MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diễn biến mới trên chiến trường giao nhận đồ ăn: Vietnammm.com đã phải bán mình cho “kỳ lân” Hàn Quốc Woowa Brothers?

24-02-2019 - 14:34 PM | Doanh nghiệp

Với diễn biến này, thị trường gần như trở về thế chân vạc với sự chia nhau thống trị của 3 ứng dụng phổ biến nhất hiện nay: Now, GrabFood và GoFood.

Theo thông tin trên Deal Street Asia, "kỳ lân" Hàn Quốc, Woowa Brothers, đã mua lại Vietnammm, một trong những nền tảng giao đồ ăn đầu tiên của Việt Nam.

Thành lập ngày 21/2/2011, Vietnammm.com ra đời bởi chính nhu cầu của người sáng lập Jochem Lisser, khi ông đang ở Hà Nội, mong muốn đặt vài món ăn online và giao tới tận nơi nhưng không có dịch vụ nào đáp ứng. Hai âm "mm" là viết tắt của "măm măm", một từ, theo lý giải trên website của đơn vị này, thường dùng khi muốn nói đến ăn và phải là ăn ngon một cách trìu mến, say đắm.

Những năm sau, Vietnammm có nhiều bước tiến đáng kế khi liên tiếp mở rộng ra các thành phố lớn tại Việt Nam. Năm 2015, Vietnammm còn mua lại Foodpanda, một đơn vị cũng tham gia ngành giao nhận đồ ăn nhưng chỉ tồn tại được 3 năm cho đến thời điểm phải bán mình.

Với thông tin mua lại Vietnammm, Deal Street Asia cho biết Woowa Brothers sẽ hoạt động tại Việt Nam trong vòng nửa đầu 2019. Tuy nhiên không rõ Vietnammm có phải đổi tên thương hiệu không cũng như Woowa Brothers sẽ tiếp quản theo cách nào.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường giao nhận đồ ăn ghi nhận một số tên tuổi phổ biến như GrabFood, Now, GoFood, Loship, Lalamove. Trong đó, GrabFood, Now và GoFood đang là những "tay chơi" mạnh nhất, tạo nên thế 3 chân đầy giằng co trên thị trường.

Trước đó còn có Lala, một startup giao nhận đồ ăn được đầu tư bởi Scommerce Group. Tuy nhiên cuối năm ngoái, Lala đã lặng lẽ rút lui bằng cách chuyển đổi mô hình kinh doanh từ B2B2C (buiness to business to customer) như trước đây sang B2B (buiness to business), đồng nghĩa với việc không tham gia vào mảng giao nhận đồ ăn nữa.

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020. Trong bối cảnh nhịp sống hiện đại khiến nhiều người có thói quen đặt giao đồ ăn tận nơi, thị trường này đang dần nóng lên từng ngày với tiềm năng khai thác ngày một rộng lớn.

Tuy nhiên, đây không phải một "miếng bánh ngon" khi lợi nhuận trong ngành không cao, ở điều kiện lý tưởng cũng chỉ khoảng 10-12%. Thêm vào đó, thức ăn đòi hỏi việc bảo quản tốt và khắt khe về thời gian giao nhận, lại không thể giao chung với các món hàng khác như quần áo, giày dép.


Theo Nhật Anh

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên