[Điểm nóng TTCK tuần 17/12 – 23/12] Chứng khoán Việt giảm sâu, chứng khoán thế giới trải qua bão táp
Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch trong tuần…
1. TTCK Việt Nam lao dốc
Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần sụt giảm mạnh mẽ. Chốt tuần, VN-Index đã đóng cửa ở 912,26 điểm (giảm 4,2%) và HNX-Index chốt phiên ở 104,45 điểm, (giảm 2,07%) so với tuần liền trước đó. Tiếp tục chịu ảnh hưởng tâm lý từ biến động thị trường thế giới, dường như thị trường chứng khoán Việt Nam cũng biến động rất mạnh trong phiên giao dịch trong tuần.
Mở đầu phiên giao dịch đầu tiên của tuần mới, chỉ số VN-Index đảo chiều mạnh mẽ. Chốt phiên này , chỉ số VN-Index giảm tới 18,39 điểm và lùi sâu về mốc 933,65 điểm. Nhóm ngân hàng vẫn là tâm điểm của áp lực bán ra và phản ứng giảm đồng loạt xuất hiện trên phần lớn Bluechips thuộc VN30. Những nỗ lực cân bằng giá xuất hiện nhưng không hiệu quả và tốc độ hạ giá nhanh chóng cuối phiên đang hàm ý xu hướng tăng ngắn hạn đã kết thúc.
Chỉ số VN-Index trong 3 tháng gần đây
Những phiên giao dịch tiếp theo đó, đà giảm điểm tái diễn đã đẩy VN-Index lùi xuống vùng giá thấp hơn, tuy vậy diễn biến cung cầu tại phần lớn các Bluechips vẫn chưa cho thấy những phản ứng rõ ràng về kỳ vọng đảo chiều phục hồi từ bên mua. Tâm lý rút vốn luân chuyển trong nhóm vốn hóa lớn. Áp lực bán đáng kể xuất hiện tại nhóm thực phẩm đồ uống như: VNM, SAB và cổ phiếu VRE. Đây cũng là những nhân tố tác động mạnh đến chiều giảm của VN-Index . Bên cạnh đó hiện tượng thanh khoản co hẹp về mức thấp hơn xác nhận cho luận điểm rằng phần lớn nhà đầu tư đang đứng ngoài và chờ đợi phản ứng tích cực hơn của của thị trường.
Phiên giao dịch cuối cùng của tuần, phiên ngày thứ 6, các cổ phiếu còn lại thuộc nhóm VN30 đã cố gắng nâng đỡ chỉ số về nửa cuối phiên. Tuy nhiên, những Bluechips tạo động lực phục hồi chính lại chưa thu hút được dòng tiền đáng kế. Hai cổ phiếu VNM và VHM nằm trong diện giảm tỷ trọng của các ETFs là tác nhân chính tạo áp lực giảm lên VN-Index sau khi kết thúc phiên ATC.
Giao dịch khối ngoại chịu ảnh hưởng lớn bởi kỳ cơ cấu danh mục của các ETFs đã khiến chênh lệch bán ròng trên hai sàn đạt hơn 325 tỷ đồng. Ngoài VNM và VHM nằm trong danh mục giảm tỷ trọng, các Bluechips như MSN, DXG cũng chịu tác động rút vốn mạnh.
Điểm đáng lưu ý hơn trong tuần giao dịch vừa qua là mức tương quan cao giữa biến động giảm của VN-Index 05 phiên liên tiếp với các chỉ số thị trường chứng khoán Mỹ; Dow 30, Nasdaq và S&P 500 đồng loạt giảm mạnh và vi phạm vùng hỗ trợ trung hạn.
Theo chuyên gia chứng khoán FPTS nhận định, khi mà tâm lý nhạy cảm theo chiều đi xuống chưa có dấu hiệu kết thúc, nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn trung hạn cần theo sát diễn biến thị trường trong tuần giao dịch kế tiếp. Nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ 900 điểm thì nên cân nhắc tới việc giảm tỷ trọng danh mục và sử dụng công cụ phái sinh nhằm bảo toàn danh mục cổ phiếu.
Đối với thị trường CK phái sinh, 4 hợp đồng đều có sự đồng thuận tăng "tích cực" về thanh khoản trong các phiên giao dịch trong tuần. Tuần qua cả 4 HĐTL đều biến động khá mạnh trong phiên với biên độ dao động trong phiên khá lớn vênh trên 10 point giữa mức cao nhất và thấp nhất trong phiên, tạo cơ hội cũng như rủi ro lớn cho nhà đầu tư giao dịch trong phiên.
