MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điện thoại, máy tính điện tử mang về nhiều ngoại tệ nhất cho Việt Nam

07-08-2017 - 17:34 PM | Thị trường

Hai nhóm hàng điện thoại và máy tính linh kiện điện tử xuất khẩu đã mang về cho Việt Nam 31,05 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017, chiếm 32% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.

Điện thoại các loại và linh kiện đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu cả nước

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước đạt 97,72 tỷ USD; trong đó riêng nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện chiếm gần 20%, đạt xấp xỉ 19,5 tỷ USD – đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước, tăng trưởng 15% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Sản phẩm điện thoại và linh kiện không những là mặt hàng giữ vững về mức tăng trưởng xuất khẩu cao mà còn đóng góp đáng kể trong việc giảm nhập siêu của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay. Bởi lẽ, cùng thời gian trên, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện cả nước chỉ đạt 6,2 tỷ USD.

Nếu giữ đà tăng trưởng này, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện cả nước trong năm nay có thể cán mốc 40 tỷ USD, vượt xa kết quả của năm 2016.

Có 5 thị trường tỷ USD đứng đầu về tiêu thụ các loại điện thoại của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm; trong đó đứng đầu là Hoa Kỳ đạt 2,05 tỷ USD (giảm 0,95% so với cùng kỳ năm 2016). Tiếp đến thị trường U.A.E đạt 1,92 tỷ USD (giảm 13,7%); Hàn Quốc đạt 1,71 tỷ USD (tăng 28%); Áo đạt 1,11 tỷ USD (tăng 16,3%); Hồng Kông 1,11 tỷ USD (tăng 45%).

Điều đáng chú ý là thị trường Hàn Quốc – nơi sản sinh ra những thương hiệu điện thoại hàng đầu thế giới như Samsung, LG,... trong 6 tháng đầu năm nay cũng nhập khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện từ Việt Nam tăng trưởng đến 28% so với cùng kỳ năm 2016.

Xuất khẩu điện thoại sang các thị trường 6 tháng đầu năm 2017

Campuchia là thị trường đáng chú ý nhất về mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu vượt trội trong 6 tháng đầu năm nay; mặc dù kim ngạch chỉ đạt 14,03 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ thì tăng đột biến tới gần 35 lần (tức tăng 3.388% về kim ngạch).

Bên cạnh đó, xuất khẩu sang rất nhiều thị trường cũng đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Braxin (tăng 102%, đạt 408,29 triệu USD); Colombia (tăng 83%, đạt 152,6 triệu USD); Nhật Bản (tăng 187,5%, đạt 466,12 triệu USD); Đài Loan (tăng 65%, đạt 181,23 triệu USD).

Xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng vượt trội

Bên cạnh nhóm hàng điện thoại, thì nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng là nhóm hàng xuất khẩu chủ đạo mang về một lượng ngoại tệ lớn cho Việt Nam.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt gần 11,56 tỷ USD, tăng mạnh 45,8% so với cùng kỳ năm trước, nhóm hàng này chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại của cả nước.

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc, đạt gần 2,85 tỷ USD, tăng rất mạnh 99,6% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường lớn thứ 2 là Hoa Kỳ, đạt 1,34 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến thị trường Hà Lan, đạt 949,32 tỷ USD, tăng 22,6%.

Xuất khẩu máy vi tính điện tử sang các thị trường 6 tháng đầu năm 2017

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu máy vi tính, điện tử sang hầu hết các thị trường đều tăng kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó nổi bật nhất là thị trường Hungari tuy kim ngạch chỉ đạt 20,6 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái thì tăng đột biến tới 17,5 lần (tức tăng 1.645%); bên cạnh đó là một số thị trường cũng tăng mạnh trên 100% về kim ngạch như: Slovakia (tăng 989%, đạt 134,52 triệu USD), Phần Lan (tăng 624%, đạt 1,81 triệu USD), Thổ Nhĩ Kỳ (tăng 403%, đạt 236,42 triệu USD), Braxin (tăng 212%, đạt 128,25 triệu USD), Malaysia (tăng 200%, đạt 687,02 triệu USD), Bỉ (tăng 172%, đạt 19,09 triệu USD).

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2017 đạt hơn 16,3 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm trước.

Thùy Linh

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên