MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện gió ngoài khơi Việt Nam: Những thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài

Điện gió ngoài khơi Việt Nam: Những thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài

Phát triển điện gió ngoài khơi là giải pháp đột phá trong chuyển dịch và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều điểm nghẽn chưa được làm rõ khiến việc khởi động dự án hay thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

Đứng trước xu thế chuyển dịch sang nguồn năng lượng xanh, sạch đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, đặc biệt là sau khi Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26. Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII – PDP8).

Theo đó, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đưa công suất điện gió ngoài khơi ở Việt Nam đạt 6GW vào năm 2030, tầm nhìn 70 - 91,5GW vào năm 2050, chiếm tỷ trọng lần lượt là 4% và 14,3 - 16% trong tổng cơ cấu năng lượng. Các con số này đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với việc khai thác tiềm năng của năng lượng gió ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, đặc biệt đối với nguồn năng lượng xanh và mong muốn đạt được mức độ an ninh năng lượng cao hơn. Bên cạnh mục tiêu phát triển bền vững, phát triển điện gió ngoài khơi còn góp phần tạo ra hàng nghìn việc làm và từng bước hình thành ngành công nghiệp phụ trợ hỗ trợ cho lĩnh lực này.

Cơ hội lớn, nhưng phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn đang tồn tại một số vấn đề chưa được làm rõ về định hướng và lộ trình phát triển; khung chính sách đồng bộ và cơ chế khuyến khích phù hợp cho từng giai đoạn triển khai; chức năng của các Thỏa thuận mua bán điện (PPA), để nguồn năng lượng được sản xuất ra được đảm bảo về mặt tiêu thụ trên thị trường… Đặc biệt là các khía cạnh như tính khả dụng, độ bền của lưới điện quốc gia, các điều khoản về cắt giảm, loại bỏ và chấm dứt, quy chế trọng tài quốc tế và bảng mục tiền tệ cùng nhiều hạng mục khác cũng cần được nghiên cứu và giải quyết.

Việc trì hoãn giải quyết các vấn đề trên cũng vô hình chung khiến một số nhà phát triển cho rằng thị trường Việt Nam có mức độ rủi ro cao và mất đi sự hấp dẫn, họ có thể chuyển hướng đầu tư sang các thị trường khác. Chính vì vậy, dù đã cam kết mạnh mẽ trong việc phát triển năng lượng tái tạo và chào đón các nhà đầu tư nước ngoài, song những vấn đề trên đã trở thành mối lo ngại và thách thức rất lớn khi quyết định “rót” vào khoản đầu tư trị giá hàng tỷ đô la.

“Các nhà đầu tư nước ngoài có thể cung cấp nguồn tài chính quan trọng lên tới hàng tỷ USD để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Điển hình là dự án trang trại điện gió ngoài khơi 3,5GW La Gan ở vùng biển Bình Thuận do CIP đứng đầu phát triển với số vốn đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD. Đây là một nguồn vốn khổng lồ mà chỉ một số ít nhà đầu tư mới có khả năng chi trả”, ông Stuart Livesey, Giám đốc điều hành của La Gan Wind, đồng thời là đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam cho biết.

Có thể thấy rằng, sự rõ ràng và minh bạch trong các quy định là điều cần thiết, giúp mang lại niềm tin lớn hơn cho các nhà phát triển nước ngoài để yên tâm cam kết lâu dài. Tiêu biểu như việc lựa chọn nhà đầu tư nên được trải qua một quy trình cạnh tranh được xác định rõ ràng, đảm bảo tìm kiếm được các nhà phát triển sở hữu năng lực kỹ thuật cao, khả năng tài chính vững vàng và sẵn sàng với các cam kết đầu tư dài hạn. Từ đó, các dự án có thể được bàn giao đúng thời hạn và đảm bảo về mặt ngân sách.

Điện gió ngoài khơi Việt Nam: Những thách thức đối với nhà đầu tư nước ngoài - Ảnh 1.

Ông Stuart Livesey, Giám đốc điều hành La Gan Wind, đại diện của Copenhagen Infrastructure Partners tại Việt Nam

Từ kinh nghiệm phát triển các dự án năng lượng tái tạo ở nhiều nước trên thế giới, ông Stuart Livesey cũng chia sẻ thêm, các quốc gia lớn như Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, Đức và Anh đều đã tận dụng vốn đầu tư và kiến thức từ các chuyên gia nước ngoài để thúc đẩy hành trình phát triển điện gió ngoài khơi. Tương tự đối với thị trường Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cùng đồng hành để đạt được các mục tiêu của Quy hoạch điện VIII.

Việt Nam cần phải nhanh chóng hành động, triển khai thực tiễn để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thiết lập một ngành công nghiệp năng lượng gió ngoài khơi phát triển mạnh.

“Với tầm nhìn dài hạn và chuyên môn quốc tế, Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) cam kết sẽ hỗ trợ thị trường Việt Nam, chia sẻ kiến thức, tối ưu hóa và nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực trong nước, thúc đẩy phát triển chuỗi cung ứng và góp phần thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII”, ông Stuart Livesey khẳng định.

Thục Trinh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên