Diễn biến mới việc có người muốn trả 12 tỉ đồng cho vợ Nguyễn Thái Luyện
Đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM xem xét các kháng cáo đã thông tin về việc có người tự nguyện trả 12 tỉ đồng cho vợ Nguyễn Thái Luyện.
- 11-05-2023Vợ Nguyễn Thái Luyện nói về người muốn trả giúp 2.500 tỉ đồng
- 09-05-2023Nguyễn Thái Luyện nhận tội, bất ngờ có người muốn trả giúp 2.500 tỉ đồng
- 08-05-2023Sáng nay, ‘ông trùm’ Alibaba Nguyễn Thái Luyện hầu toà phúc thẩm
Ngày 15-5, phiên xét xử phúc thẩm vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền do Nguyễn Thái Luyện (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Alibaba; tòa sơ thẩm tuyên án tù chung thân) tiếp tục với phần tranh luận.
Trong những ngày xét xử phúc thẩm trước đó, Nguyễn Thái Luyện nhiều lần khẳng định bản thân không kêu oan nữa mà xin tòa án xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và các đồng phạm để sớm được trở về với gia đình.
Các bị cáo tại phiên xét xử
Sau khi Luyện thừa nhận hành vi phạm tội, Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện; tòa sơ thẩm tuyên án 30 năm tù) cũng xin rút kháng cáo kêu oan. Thay vào đó, bị cáo xin được xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Về khắc phục hậu quả vụ án, sau khi "bạn làm ăn" là ông Lê Viết An rút đơn xin trả giúp vợ chồng Luyện gần 2.500 tỉ đồng kèm điều kiện, vợ chồng Luyện cho biết không còn tài sản khác. Tuy nhiên, Luyện cho rằng nếu tòa án đồng ý giải tỏa kê biên thì số tài sản của Công ty Alibaba đủ để Luyện bồi thường thiệt hại cho toàn bộ bị hại trong vụ án.
Trước toà, bị cáo Mai cho biết dù đã "rút thiện chí" khắc phục 2.500 tỉ đồng cho vợ chồng Luyện nhưng ông An vẫn "tự nguyện" trả giúp bị cáo này 12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả tội "Rửa tiền".
Xem xét kháng cáo của Luyện, đại diện VKSND Cấp cao tại TP HCM cho rằng Luyện có vai trò chủ mưu, gây ra hậu quả đặc biệt lớn khi chiếm đoạt hơn 2.446 tỉ đồng của hơn 4.500 khách hàng.
Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện tổng giá trị tài sản mà bị cáo có là 1.600 tỉ đồng, số tiền cần khắc phục còn lại là hơn 800 tỉ đồng, hậu quả thiệt hại này vẫn còn rất lớn.
VKS nhận định tòa án cấp sơ thẩm tuyên hình phạt chung thân đối với bị cáo Luyện là tương xứng. Từ đó, cơ quan thực hành quyền công tố đề nghị tòa phúc thẩm tuyên y án đối với bị cáo này.
Đối với bị cáo Mai, VKSND Cấp cao tại TP HCM nhận định Mai có vai trò giúp sức tích cực cho Luyện thực hiện hành vi phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Về tội "Rửa tiền", Mai được xác định là chủ mưu.
Mặt khác, bị cáo Mai vẫn chưa nộp lại số tiền 12 tỉ đồng để khắc phục hậu quả tội "Rửa tiền". Đến nay, cũng không có ai khác nộp thay bị cáo số tiền này. Do đó, VKS cho rằng không có căn cứ để giảm nhẹ hình phạt đối với bị cáo Mai.
Đại diện VKSND TP HCM còn cho biết thêm, trong quá trình diễn ra phiên xử phúc thẩm, một số bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt đã nộp khắc phục số tiền từ 10-50 triệu đồng.
VKS xét thấy đây là tình tiết mới nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo này. Từ đó, kiểm sát viên đã đề nghị giảm mức án từ 1-3 năm tù so với bản án sơ thẩm đối với các bị cáo trên.
Ngoài ra, VKSND Cấp cao tại TP HCM còn đề nghị chấp nhận kháng cáo của 31 bị hại yêu cầu tăng mức bồi thường so với bản án sơ thẩm tuyên.
Đối với các bị hại yêu cầu nhận đất, yêu cầu "Có lô đất nào lên thổ cư được thì cho xin một lô!" hay yêu cầu được nhận tiền lãi xuất suất ngân hàng từ khi tài sản bị kê biên đến khi giải toả, VKS nhận định không có cơ sở chấp nhận các kháng cáo này.
Theo VKS, hành vi của các bị cáo là lừa đảo chiếm đoạt tiền, án sơ thẩm buộc các bị cáo bồi thường bằng tiền nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu giao đất.
Người lao động