Điều cần chú ý trong xu hướng tăng lãi suất và việc cho phép phát hành trái phiếu đảo nợ ở NĐ65
Theo chuyên gia, lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.
- 22-09-2022VCSC chỉ ra 8 thay đổi đáng chú ý về chào bán trái phiếu: NĐ65 sẽ "hâm nóng" lại thị trường TPDN sau nhiều tháng đình trệ
- 22-09-2022"Kỳ lạ" một công ty đúc chì: Đi mượn gần 13.000 tỷ rồi cho vay 14.000 tỷ, vừa phát hành gần 1.300 tỷ đồng trái phiếu
Tăng lãi suất - Sự khác biệt giữa Việt Nam và Mỹ
Tại toạ đàm đầu tư “Dòng Tiền” mới đây, TS.Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhận xét: “Việc tăng lãi suất là phù hợp xu hướng chung của thế giới”.
Tuy nhiên theo chuyên gia, có sự khác biệt cơ bản về ảnh hưởng của việc tăng lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ. Tại thị trường Mỹ, việc tăng lãi suất rất nhạy cảm, bởi lẽ dòng vốn tín dụng của ngân hàng sở tại chủ yếu cấp cho người dân, cho chi tiêu cuộc sống. Do đó, lãi suất tăng khiến người dân Mỹ quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến họ.
Ở Việt Nam, đối tượng chính của dòng vốn tín dụng là doanh nghiệp. Trong đó, cơ cấu dòng vốn cho kinh doanh đang thiên về nhóm bất động sản, xây dựng. Đây cũng là các doanh nghiệp bị điểm tên và cảnh báo nhiều trước việc tăng lãi suất.
Dù vậy, theo ông Lực, song song với tăng lãi suất thì Nghị định 65 mới liên quan đến thị trường trái phiếu đang mở ra cơ hội huy động vốn mới cho doanh nghiệp.
Nghị định 65 cho phép DN phát hành trái phiếu đảo nợ
Tại Nghị định 65, thêm một mục đích phát hành trái phiếu doanh nghiệp được cho phép, đó là “tái cơ cấu nợ của doanh nghiệp”, trong khi Nghị định 153 (cũ) không nêu.
Ngoài ra, một thông tin thay đổi cũng đáng chú ý với thị trường trái phiếu là đối tượng “nhà đầu tư chuyên nghiệp”. So với Nghị định 153, quy định mới nêu cụ thể nhà đầu tư chuyên nghiệp phải là nhà đầu tư có giá trị chứng khoán 2 tỷ đồng trong vòng 6 tháng liên tiếp (quy định cũ chỉ tính trên đơn vị ngày).
Chưa kể, chứng chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng phải tái định kỳ 3 tháng một lần, điều này siết chặt hơn và đảm bảo nhà đầu tư tham gia có tiềm lực thực sự về tài chính cũng như kinh nghiệm trên thị trường.
Nhìn chung, những động thái mới hiện nay theo chuyên gia là phù hợp thực tế; đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam dưới góc nhìn quốc tế như một ngôi sao đang đi lên.
Ghi nhận, 5 tháng qua hầu hết các tổ chức quốc tế đều nâng hạng tín nhiệm với Việt Nam, chúng ta còn được đánh giá là 1 trong 2 quốc gia đứng đầu toàn cầu về độ phục hồi kinh tế. GDP 6 tháng đầu năm cũng ghi nhận đạt 6,4% với các chỉ số FDI, xuất khẩu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái, đặc biệt là lạm phát vẫn được kiểm soát tốt.
Dù vậy, trở lại với câu chuyện dòng vốn huy động không còn rẻ, thị trường còn chịu thêm áp lực của 120.000 tỷ trái phiếu đến hạn trong năm nay, và dự báo tăng gấp đôi sang năm 2023-2024.
Lãi suất tăng sẽ thanh lọc thị trường
Dưới góc nhìn của giới đầu tư, ông Nguyễn Đức Hải – Giám Đốc Đầu Tư Cấp cao – Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Investment – nhận định: “Khi lãi suất tăng lên thì chi phí cơ hội của việc đầu tư cũng sẽ tăng lên và các nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc rất nhiều khi bỏ tiền vào những kênh rủi ro. Điều đó làm giảm dòng tiền đầu tư. Còn về phía doanh nghiệp, lãi suất tăng lên sẽ khiến chi phí vốn tăng lên, làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp và khiến các doanh nghiệp cũng sẽ phải cân nhắc nhiều hơn khi muốn mở rộng sản xuất kinh doanh”.
Về tổng thể, theo ông Hải môi trường lãi suất cao sẽ thanh lọc thị trường và chỉ những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả cao mới trụ vững và phát triển.
Trên thị trường chứng khoán, do các thành viên tham gia thị trường rất đa dạng với nhiều kỳ vọng khác nhau nên trong ngắn hạn các yếu tố tâm lý, hành vi thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, trong dài hạn khi những yếu tố hành vi, tâm lý ngắn hạn qua đi thị trường sẽ vận động theo những yếu tố cơ bản và mang lại giá trị cho những nhà đầu tư đủ kiên nhẫn.
Theo đánh giá từ Bloomberg, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt trong năm nay với mức dự báo tăng trưởng EPS là 19,89% trong năm 2022.
Nhịp sống thị trường