MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điểm mới trong chính sách tiền lương năm 2023

Điểm mới trong chính sách tiền lương năm 2023

Năm 2023, người lao động cần lưu ý đến những chính sách mới liên quan đến tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp; tăng phụ cấp cho cán bộ y tế...

Chưa thực hiện cải cách tiền lương

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023. Nghị quyết này đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 11/11/2022. Điều 3 Nghị quyết quy định các nội dung về thực hiện chính sách tiền lương. Trong đó, nhiều điểm mới về tiền lương, lương hưu, phụ cấp, trợ cấp được thực hiện trong năm 2023.

Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 69/2022/QH15 nêu rõ: “Chưa thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong năm 2023”.

Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước nếu thực hiện cải cách tiền lương sẽ bao gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương). Các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương), bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Dự kiến ban đầu, chế độ tiền lương mới sẽ áp dụng từ năm 2021 nhưng do tác động của Covid-19 nên thời điểm cải cách tiền lương được lùi lại.

Tuy chế độ tiền lương mới chưa được áp dụng như thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước vẫn sẽ tăng khá cao khi Quốc hội quyết định tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023 lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Việc tăng lương cơ sở năm 2023 không chỉ giúp tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, mà còn tăng mức hưởng các loại trợ cấp BHXH, mức hưởng lương hưu… Nghị quyết số 69/2022/QH15 nêu rõ: “Tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp”.

Đồng thời, Quốc hội cũng quyết nghị: “Tăng mức chuẩn trợ cấp người có công bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị và tăng 20,8% chi các chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở”.

Theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì hiện nay, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đang được áp dụng là 1.624 triệu đồng. Trong khi đó, tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Khu vực thành thị là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Do đó, đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người/tháng thì mức chuẩn hộ nghèo khu vực thành thị giai đoạn 2022 - 2025 là 2 triệu đồng.

Tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế

Bên cạnh đó, trước khó khăn của ngành y tế, nhiều cán bộ xin nghỉ việc vì thu nhập không đảm bảo cuộc sống, Quốc hội đã quyết nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế ngay từ ngày 1/1/2023. Cụ thể, Quốc hội quyết nghị: “Từ ngày 1/1/2023, thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị”.

Cũng theo Nghị quyết, các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở Trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước. Điều này được thực hiện cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).

Đồng thời, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023 - 2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như quy định tại Nghị quyết 34/2021/QH15.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, chính sách tiền lương là một chính sách đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn lực và là động lực để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững. Chính sách tiền lương cũng là chính sách tạo cho người lao động nói chung, đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức nói riêng đảm bảo để có thể thực hiện tốt được nhiệm vụ.

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, điều chỉnh mức lương cơ sở ở thời điểm này là rất hợp lý. Mục đích tạo ra động lực mới cho cán bộ, công chức, viên chức cũng giảm bớt hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức xin thôi việc, nghỉ việc thời gian qua, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực y tế và giáo dục. Trong đó, số lượng công chức, viên chức chủ yếu rơi vào 6 tháng cuối năm của năm 2021 và đặc biệt là 6 tháng đầu năm của năm 2022.

Theo Ngọc Trang

Giáo dục và Thời đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên