MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm mặt các thương vụ M&A hàng tỷ USD

28-05-2023 - 07:21 AM | Tài chính quốc tế

Hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với các khó khăn như lo ngại suy thoái kinh tế, lãi suất tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, căng thẳng địa chính trị ở Ukraine… Tuy nhiên, quý I năm 2023 cũng chứng kiến một số thương vụ M&A “khủng.

Microsoft: Hơn 1 năm theo đuổi thương vụ 69 tỷ USD

Tháng 1/2022, gã khổng lồ công nghệ Mỹ Microsoft công bố sẽ chi gần 69 tỷ USD để mua lại Activision Blizzard, công ty cung cấp nhiều game nổi tiếng như Call of Duty, Diablo, Candy Crush. Quyết định này của Microsoft nhằm giúp tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới này có thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh trong thế giới metaverse.

Giá của Microsoft đưa ra vượt qua vụ M&A trong đó hãng máy tính Dell của Mỹ mua lại EMC với giá 67 tỷ USD cách đây 6 năm. Nó cũng cao hơn rất nhiều so với giá 26 tỷ USD Microsoft bỏ ra để mua mạng xã hội LinkedIn vào năm 2016.

Điểm mặt các thương vụ M&A hàng tỷ USD - Ảnh 1.

Bảng hiệu Microsoft. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, thương vụ 69 tỷ USD chưa được giới chức ở Mỹ chấp thuận vì lý do lo ngại thâu tóm sẽ dẫn tới độc quyền. Sony, một tên tuổi lớn khác trong lĩnh vực game, cũng cố sức để thương vụ không diễn ra. Tuy nhiên, Microsoft vẫn kiên trì đeo bám thương vụ khủng này. Chủ tịch Microsoft Brad Smith phát biểu tại buổi họp báo ngày 21/2/2023 rằng ông lạc quan hơn về việc mua lại Activision sau thỏa thuận cấp phép của Nvidia và một thỏa thuận tương tự với Nintendo Co Ltd.

Smith nói ông tin rằng thỏa thuận với Nvidia có thể xoa dịu những lo ngại về thương vụ thâu tóm Activision Blizzard bằng cách đảm bảo người tiêu dùng có thêm nhiều cách để tiếp cận các trò chơi do Microsoft kiểm soát. Nvidia cho biết họ ủng hộ việc Microsoft mua lại Activision. Vì vậy, Nvidia đã tích hợp các trò chơi Xbox vào GeForce Now, là dịch vụ có 25 triệu người dùng tại hơn 100 nước trên toàn thế giới.

Microsoft cam kết sẽ giữ trò "Call of Duty" trên máy chơi game PlayStation của đối thủ Sony. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ nói rằng việc mua lại Activision Blizzard không chỉ nhằm vào "Call of Duty" mà sẽ thúc đẩy sự phát triển của Microsoft trong lĩnh vực trò chơi trên điện thoại di động, máy tính cá nhân, trên điện toán đám mây, và các thiết bị điện tử cầm tay.

Newmont mua Newcrest giá 17 tỷ USD

Công ty Newmont Mining của Mỹ, nhà khai thác vàng lớn nhất thế giới, đang trong giai đoạn thẩm định chuyên sâu (due diligence – DD) để mua toàn bộ công ty Newcrest Mining, công ty khai thác vàng số một của Úc, với giá khoảng 17 tỷ USD.

Newmont Mining công bố ý định mua lại Newcrest Mining vào đầu tháng 2/2023 với hy vọng thương vụ đình đám này sẽ giúp Newmont tăng cường khai thác vàng tại Úc và Canada.

Điểm mặt các thương vụ M&A hàng tỷ USD - Ảnh 2.

Một mỏ khai thác vàng của Newmont Mining. Ảnh: Mining Technology

Kitco News, website chuyên về ngành vàng thế giới, luôn xếp Newmont Mining ở vị trí số 1 về khai thác vàng, và Newcrest Mining cũng có mặt trong Top 10 của Kitco News. Newmont vững vàng ở ngôi đầu bảng cũng nhờ M&A. Năm 2019, công ty bỏ ra 10 tỷ USD thâu tóm đối thủ Goldcorp Inc. của Canada để tạo nên công ty khai thác vàng lớn nhất thế giới.

Những năm gần đây đã chứng kiến nhiều hơn các thương vụ M&A trong ngành công nghiệp khai thác vàng thế giới vì trữ lượng các mỏ vàng đang khai thác có phần giảm đi làm chi phí sản xuất tăng cao. Vì vậy, các vụ mua bán sáp nhập hoặc liên minh được xem là một giải pháp thích hợp.

