà nước khu vực trong đợt đấu thầu lần 2 này.

Về việc doanh nghiệp "xù" hợp đồng đợt đấu thầu lần 1 tiếp tục tham gia đấu thầu đợt 2, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính), cho biết theo quy định của pháp luật hiện hành thì không có quy định nào cấm họ không được tham gia dự thầu.

Để khắc phục tình trạng các nhà thầu tham gia đấu thầu khi đã trúng thầu rồi lại bỏ thầu như lần trước, ông Lê Văn Thời cho biết Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nâng cao biện pháp ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia thầu, mức bảo lãnh dự thầu đã được nâng lên từ 1,5% đến 3% trên giá gói thầu bằng mức tối đa pháp luật đã quy định.

"Còn về lâu dài, chúng tôi cũng đã có kiến nghị cần sửa đổi Luật Đấu thầu bổ sung các chế tài khác để ràng buộc hơn với các nhà thầu khi tham gia đấu thầu không riêng chỉ có mua gạo dự trữ quốc gia, mà cho nhiều mặt hàng và các lĩnh vực khác"- ông Thời khẳng định.

Theo Minh Chiến

Người lao động

Trở lên trên