MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm lại những ‘sóng gió’ trên thị trường chứng khoán năm 2022

Trong bức tranh của nền kinh tế vĩ mô năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam có nhiều gam màu trầm hơn những dấu ấn tích cực.

VN-Index giảm 35% trong khi kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8%

Theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XVI, dự kiến cả năm 2022, Việt Nam đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó, tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, cao hơn đáng kể so với mục tiêu 6-6,5% đã định.

Tuy nhiên, trái với đà phục hồi và tăng trưởng cao của nền kinh tế, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã ghi một dấu ấn buồn trong năm 2022 khi chỉ số VN-Index suy giảm rất mạnh từ mức 1.498 điểm khởi đầu năm rơi xuống ngưỡng 980 điểm cuối năm 2022.

Tính chung cả năm, với mức giảm 35% của VN-Index, hầu hết các chủ thể tham gia TTCK phải chấp nhận thua lỗ.

Điểm lại những ‘sóng gió’ trên thị trường chứng khoán năm 2022 - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán năm 2022 trải qua nhiều thăng trầm

Cú sốc tâm lý trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

Nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp khiến thị trường này gia tăng rủi ro. Tổng dư nợ TPDN riêng lẻ đang lưu ký là 1,26 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 15% GDP.

Để hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt, Chính phủ và các cơ quan quản lý đã có nhiều động thái hỗ trợ. Cuối năm 2022, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ theo hướng lùi thời hạn áp dụng 1 năm đối với các quy định: Xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, yêu cầu bắt buộc xếp hạng tín nhiệm; bổ sung quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi trái phiếu thành khoản vay, hoặc tài sản khác để thanh toán gốc, lãi trái phiếu…

Xử lý hình sự, xử phạt hành chính loạt sai phạm chứng khoán

Năm 2022, hoạt động thanh tra, giám sát trên TTCK để lại nhiều dấu ấn trong xử lý vi phạm hành chính lẫn hình sự. 11 tháng năm 2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 442 trường hợp, với tổng số tiền phạt 33,41 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý có 3 trường hợp về tháo túng chứng khoán; 4 trường hợp bị áp dụng đình chỉ giao dịch; 15 trường hợp phải khắc phục hậu quả như buộc cải chính thông tin, trả tiền nhà đầu tư....

Điểm lại những ‘sóng gió’ trên thị trường chứng khoán năm 2022 - Ảnh 2.

Nhiều vụ việc thao túng trên thị trường chứng khoán bị xử lý trong năm qua

Căn cứ trên kết quả giám sát, ngành chứng khoán đã chuyển cơ quan công an xử lý hình sự đối với nhóm cổ phiếu FLC, đối với các sai phạm tại các công ty liên quan trong “nhóm Louis” và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần ASA cùng một số đơn vị khác.

Làn sóng tin đồn thất thiệt lan rộng

Năm qua, Chủ tịch HĐQT một tập đoàn lớn bị cấm xuất cảnh; chủ tịch HĐQT một ngân hàng sắp bị bắt; ngân hàng S sắp vỡ nợ; công ty chứng khoán V. khó khăn thanh khoản do liên quan đến trái phiếu công ty X… Tin đồn xuất hiện tràn lan trên các hội, nhóm diễn đàn như năm 2022. Nhiều đối tượng lợi dụng tin đồn để lập nhóm, phím hàng mua bán khiến cho TTCK có giai đoạn liên tục đỏ lửa, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an liên tục đưa ra khuyến cáo tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận. Nhiều cá nhân đã bị xử lý vì tung tin đồn thất thiệt...

Điểm lại những ‘sóng gió’ trên thị trường chứng khoán năm 2022 - Ảnh 3.

Nhiều tin đồn thất thiệt gây hoang mang, ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư

Giải chấp hàng loạt cổ phiếu cầm cố của lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết

Lần đầu tiên thị trường xuất hiện tình trạng công ty chứng khoán giải chấp các tài khoản cầm cố chứng khoán của nhiều lãnh đạo doanh nghiệp. Hoạt động này đồng thời cho thấy doanh nghiệp niêm yết đã phải cầm cố lượng lớn cổ phiếu/danh mục đầu tư để vay tiền từ các TCKC hoặc làm tài sản đảm bảo cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu huy động vốn.

Dòng cổ phiếu giải chấp điển hình là các mã như DIG, PRD, HPX, HDC, HBC, NVL… khiến cán cân cung - cầu trên thị trường nhiều giai đoạn lệch hẳn về bên bán.

TTCK phái sinh vượt qua mốc 1 triệu tài khoản sau 5 năm vận hành

Thị trường phái sinh sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30-Index chính thức vận hành ngày 10/8/2017.

Riêng trong năm 2022, thị trường phái sinh ghi nhận nhiều kỷ lục, như có thêm 416,840 tài khoản đầu tư phái sinh được mở mới, nâng tổng số tài khoản phái sinh lên hơn 1,1 triệu tài khoản. Trong năm, kỷ lục thanh khoản được lập ngày 25/10/2022 với 647,457 hợp đồng.

Điểm sáng vốn ngoại "chảy" vào TTCK Việt Nam

Tính tới hết ngày 23/12, khối ngoại đã mua ròng gần 27.000 tỷ đồng, tương đương với hơn 1,16 tỷ USD, giúp TTCK Việt Nam ghi nhận một điểm sáng hiếm hoi về thu hút vốn ngoại trong năm 2022 này.

Theo nhiều dự báo, ETF vẫn là công cụ đầu tư hữu hiệu trong thu hút vốn ngoại vào TTCK Việt Nam trong thời gian tới.

Áp dụng chu kỳ thanh toán T+2, đưa TTCK Việt Nam đến gần hơn mục tiêu được nâng hạng

Từ ngày 29/8/2022, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) - tổ chức được thành lập trên cơ sở Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam - đã chính thức rút ngắn thời gian thanh toán giao dịch chứng khoán về ngày T+2.

Số tài khoản chứng khoán đạt 6,8% dân số Việt Nam

Thống kê trong 11 tháng đầu năm 2022, tổng số tài khoản đầu tư mở mới đạt 2.487.665 tài khoản, trong đó nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 2,4 triệu tài khoản. Tính đến cuối năm 2022, số lượng tài khoản của nhà đầu tư chứng khoán trong nước chiếm tới 6,8% tổng dân số Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn các nhà đầu tư mới đã phải trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh của giá cổ phiếu và số lượng tài khoản mới mở giảm nhanh trong 2 quý cuối năm 2022.

Điểm lại những ‘sóng gió’ trên thị trường chứng khoán năm 2022 - Ảnh 4.

Thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục khó khăn

Tính đến ngày 15/12, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn với giá trị sổ sách khoảng 593 tỷ đồng, thu về 3.600 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với dự toán nộp vào ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định năm 2022 là 30 nghìn tỷ đồng. Số thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đến nay mới đạt 11% kế hoạch dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

(Nguồn: CLB Nhà báo chứng khoán).

Theo Dương Hưng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên