Điểm mặt các kênh thu hút dòng tiền đầu tư đến cuối năm 2024
Theo nhận định của các chuyên gia, dòng tiền đang có xu hướng dàn trải ở tất cả các kênh đầu tư và kéo dài cho đến cuối năm. Điều này cho thấy, nền kinh tế đã có sự hồi phục rõ rệt, giúp các nhà đầu tư có thể an tâm phân tán dòng tiền vào các kênh đầu tư.
- 23-07-2024"Bất động sản tỉnh sẽ bắt đầu sốt vào quý 3/2026, giá chung cư Hà Nội sẽ hạ khoảng 15-30% vào giai đoạn 2027-2029"
- 20-07-2024Sau chung cư, dòng tiền sẽ dần "rẽ" hướng đổ vào đất nền, đất đấu giá?
- 18-07-2024Bất ngờ với những con số kỷ lục về chung cư Hà Nội: Nguồn cung quý 2/2024 bằng cả năm 2023, giá bán sơ cấp cao nhất trong 3 năm
Chứng khoán vẫn là kênh ổn định
Ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc khối tài chính cá nhân của Công ty CP FIDT cho rằng, chứng khoán đáng để đầu tư nhất trong nửa cuối năm 2024 vì đây là kênh đầu tư đi trước diễn biến của nền kinh tế, về mặt bản chất nó còn được gọi là thị trường của sự kỳ vọng.
“Có thể thấy, từ khoảng tháng 10/2022 chứng khoán đã tạo "đáy", sau đó đến giữa 2023 nền kinh tế mới tạo "đáy". Như vậy, trước khi kinh tế tăng trưởng thì chứng khoán sẽ tăng trước và ngược lại, kinh tế trong xu thế hồi phục như hiện nay là động lực để kinh tế tăng trưởng” , ông Ngô Thành Huấn nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, kênh đầu tư tương đối ổn trong thời gian từ nay đến cuối năm vẫn là kênh chứng khoán.
Tuy nhiên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank (MBKE) nhận định, dòng tiền hiện tại mang tính chất dàn trải ở các kênh đầu tư an toàn, không có kênh đầu tư nổi bật hút mạnh dòng tiền. Hiện dòng tiền vào những kênh chứng khoán, vàng, hàng hóa, sản xuất kinh doanh…
Theo đó, xu hướng dòng tiền nửa đầu năm sẽ tiếp tục trong nửa cuối năm 2024 và mang tính chất dàn trải, không tập trung mạnh vào một kênh. Trong những kênh đó, cũng chỉ tập trung vào một số nhóm.
Riêng kênh chứng khoán, hiện đang có thanh khoản ở mức thấp so với đầu năm. Nhìn tổng thể, thanh khoản chứng khoán trong 6 tháng đầu năm vẫn ở mức tốt, nhưng quý 2 thấp hơn quý 1. Trong khi đó, kênh trái phiếu đã qua thời điểm xấu và đang tăng trở lại.
Gợi ý về đầu tư nhóm ngành cổ phiếu nào trong nửa cuối năm 2024, ông Ngô Thành Huấn cho rằng, nhà đầu tư nên ưu tiên nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng. Bởi một nền kinh tế phục hồi, thị trường đi lên thì không thể thiếu sự phục hồi của ngân hàng và chứng khoán.
Kế đến là nhóm ngành bất động sản, khu công nghiệp. Về mặt dài hạn, nhóm này đang khá hấp dẫn vì đỉnh giá đang rẻ. Tuy nhiên, điểm khó của nhóm này là phải thực sự đầu tư dài hạn. Đầu tư vào chứng khoán nửa cuối năm 2024 không phải là câu chuyện của chu kỳ 6 tháng mà tối thiểu phải là chu kỳ 1,5 năm. Theo đó, người chỉ đầu tư 6 tháng sẽ rất rủi ro.
Ông Phan Dũng Khánh thì khuyến nghị, nên tập trung vào cổ phiếu công nghệ, vận tải đường biển… vì từ nay đến cuối năm, dòng tiền sẽ chuyển qua nhóm này.
Bất động sản được chú ý hơn vàng, tiết kiệm
Sau kênh chứng khoán, các chuyên gia cho rằng kênh bất động sản sẽ thu hút dòng tiền đầu tư đến cuối năm 2024. Nguyên nhân, đây là kênh được phục hồi song song với nền kinh tế; ngay cả một số phân khúc mang tính chất đầu cơ dài hạn như đất nông nghiệp hoặc dự án vùng ven cũng sẽ phục hồi.
Do đó, PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh nhận định, kênh bất động sản sẽ hút vốn dần trở lại. Thực tế, tăng trưởng tín dụng những tháng gần đây phần lớn cũng tập trung về thị trường bất động sản, đều này cho thấy dấu hiệu bất động sản bắt đầu ấm lên và có khả năng kéo dài cho đến cuối năm
Ông Ngô Thành Huấn cho biết: " Xu hướng hồi phục sẽ từ trung tâm tới vùng ven, từ nhu cầu ở thực cho tới nhu cầu đầu tư, sau đó là nhu cầu đầu cơ. Có nghĩa là, căn hộ sẽ phục hồi trước, sau đó tới bất động sản giá trị nhỏ, nhà phố ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh và Hà Nội ".
Cũng theo ông Ngô Thành Huấn, thị trường bất động sản ở phân khúc nhà phố (khoảng 5 tỷ đồng) đang rất sôi động. Nửa sau 2024 là cơ hội cuối cùng để những ai có nhu cầu ở thực hoặc là muốn đầu tư an toàn thì nên đầu tư vào phân khúc nhà phố hoặc phân khúc đất ở khu vực trung tâm, nhất là tuyến quận, tuyến huyện của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, hoặc là trung tâm Nha Trang, trung tâm Đà Nẵng. Thêm vào đó, thời điểm hiện tại lãi suất cho vay mua bất động sản cũng đang rất thấp, phù hợp để sử dụng đòn bẩy tài chính.
“Nửa đầu năm 2025, các nhà đầu tư có thể bước xa ra một chút để tập trung vào các phân khúc có tính đầu cơ cao hơn như đất ở các vùng ven, ở các tỉnh, có thể vào các phân khúc thổ cư hoặc pha thổ cư, tức là nông nghiệp pha thổ cư. Còn cuối 2025, có thể đầu tư vào phân khúc có tính đầu cơ cao nhất trên thị trường, đó là phần đất nông nghiệp chưa lên thổ cư”, ông Ngô Thành Huấn tư vấn cho những người có ý định đầu tư vào thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Trước đó, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ ấm lên từ cuối quý 2 với nhiều dự án được đưa ra chào bán. Thế nhưng, đến hiện tại, số dự án đưa ra để thực hiện đầu tư cũng chưa nhiều như năm trước, lượng hàng mới đẩy ra thị trường thấp dù thị trường có ấm lên, có giao dịch mua bán. Do vậy, nhiều chuyên gia cũng lo ngại, dù thị trường bất động sản sẽ ấm lên nhưng rủi ro vẫn còn khá lớn vì với sự khan hiếm của nguồn cung, có thể dẫn đến tăng giá một số phân khúc như đất nền hay chung cư.
Trong khi đó, kênh đầu tư vàng có thể đi ngang do giá vàng thời gian qua tăng liên tục. Hiện nay, nhịp tăng của giá vàng tuy có chậm lại nhưng thời gian tới có thể tăng vượt mốc 2.500 USD/oz, theo đó kênh này đang rủi ro khá lớn.
Về lãi suất tiết kiệm, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho biết, dù từ đầu năm đến nay lãi suất có thấp nhưng vẫn thu hút tiền gửi của nhà đầu tư cá nhân, vì đây là kênh đầu tư an toàn. Số liệu từ NHNN cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2024, tiền gửi của cư dân là gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm, trong khi tiền gửi của các tổ chức kinh tế hơn 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,95%. Tuy nhiên, từ tháng 4 trở lại đây, lãi suất đã có dấu hiệu tăng nhẹ nên kênh này vẫn thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, ông Ngô Thành Huấn cho rằng, kênh tiền gửi không quá hấp dẫn trong giai đoạn này. Dù đã tăng trong thời gian gần đây nhưng lãi suất tiền gửi đang ở mức thấp, tăng trưởng nằm trong vùng định giá. Với thị trường vàng, nếu như giai đoạn trước, người có vàng miếng bán để mua vàng nhẫn thì lãi hơn 50% nhưng ở thời điểm hiện tại, câu chuyện này không còn nữa vì giá hai loại vàng đã tương đương nhau. Việc bán vàng để tích trữ tiền cũng không còn hấp dẫn vì giá kim loại quý đã bớt "nóng".
Tương tự, ông Nguyễn An Huy, chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân thuộc Công ty FIDT cũng phân tích, giá vàng nhẫn trơn từ trước tới nay không chênh nhiều và luôn biến động cùng với thị trường toàn cầu. Tính từ đầu năm đến nay, vàng thế giới đã tăng khá tốt (khoảng 13%), kéo theo giá vàng nhẫn trong nước nhảy vọt. Trong khi đó, vàng miếng có hiệu suất thấp, bình quân hơn 4%. Con số này kém hơn mức tăng của USD (hơn 4,3%). Vì thế, dự báo chênh lệch giữa vàng miếng SJC và nhẫn trơn sắp tới duy trì 1 - 3 triệu đồng mỗi lượng. Nếu nhà đầu tư vẫn muốn đầu tư vào vàng, thay vì tập trung dự báo giá vàng thì nên theo dõi chênh lệch giữa vàng miếng và nhẫn trơn để có cách đầu tư phù hợp.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng dự báo, từ nay cho đến giữa 2025, giá vàng có thể tăng thêm 10% nếu Fed hạ lãi suất và địa chính trị chưa ổn định. Theo đó, vàng vẫn còn dư địa tăng tăng trưởng nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đảo chiều. Như vậy, từ nay đến cuối năm, bất động sản sẽ là kênh hút một phần vốn, một phần ở kênh vàng, còn lại vẫn là nền kinh tế thực; những kênh mang tính chất đầu cơ sẽ giảm bớt trong thời điểm hiện tại, bắt đầu tập trung vào sản xuất kinh doanh, tập trung vào nền kinh tế thực hơn là đầu tư tài chính.
Báo Tin tức