Điểm sáng nào cho thị trường khi Vn-Index “thủng” mốc 880 điểm?
Theo thống kê trong 8 năm gần nhất, chứng khoán Việt Nam có tới 7 lần tăng điểm trong tháng 1.
- 03-01-2019Thị trường xuống đáy 1 năm, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 7 liên tiếp
- 03-01-2019“Thủng đáy”, Vn-Index về mức thấp nhất trong hơn 1 năm
- 03-01-2019Năm 2019 được dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư cổ phiếu nào để “tồn tại” trên TTCK Việt Nam?
Những ngày đầu năm mới 2019 đang diễn ra không thực sự suôn sẻ với TTCK Việt Nam. Chỉ trong 2 phiên giao dịch mở màn, chỉ số Vn-Index đã mất hơn 14 điểm và lùi về 878,22 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017.
Việc Vn-Index dễ dàng xuyên thủng vùng hỗ trợ mạnh 880 – 890 điểm (Vn-Index đã nhiều lần hồi phục từ vùng hỗ trợ này trong năm 2018) khiến giới đầu tư lo ngại thị trường sẽ còn nhiều diễn biến tệ hơn nữa, thậm chí nhiều ý kiến cho rằng Vn-Index có thể về vùng 800 điểm.
Tuy vậy, việc thị trường giảm sâu cũng mở ra cơ hội giải ngân cho nhà đầu tư. Ngay trong bối cảnh không thực sự tích cực như lúc này vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng cho thị trường.
Vn-Index "thủng" hỗ trợ cứng 880 - 890 điểm
Yếu tố tích cực đầu tiên là giao dịch khối ngoại khi họ đã có chuỗi 7 phiên mua ròng liên tiếp với tổng giá trị lên tới 1.043 tỷ đồng trên HoSE. Đây là chuỗi mua ròng dài nhất của khối ngoại kể từ thời điểm cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, khi Vn-Index chuẩn bị tạo đỉnh tại vùng 1.025 điểm.
Đà mua ròng của khối ngoại không chỉ tập trung vào một vài Bluechips thông qua giao dịch thỏa thuận mà có sự lan tỏa khá tốt ra nhiều cổ phiếu qua phương thức khớp lệnh, đây là điểm khá tích cực. Nếu trong những phiên giao dịch tới, xu hướng mua ròng của khối ngoại vẫn chưa dừng lại thì diễn biến thị trường có thể xuất hiện những tín hiệu lạc quan hơn.
Yếu tố tích cực thứ 2 là định giá thị trường hiện đã trở nên hấp dẫn hơn. Giai đoạn tháng 4/2018, khi Vn-Index tạo đỉnh trên 1.200 điểm, P/E thị trường lúc đó đã tăng vọt lên gần 22 và được coi là khá "nóng". Tuy vậy, sau quá trình điều chỉnh kéo dài, P/E Vn-Index hiện đã "hạ nhiệt" đáng kể. Theo số liệu từ Bloomberg, P/E Vn-Index hết phiên 3/1 chỉ còn 15,3. Nếu loại trừ đi một số cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, VRE, VHM thì P/E Vn-Index chỉ còn khoảng 14.x.
Tại khu vực Đông Nam Á, P/E TTCK Việt Nam hiện cao hơn đôi chút so với Thái Lan nhưng thấp hơn nhiều so với Indonesia, Philippines, Malaysia. Thị trường Singapore có P/E khá thấp (11,3), nhưng đây là đặc tính của các thị trường phát triển.
Trong khi đó, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam vẫn hết sức tích cực và được dự báo tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2019. Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt, năm 2019, tăng trưởng GDP Việt Nam tiếp tục tăng 6,8%, CPI ở mức khoảng 3,5%; Lãi suất huy động khoảng 7,3%; VND giảm giá dưới 3%.
Với những yếu tố kể trên, có thể nói định giá TTCK Việt Nam đang hấp dẫn hơn so với mặt bằng khu vực. Đây sẽ là yếu tố thu hút dòng tiền tham gia và việc khối ngoại đẩy mạnh mua ròng khi thị trường điều chỉnh vừa qua có thể một phần đến từ yếu tố định giá hấp dẫn.
Yếu tố tích cực cuối cùng là hiệu ứng tháng 1. Thống kê từ năm 2011 – 2018 cho thấy Vn-Index có tới 7/8 năm tăng điểm trong tháng 1. Không những vậy, mức tăng điểm tháng 1 trong giai đoạn này cũng rất mạnh với nhiều năm tăng trên 10%.
Những con số thống kê trên cho thấy tháng 1 là giai đoạn thị trường thường có diễn biến tích cực nhất trong năm. Với việc khối ngoại đang dần mua ròng trở lại, cũng như định giá thị trường đang dần trở nên hợp lý hơn, chúng ta vẫn có quyền hy vọng vào kịch bản tích cực trong giai đoạn còn lại của tháng.