"Điểm sáng" mới trong quy hoạch đầu tư hệ thống cảng hàng không, ước tính hơn 420 tỷ đồng
Bộ GTVT đặt mục tiêu trong 2 năm tới phải hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không...
- 10-04-2024Đà Nẵng thu ngân sách nhà nước tăng hơn cùng kỳ năm trước
- 10-04-2024Ngành Giao thông cắt giảm 20% quy định gây khó cho người dân, doanh nghiệp
- 10-04-2024Sau 1 năm, thu nhập tăng bao nhiêu? Ngành đang tăng cao nhất lại là ngành năm ngoái từng thê thảm
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Tờ trình số 3362/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch).
Trước đó, đầu tháng 6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 phê duyệt Quy hoạch.
Để triển khai Quy hoạch, cuối tháng 11/2023, Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không Việt Nam (cơ quan lập Quy hoạch) xây dựng kế hoạch, chính sách, giải pháp thực hiện Quy hoạch; tổ chức lấy ý kiến của 13 bộ, ngành và 29 địa phương có quy hoạch cảng hàng không.
Tính đến cuối tháng 3/2024, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam đã nhận được 31/42 ý kiến góp ý của các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Để cụ thể hóa Quy hoạch và tạo điều kiện cho các địa phương chủ động lên kế hoạch đầu tư, Bộ GTVT đặt mục tiêu trong 2 năm tới phải hoàn thành công tác lập quy hoạch 30 cảng hàng không (gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).
Trong giai đoạn 2026 - 2030, hoàn thành công tác nghiên cứu, lập quy hoạch Cảng hàng không Cao Bằng, Cảng hàng không thứ 2 vùng Thủ đô, Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng.
Theo tính toán sơ bộ của Bộ GTVT, để thực hiện Quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không (không gồm các công trình do Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tự cân đối đầu tư) trong giai đoạn 2021- 2030 ước khoảng 420.472 tỷ đồng.
Tại Tờ trình số 3362/TTr-BGTVT, cùng với việc cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không theo Quy hoạch, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép huy động tối đa nguồn vốn của xã hội đầu tư theo phương thức PPP đối với các cảng hàng không mới.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề xuất xây dựng cơ chế cho phép các đơn vị hàng không dân dụng được đầu tư, vận hành, khai thác công trình trên đất, tài sản kết cấu hạ tầng do Bộ Quốc phòng quản lý để tận dụng tối đa hạ tầng hiện có, phục vụ hoạt động lưỡng dụng.
"Ngân sách Nhà nước và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hiện mới chỉ cân đối được khoảng 204.615 tỷ đồng, nên việc sớm cởi nút thắt về cơ chế xã hội hóa đầu tư, nâng cấp các sân bay, cảng hàng không hiện hữu đang là vấn đề cấp thiết để sớm cụ thể hóa các dự án ưu tiên được đề cập trong Quy hoạch", ông Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết.
Ngoài ra, cũng trong Tờ trình 3362/TTr-BGTVT đưa ra các dự án dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2026 - 2030 hoặc giai đoạn sau năm 2030, trường hợp có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kế hoạch đầu tư sớm hơn.
Danh mục này có một số dự án đang trong giai đoạn đầu tư như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên và một số dự án đầu tư mới như: Phan Thiết hoặc nhà ga hành khách tại Cảng hàng không Phù Cát, Côn Đảo, Cam Ranh… đang được các địa phương kiến nghị kêu gọi vốn theo hình thức PPP.
Danh mục trên cũng chưa bao gồm 2 sân bay quân sự đang được tiến hành thực hiện đầu tư chuyển đổi khai thác lưỡng dụng (Biên Hòa, Thành Sơn) và khoảng 5 cảng hàng không, sân bay tiềm năng đang được một số địa phương tổ chức lập đề án quy hoạch cảng hàng không với định hướng chính là huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP.
Tuy nhiên, cơ hội đầu tư vào các sân bay nói trên của các nhà đầu tư sẽ chỉ rõ hơn sau khi Đề án Định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng cảng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo khoản 1, Điều 4, Quyết định số 1121/QĐ-TTg, UBND các tỉnh, thành phố được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng đề án xã hội hóa, đầu tư theo phương thức PPP khai thác các cảng hàng không thuộc địa phận của địa phương, báo cáo Tổ công tác. Để hỗ trợ các địa phương, Bộ GTVT đã giao các đơn vị chủ động xây dựng đề cương các nội dung chính làm cơ sở triển khai lập đề án và gửi tới UBND các tỉnh, thành phố để chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, xây dựng đề án.
Bộ GTVT đang tổng hợp hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý II/2024 làm cơ sở nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý trong việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.