Tuần qua cũng là tuần lễ mà hợp đồng VN30F1812 (F1812) do đến ngày đáo hạn nên trong phiên giao dịch cuối cũng đã bị kéo về giằng co sau đó giảm ngang thị trường chứng khoán cơ sở. Các hợp đồng còn lại chủ yếu dao động ở mức gần tham chiếu. Hiện nay tổng khối lượng khớp lệnh trung bình của thị trường giao dịch hợp đồng tương lai tuần qua đạt 137.016 hợp đồng.
2. TTCK thế giới trải qua bão táp
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đã hứng chịu một tuần lao dốc. Tất cả các chỉ số chính đều xuống mức thấp nhất trong năm nay. Cụ thể, chỉ số S&P 500 đóng cửa ở 2.416 điểm (giảm 7,04%), chỉ số Dow Jones Industrial Average đóng cửa ở 22.445 điểm (giảm 6,87%), và Nasdaq Composite đóng cửa ở 6.332 điểm (giảm 8,36%).
Đến cuối tuần, giá dầu thô đã giảm hơn một phần ba so với mức đỉnh giữa tháng Mười. Thị trường vẫn biến động rất mạnh, với Chỉ số biến động Cboe (VIX) đạt mức cao nhất kể từ tháng Hai. Mối quan tâm về chính sách tiền tệ đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư trong suốt cả tuần. Tổng thống Trump cũng đã phải lên tiếng trên Twitter với hy vọng sẽ gây ảnh hưởng lên quyết định của Fed. Tuy nhiên, Fed đã chính thức tăng lãi suất thêm 0,25% nữa, khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh ngay sau đó.
Tại châu Âu, chứng khoán cũng giảm điểm hàng loạt và nhiều chỉ số đã xuống tới mức thấp nhất trong hai năm qua. Chỉ số FTSE 100 của Anh đóng cửa ở 6.721 điểm (giảm 1,81%), chỉ số DAX 30 của Đức đóng cửa ở 10.633 điểm (2,14%) và CAC 40 của Pháp đóng cửa ở 4.694 điểm (3,28%).
Đầu tuần, Ý đã đạt được thỏa thuận với EU về vấn đề ngân sách và đã khiến thị trường tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên sau đó, việc thắt chặt chính sách tiền tệ tại Mỹ đã gây ảnh hưởng tâm lý tới nhà đầu tư châu Âu. Cùng với các dữ liệu kinh tế kém khả quan của Đức và Pháp đã khiến chứng khoán châu Âu càng thêm tồi tệ vào phiên giao dịch cuối tuần.
Các chỉ số chứng khoán lớn của Nhật Bản chịu tổn thất khá đáng kể trong tuần. Chỉ số Nikkei 225 đã đóng cửa ở 20.116 điểm (giảm 5,89%). Đồng Yên bắt đầu tăng trở lại khi thị trường chứng khoán bất ổn. Kết thúc tuần, tỷ giá đồng Yên đạt mức 111,06 Yên/đô la Mỹ. Softbank Group và Sony là những công ty đáng chú ý tại Nhật Bản trong tuần qua khi cổ phiếu của mỗi công ty giảm hơn 9% trong tuần.
Theo Bloomberg, các nhà đầu tư ở nước ngoài đã bán khoảng 48 tỷ đô la cổ phiếu Nhật Bản trong năm 2018, mức cao nhất kể từ năm 1987. Đúng như dự đoán, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) đã giữ nguyên chính sách tiền tệ tại cuộc họp tháng 12, nhưng Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết thêm rằng BOJ có thể tăng kích thích nếu nền kinh tế chậm lại. Xuất khẩu của Nhật Bản, một trong những báo cáo kinh tế được theo dõi chặt chẽ nhất, chỉ tăng 0,1% trong tháng 11 so với năm trước, một sự phản ánh rõ ràng về sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản.
Bên cạnh đó thị trường Trung Quốc cũng hứng chịu sụt giảm trong tuần. Mặc dù đã có một số chính sách mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và sự tan băng tạm thời trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng điều đó đã không thể cải thiện tâm lý nhà đầu tư. Kết thúc tuần, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa ở 2.516 điểm (giảm 2,97%), và Hang Seng Index đóng cửa ở 25.753 điểm (giảm 1,31%).
Do tác động của kinh tế Trung Quốc, một số nhà phân tích đang tỏ ra rất lo ngại với thị trường hàng hóa cơ bản. Nếu Trung Quốc rơi vào suy thoái, dầu mỏ và kim loại sẽ chịu áp lực giảm giá lớn vì không quốc gia nào khác có thể thay thế mức tiêu thụ các loại hàng hóa nguyên vật liệu nhiều như Trung Quốc trong thời gian qua.