MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều ẩn chứa sau cái bắt tay lịch sử của Kim Jong-un và Tập Cận Bình

11-05-2018 - 08:28 AM | Tài chính quốc tế

Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều nhận ra rằng hai bên không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc hợp tác với nhau trong các vấn đề liên quan.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Trung Quốc trong hai ngày 7-8/5 và có cuộc hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại thành phố Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc. Đây là chuyến thăm thứ 2, diễn ra sau chỉ hơn 40 ngày của nhà lãnh đạo Triều Tiên tới Trung Quốc. Chuyến thăm lần này của ông Kim Jong-un cũng khá bất ngờ, không chỉ nhằm mục đích thắt chặt quan hệ song phương, mà quan trọng hơn là tăng đòn bẩy cho Triều Tiên trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Điều ẩn chứa sau cái bắt tay lịch sử của Kim Jong-un và Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Trung Quốc. Ảnh: New China.

Triều Tiên toan tính gì?


Quan hệ hai nước đã gặp nhiều sóng gió thời gian qua do việc Bắc Kinh tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, tảng băng giữa Trung Quốc và Triều Tiên dường như không còn nữa khi lãnh đạo Triều Tiên tới thăm Trung Quốc 2 lần trong hơn 1 tháng. Việc một lãnh đạo Triều Tiên liên tục đến Trung Quốc như ông Kim Jong-un là chưa có tiền lệ trong thời hiện đại, nhà phân tích Cheng Xiaohe bình luận. Phía Trung Quốc cho biết, ông Kim Jong-un đã cam kết phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, còn truyền thông Triều Tiên nói rằng, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vui vẻ nhận lời mời thăm Triều Tiên trong thời gian tới.

Chuyên gia nghiên cứu Wang Peng tại Viện Charhar, Bắc Kinh cho rằng, Triều Tiên đang muốn nhận sự hỗ trợ của Trung Quốc để củng cố vị thế của mình trước cuộc gặp Tổng thống Donald Trump: “Họ muốn nhanh chóng làm ấm quan hệ với Trung Quốc để có nhiều thời gian hơn trong việc xử lý quan hệ với Mỹ. Họ sẽ tự tin hơn về một kết quả tốt đẹp tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới”.

Thêm vào đó, quyết định của Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm ông John Bolton – người vốn có quan điểm cứng rắn đối với Triều Tiên vào vị trí Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cũng khiến Triều Tiên lo ngại. “Có vẻ như Triều Tiên chưa sẵn sàng đối thoại với Mỹ mà không có sự trợ giúp từ đồng minh lâu năm Trung Quốc”, chuyên gia Han Suk-hee tại Đại học Yonsei cho biết.

Thực ra khôi phục quan hệ với Trung Quốc sẽ mang lại cho ông Kim Jong-un nhiều quyền thương lượng hơn tại Hội nghị Thượng đỉnh với Mỹ. Khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phi hạt nhân hóa một cách minh bạch và rõ ràng thì nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng cần Mỹ phải đảm bảo an ninh và không thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc quân sự đối với Triều Tiên, song song với việc bình thường hóa quan hệ.

Một quan chức của chính phủ Hàn Quốc nhận định, Triều Tiên đang thực hiện một số động thái phức tạp. Nước này dường như muốn gửi đi thông điệp rằng “Triều Tiên sẽ được sự hậu thuẫn của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Mỹ. Triều Tiên muốn đảm bảo rằng Trung Quốc có thể giúp nước này đối phó với những phản ứng không mong muốn từ phía Mỹ nếu Hội nghị Thượng đỉnh sắp tới không mang lại kết quả khả quan”.

Ngoài mục đích nêu trên, chuyến thăm lần này của ông Kim Jong-un còn mang đến hy vọng Trung Quốc sẽ chấm dứt hay ít ra nới lỏng lệnh biện pháp trừng phạt đã thực thi đối với Triều Tiên. Trung Quốc từ lâu là nhà tài trợ kinh tế và năng lượng lớn nhất từ nước ngoài cho Triều Tiên. Trong hơn 1 năm qua, kinh tế Triều Tiên đã bị tổn thương nghiêm trọng do chịu ảnh hưởng của chính sách tăng cường siết chặt lệnh cấm vận kinh tế do Mỹ đề xuất và được sự ủng hộ của Trung Quốc. Dù rằng thời điểm hiện tại chưa có thông tin cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra cam kết hoặc thông báo cho thấy ý định tiết giảm các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên, song một số nhà quan sát nhận định, nhiều khả Trung Quốc sẽ cho phép nối lại một số giao dịch, trao đổi thương mại trong khuôn khổ nhất định với Triều Tiên.

Toan tính của Triều Tiên khiến Mỹ mất ảnh hưởng tại Đông Bắc Á? VOV.VN - Giới quan sát cho rằng, các bước đi nhằm khôi phục lòng tin giữa hai miền Triều Tiên nhiều khả năng làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á.

Trung Quốc gạt được mối lo ngại

Cả Trung Quốc và Triều Tiên đều ở vị trí mà hai bên nhận ra rằng không có sự lựa chọn nào tốt hơn ngoài việc hợp tác với nhau trong xử lý những vấn đề liên quan. Trung Quốc đã từng lo ngại nước này bị đứng ra ngoài lề khi quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc ấm lên và thượng đỉnh Mỹ-Triều đang tới gần. Vì thế, chuyến thăm này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã phần nào gạt bỏ được mối quan ngại trên.

Các chuyên gia cho rằng, đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chuyến thăm của ông Kim Jong-un chính là sự đảm bảo Trung Quốc sẽ không bị loại khỏi bất cứ thỏa thuận nào giữa Mỹ và Triều Tiên. "Cuộc gặp thứ hai này chứng minh rằng Triều Tiên muốn Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trong quá trình phi hạt nhân hóa", chuyên gia Cheng tại Đại học Renmin đánh giá.

Cựu giám đốc về các vấn đề châu Á của Hội đồng An ninh Quốc Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể đứng ngoài các cuộc đàm phán song phương giữa hai miền Triều Tiên và giữa Washington với Bình Nhưỡng nhưng họ phải là một bên trong đàm phán chi tiết về phi hạt nhân hóa. Cụ thể là Trung Quốc muốn đảm bảo rằng bất kỳ tiến trình nào nhằm kết thúc chiến tranh Triều Tiên và thay thế thỏa thuận đình chiến hiện thời bằng Hiệp ước Hòa bình đều phải có sự tham gia chủ động của Trung Quốc, đồng thời tính đến những mối quan ngại và lợi ích của Trung Quốc.

“Nhìn một cách khách quan, Trung Quốc ảnh hưởng lớn đến Triều Tiên và đang hỗ trợ Triều Tiên thực hiện các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ. Nếu Châu Á có thể thiết lập một hiệp định hòa bình, sẽ không có lý do cho lực lượng Mỹ hiện diện trên Bán đảo Triều Tiên. Vì thế vị thế của Mỹ chắc chắn sẽ suy yếu và điều này cũng phù hợp với tính toán của Trung Quốc”, hãng tin Sputnik dẫn lời chuyên gia phân tích Chris Black cho biết./.

Theo Hồng Anh

VOV

Trở lên trên