Toshiba đồng ý bán với giá 15,3 tỷ USD

Tập đoàn điện tử và năng lượng nổi tiếng và lâu đời Toshiba (Nhật Bản) sắp được bán sau nhiều năm nỗ lực cứu vãn tình thế bết bát dù được Chính phủ Nhật hỗ trợ. Toshiba được chính phủ đứng sau lưng vì sản xuất điện hạt nhân của Toshiba có tầm quan trọng đối với an ninh quốc gia, nhưng ngành này liên quan đến việc ngừng hoạt động nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi bị phá hủy trong thảm họa kép động đất - sóng thần tháng 3/2011. Vì vậy, chính phủ Nhật Bản không chấp nhận một công ty nước ngoài mua lại Toshiba.

Điểm mặt các thương vụ M&A hàng tỷ USD - Ảnh 3.

Toshiba là thương hiệu lâu đời của Nhật. Ảnh: Bloomberg

Và ngày 23/3/2023, Hội đồng Quản trị Toshiba đồng ý đề nghị mua lại với giá khoảng 2.000 tỷ yên (15,3 tỷ USD) từ một nhóm do công ty cổ phần tư nhân trong nước do Japan Industrial Partners (JIP) dẫn đầu. Ban lãnh đạo của Toshiba, chính phủ Nhật và phần lớn các cổ đông nước ngoài mâu thuẫn về tương lai của tập đoàn. Các nhà đầu tư, như mọi khi, muốn tối đa hóa lợi nhuận nhưng ưu tiên của chính phủ là không để bí mật công nghệ rơi vào tay nước ngoài.

Với mức giá được Hội đồng Quản trị đồng ý, nếu giao dịch thành công sẽ là một trong những thương vụ lớn nhất châu Á trong năm nay trong tình cảnh khó khăn chung của thế giới toàn cầu. Và cũng sẽ trở thành một trong những thương vụ M&A doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản.

Toshiba nguyên thủy được thành lập năm 1875 và trình làng máy tính xách tay đầu tiên của thế giới dành cho thị trường phổ thông vào năm 1985. Cùng với Sony và Sharp, Toshiba từng có một thời gian hoàng kim khi công nghiệp điện tử Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong một thời gian khá dài. Sau thảm họa động đất và sóng thần năm 2011, Toshiba bị ảnh hưởng nặng nhưng đã cố gắng vượt qua thảm họa. Tuy nhiên, tập đoàn bị dính vào một vụ bê bối kế toán lớn được đưa ra ánh sáng năm 2015. Trong scandal này, Toshiba bị phát hiện có hàng loạt sai phạm kế toán trên diện rộng, kéo dài trong suốt nhiều năm.

Sau khi bê bối bị phát hiện, tập đoàn tuyên bố sa thải 6.800 nhân viên. Trong năm tài khóa sau đó kết thúc vào năm 2017, Toshiba lỗ 8,8 tỷ USD. Tập đoàn đã tái cấu trúc toàn diện với hy vọng lấy lại vị thế từng có nhưng các nhà đầu tư và những giám đốc điều hành Toshiba không ngừng mâu thuẫn về tương lai của tập đoàn – chính chia rẽ này làm một doanh nghiệp có lịch sử gần 150 năm phải chịu bán đi.

Cú ngã ngựa mang tên "nhà băng Thụy Sĩ"

Ngày 19/3/2023, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ là UBS đã đồng ý mua lại Credit Suisse, ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ và cũng là đối thủ của UBS, với giá khoảng 3,2 tỉ USD.

Đây là thỏa thuận mua lại ngân hàng lớn nhất trong nhiều năm qua, được các nhà quản lý ngành ngân hàng Thụy Sĩ thúc đẩy với mong muốn ngăn chặn sự suy giảm nghiêm trọng về niềm tin vào hệ thống ngân hàng toàn cầu. Đài CNN của Mỹ gọi đây là “thỏa thuận giải cứu khẩn cấp”, và phía được giải cứu chính là Credit Suisse đang trên bờ vực sụp đổ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) trước đó khoảng 10 ngày.

Thương vụ này cũng là vụ siêu sáp nhập đầu tiên của các ngân hàng toàn cầu quan trọng về mặt hệ thống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Chính phủ Thụy Sĩ cho biết sẽ cung cấp hơn 9 tỉ USD để bù lại một số tổn thất UBS có thể phải gánh chịu khi giải cứu Credit Suisse bằng cách mua lại. Thông báo về việc UBS “cứu” Credit Suisse, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cho biết thương vụ này nhằm “đảm bảo sự ổn định tài chính và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ”. SNB sẽ cung cấp hơn 100 tỉ USD thanh khoản cho UBS để tạo điều kiện thuận lợi cho thương vụ diễn ra.

Theo Tường Thụy

Nhà đầu tư

Trở lên trên