'Điểm tên' loạt dự án BOT, BT, kiểm toán yêu cầu xử lý hàng nghìn tỷ đồng
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh ký gửi Quốc hội tiếp tục thông tin về kết quả kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, những lĩnh vực nhận được sự quan tâm lớn của dư luận tại các lần kiểm toán trước đây.
- 20-07-2021Dừng thu phí dự án BOT 19 tỉnh phía Nam từ hôm nay
- 04-04-2021Tổng cục Đường bộ muốn được bảo trì các dự án BOT dừng thu phí
- 26-01-2021Năm 2020, các dự án BOT giao thông hụt thu gần 1.000 tỷ đồng
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lộ nhiều vi phạm
Cơ quan kiểm toán cho rằng, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT.
Trong nhiều dự án, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, điều kiện giải ngân, thanh toán phần vốn góp của Nhà nước tham gia trong dự án và phần vốn vay của nhà đầu tư tại hợp đồng BOT chưa nêu cụ thể. Hợp đồng BOT quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40%, tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện không đúng quy định.
Đáng lưu ý, một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT. Theo kiểm toán, trường hợp này rơi vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Cũng tại dự án này, chi phí sửa chữa thường xuyên cũng chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp. Kiểm toán chỉ rõ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng.
Cùng với đó, còn tình trạng chưa quy định nguyên tắc và điều kiện điều chỉnh lãi suất vốn vay trong phương án tài chính. Trường hợp này thuộc về dự án đường bộ ven biển Việt Nam, đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định.
Bên cạnh đó, còn tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính; chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh. Đơn cử, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.
Cũng tại dự án cao tốc này, kiểm toán cho rằng, khi dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi, ảnh hưởng đến tính khả thi dự án, nhưng các bên chưa xem xét, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Dù đã đưa dự án vào vận hành, nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý 1.128,46 tỷ đồng. Trong đó có 1 dự án BOT đường bộ ven biển Việt Nam đoạn qua tỉnh Thái Bình, Nam Định, thời gian thu phí hoàn vốn sau khi cập nhật lại kết quả kiểm toán giảm 23 tháng so với phương án ban đầu.
10 dự án BT, kiến nghị xử lý 1.801,86 tỷ đồng
Đối với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT được kiểm toán điểm tên với 10 dự án, gồm: dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây; 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm; cầu Thủ Thiêm 2; Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam, phía Đông giai đoạn 2017-2020…
Kết luận kiểm toán chỉ rõ tình trạng nhiều dự án lập và phê duyệt tổng mức đầu tư chưa chính xác, như dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn; Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện trục Bắc – Nam trong khu đô thị mới Thủ Thiêm. Bên cạnh đó, dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, không kịp thời cập nhật chỉ số giá để tính lại chi phí dự phòng, làm tăng tổng mức đầu tư 350,9 tỷ đồng.
Cùng với đó, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, còn tình trạng nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không xây dựng lịch trình thực hiện dự án, không xây dựng và thống nhất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch, tiến độ huy động vốn phù hợp với tiến độ của dự án BT. Dự án này cũng chưa có kế hoạch, phương án thu xếp vốn để tiếp tục thực hiện dự án, mới bố trí 2.429 tỷ đồng/6.076 tỷ đồng, thiếu 3.647 tỷ đồng.
Liên quan đến dự án này, kiểm toán cho rằng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không xây dựng chi tiết kế hoạch giám sát dự án, thiếu sự kiểm tra giám sát việc bỏ vốn và huy động vốn của nhà đầu tư, ký phụ lục hợp đồng BT chưa phù hợp thẩm quyền. Hay một số dự án khác việc ủy quyền ký hợp đồng BT đối với dự án đầu tư thuộc nhóm A không phù hợp quy định…
Kết quả kiểm toán kiến nghị xử lý tài chính 1.801,86 tỷ đồng, trong 10 dự án BT được kiểm toán có 1 dự án kiểm toán có tỷ lệ xử lý trên 49% giá trị được kiểm toán, 1 dự án có tỷ lệ xử lý trên 20% giá trị được kiểm toán. Điển hình như dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây 842,8 tỷ đồng (49,1%)...
Tiền phong