MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Điểm danh” những điểm sáng - trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Tổng cầu suy giảm; chính sách tiền tệ thắt chặt, nợ công tăng lên kỷ lục, xung đột giữa Nga và Ukraine… đang khiến cho hầu hết các nền kinh tế phát triển ở Châu Âu và châu Á – Thái Bình Dương đạt mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng. Kinh tế Việt Nam dù chịu những tác động từ bối cảnh chung toàn cầu, vẫn có những điểm sáng - ấn tượng, là trụ đỡ cho nỗ lực phục hồi và tăng trưởng.

Ở trong nước, nhiều giải pháp đã được triển khai tích cực như: giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu... Nhờ đó, 8 tháng qua, nhiều ngành, lĩnh vực duy trì xu hướng tăng trưởng – phát triển so với cùng kỳ trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

“Điểm danh” những điểm sáng - trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 1.

8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD Ảnh minh họa: KT

8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD - cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD.

Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách 8 tháng ước đạt 49,4% kế hoạch, tăng hơn 23% cùng kỳ trước, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực tạo động lực tăng trưởng những tháng cuối năm. Trong hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 8 tháng đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế nước ta. Đó là những thông tin ban đầu cho thấy nền kinh tế vẫn có những tín hiệu tích cực trong bối cảnh khó khăn chung. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, “cần nhận diện rõ 1 số vấn đề để có giải pháp thúc đẩy sức mạnh kinh tế nội địa”.

“Khu vực vốn FDI có sự tăng trưởng đáng kể về vốn đăng ký, tuy nhiên, tăng trưởng vốn đầu tư tư nhân trong nước thấp cho thấy khả năng chống chịu, thích ứng của khối tư nhân có vấn đề. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu là điểm sáng tạo thặng dư thương mại nhưng xuất khẩu của chúng ta phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI, cho thấy chúng ta cũng cần nhìn nhận tính tự chủ của nền kinh tế nói chung và các DN tư nhân Việt Nam nói riêng”, TS. Nguyễn Quốc Việt nói.

Các điểm sáng kinh tế tiếp theo phải kể đến là thương mại dịch vụ. Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì mức tăng cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10% so với cùng kỳ trước; Du lịch tăng trưởng mạnh mẽ với khoảng 1,2 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 8 - gấp 2,5 lần tháng trước; 8 tháng khoảng 7,8 triệu lượt khách - gấp 5,4 lần cùng kỳ trước.

“Điểm danh” những điểm sáng - trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam - Ảnh 2.

Kinh tế Việt Nam dù chịu những tác động từ bối cảnh chung toàn cầu, vẫn có những điểm sáng - ấn tượng, là trụ đỡ cho nỗ lực phục hồi và tăng trưởng (Ảnh minh họa: KT)

Hoạt động doanh nghiệp tháng 8 cũng khởi sắc hơn tháng trước khi có hơn 14.000 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số vốn đăng ký gần 135.300 tỷ đồng và tăng cả số lao động đăng ký. Ở góc độ này, ông Nguyễn Kim Hùng – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lưu ý: “Bối cảnh khó khăn chung của cả thế giới và Việt Nam đã làm cho niềm tin gia nhập thị trường của doanh nghiệp ‘lung lay’. Đấy chính là điều Việt Nam cần nghiên cứu xem xét để làm sao thúc đẩy được cộng đồng khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể quay lại thị trường với tốc độ gia nhập thị trường như những năm qua – chúng ta đạt đến khoảng hơn 100.000, gần 200.000 DN. Trong đó, có những ngành nghề được gọi là đột phá phù hợp với định hướng phát triển về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mà chúng ta đang hướng tới. Đặc biệt khi chúng ta đã cam kết tại COP26 – 1 cuộc chơi rất lớn mà các DN nếu không thận trọng sẽ gặp khó khăn”.

Bên cạnh đó, một con số không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế quốc tế tác động khó lường cần khẳng định: lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp và duy trì xu hướng giảm dần: bình quân 8 tháng, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,1%. Đó là những điểm sáng bức tranh kinh tế Việt Nam – cần nhận diện để tiếp tục các giải pháp tiếp đà tăng trưởng tốt hơn, là trụ đỡ kéo theo các hoạt động kinh tế khác phục hồi và phát triển như kỳ vọng.

Trong nỗ lực chung đó, Bà Đỗ Thị Ngọc - Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê, Tổng Cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và đầu tư khuyến nghị: “Chính phủ cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, kiên định giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn; chủ động điều hành các chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác; tiếp tục đẩy mạnh sản xuất tiêu dùng trong nước, kích cầu thương mại và dịch vụ; quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp và siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ”.

Trên cơ sở các giải pháp vĩ mô vừa nêu doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cần chủ động, linh hoạt các phương án sản xuất, phân phối sản phẩm để đạt hiệu quả tốt nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn nền kinh tế, thời gian tới.

Theo Thu Trang

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên