MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện mặt trời mù mờ đường ra

Với cơ chế đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời, cơn sốt đầu tư tràn lan vào lĩnh vực này có thể hạ nhiệt.

Theo nguồn tin từ ngành điện, trong cuộc họp gần đây nhất của Chính phủ về phát triển điện mặt trời, cơ chế áp dụng giá điện cố định cho từng vùng như các bản dự thảo giá điện mặt trời được trình đã bị loại bỏ.

Xu thế tiến bộ

Thay vào đó, các dự án sau này sẽ chuyển hẳn sang thực hiện theo hình thức đấu thầu công khai, minh bạch, cạnh tranh để giảm giá mua điện từ các dự án điện mặt trời. Chỉ có một vài dự án đã ký hợp đồng mua bán điện và đang triển khai thi công xây dựng đưa vào vận hành trong năm 2020 có thể được xem xét áp dụng biểu giá cố định (FIT).

Thông tin trên được hầu hết chuyên gia trong ngành bày tỏ đồng tình bởi tính ưu việt của nó. GS-TS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nêu quan điểm trong xu thế điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo ngày càng phát triển mạnh mẽ, công nghệ phục vụ cho ngành này sẽ tiến bộ và hạ giá thành rất nhanh. Do đó, ban hành một biểu giá FIT cho một thời gian dài là không hợp lý.

"Nhà đầu tư luôn mong muốn có giá điện hợp lý. Nhưng đưa ra một mức giá ngày hôm nay là hợp lý, tới hôm sau sẽ không còn do các chi phí đầu tư giảm dần. Theo tôi, phù hợp nhất là xây dựng cơ chế đấu thầu để mời nhà thầu có mức giá đầu tư tốt nhất vào, từ đó có giá thành điện hợp lý, giảm gánh nặng lên bài toán giá bán lẻ điện cho người dân. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới" - ông Long nói.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đánh giá ưu điểm của cơ chế đấu thầu là khi lập hồ sơ mời thầu sẽ tính cụ thể được suất đầu tư, tổng mức đầu tư, tỉ suất lợi nhuận của dự án và đưa ra được mức giá hợp lý. Ngoài ra, việc nêu rõ trong hồ sơ mời thầu các vấn đề liên quan đến tài chính, kỹ thuật, tiến độ… sẽ góp phần tối ưu hóa trong lựa chọn nhà thầu, tránh được tình trạng phát triển tràn lan, gây áp lực lên lưới truyền tải điện cũng như giá điện.

PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học năng lượng thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cũng nhấn mạnh đấu thầu là hình thức tốt nhất để bảo đảm tính khách quan trong lựa chọn các dự án điện mặt trời. Đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào ngành điện Việt Nam, tận dụng được hiệu quả nguồn vốn xã hội hóa trong bối cảnh ngân sách dành cho đầu tư công ngày càng eo hẹp.

Điện mặt trời mù mờ đường ra - Ảnh 1.

Một số nhà đầu tư đang án binh bất động, “bỏ chạy” hoặc bán lại dự án điện mặt trời vì đến nay Chính phủ vẫn chưa chốt phương án giá mua điện

Nhà đầu tư hoang mang

Tuy nhiên, việc triển khai nhuần nhuyễn cơ chế đấu thầu cho các dự án điện mặt trời không hề dễ. Trong đó, vướng mắc nhất nằm ở vấn đề pháp lý. Một chuyên gia trong ngành điện cho biết hiện pháp luật không có quy định về việc đấu thầu các dự án điện nên nếu thực hiện sẽ trái pháp luật. Chính phủ muốn thực hiện được cơ chế đấu thầu trong lựa chọn các dự án điện mặt trời cần tham mưu và trình Quốc hội các phương án tháo gỡ về mặt pháp lý, chẳng hạn như sửa, bổ sung luật. Chỉ khi đó, cơ chế đấu thầu mới được phê duyệt.

Ông L.A.T, chủ một doanh nghiệp tư nhân trong ngành điện, bày tỏ lo lắng khi nguy cơ thiếu điện đang cận kề và có khả năng diễn biến rất trầm trọng. Nếu hàng loạt dự án điện mặt trời bị đình trệ lại để chờ ban hành chính sách sẽ không có nguồn điện bổ sung phục vụ nhu cầu điện tăng trưởng 10%/năm. Ngay cả khi chính sách được ban hành sớm và các vấn đề pháp lý được tháo gỡ thì quy trình chuẩn bị cho đấu thầu cũng sẽ rất dài và phức tạp. Chưa kể, để phục vụ cho công tác đấu thầu, nhà nước phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ chuẩn bị hạ tầng, bàn giao đất sạch, tổ chức nhiều công việc liên quan khác.

"Tôi cho rằng ban đầu chỉ nên thí điểm đấu thầu song song với hình thức biểu giá cũ. Sau thời gian thí điểm, nếu có hiệu quả thì chuyển toàn bộ sang cơ chế đấu thầu. Như vậy, vừa thử nghiệm được một hình thức mới vừa không làm chậm tiến độ các dự án dở dang. Với các dự án đang trong quá trình thi công, cần áp dụng cơ chế cũ để tránh gây thiệt hại cho doanh nghiệp" - ông T. góp ý.

Nhiều chuyên gia còn cảnh báo làn sóng chạy đua để hoàn tất thi công và vận hành thương mại trong năm 2020 để tránh bị chuyển sang cơ chế đấu thầu. Nguyên nhân nằm ở chỗ chủ đầu tư của hơn 45 dự án dở dang này đã bỏ ra không ít chi phí cũng như công sức để đầu tư dự án từ khâu lựa chọn địa điểm, giải phóng mặt bằng, trang bị kỹ thuật… Cuộc chạy đua này có thể tiếp tục "uy hiếp" khả năng truyền tải điện của hệ thống, trong khi vấn đề đầu tư lưới điện khó khăn, tốn nhiều thời gian… đã được nhắc đến không ít lần.

Một câu chuyện khác cũng được một chuyên gia (đề nghị không nêu tên) chỉ ra là các nhà đầu tư quy mô nhỏ và vừa của Việt Nam hầu hết đều vay ngân hàng với lãi suất 10%-11% và theo tính toán, hơn 60% doanh thu từ bán điện mặt trời sẽ dành cho trả lãi. Khi đó, các nhà đầu tư từ Trung Quốc hoặc một số quốc gia có lợi thế về vốn rẻ khác có thể thao túng các dự án năng lượng sạch của Việt Nam.

Không dám đấu thầu vì giá đất nhảy múa

Một chuyên gia ngành điện cho hay đến nay một số nhà đầu tư đang án binh bất động hoặc "bỏ chạy", bán lại dự án điện mặt trời. Nguyên nhân bởi Chính phủ vẫn chưa chốt phương án giá mua điện mặt trời và Bộ Công Thương yêu cầu ngưng mọi thỏa thuận đối với dự án điện mặt trời theo cơ chế giá FIT, cùng động thái chuyển sang cơ chế đấu thầu. "Các nhà đầu tư hoang mang bởi nếu áp dụng cơ chế này trong điều kiện giá bất động sản nhảy múa như hiện nay, các địa phương không có quy hoạch, cũng không có đất sạch để giao cho nhà đầu tư làm dự án sẽ không có nhà đầu tư nào dám liều lĩnh nhảy vào đấu thầu" - vị chuyên gia này nói.

T.Nhân

Theo Phương Nhung

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên