MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều đáng tiếc nhất khi TPP không thành

27-01-2017 - 19:48 PM | Tài chính quốc tế

TPP ấp ủ tham vọng về một bộ tiêu chuẩn mới cho các hiệp định tự do thương mại, động chạm đến những vấn đề gai góc nhất mà các hiệp định từ trước đến nay chưa từng đề cập đến.

Hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất thế giới đã “chết lâm sàng”. Vừa mới nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bao gồm 12 thành viên đều là các nước nằm 2 bên bờ Thái Bình Dương trong đó có những nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Canada, TPP bao phủ tới gần 40% GDP toàn cầu. Tuy nhiên ông Trump lại gọi đó là một “thỏa thuận tồi tệ”, là “thảm họa tiềm tàng đe dọa nước Mỹ”. Ngược lại, những người ủng hộ TPP cho rằng đây là một bước tiến lớn so với các hiệp định đang tồn tại và sẽ đem lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho nước Mỹ.

Vậy thì quan điểm nào mới là đúng và điều gì đang xảy ra?

Đo đếm chính xác những tác động của một hiệp định đã có hiệu lực đã là điều rất khó khăn. Dự đoán ảnh hưởng của một hiệp định chưa đi vào hoạt động còn khó khăn hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế sẽ đồng ý với hai nhận định sau.

Thứ nhất, TPP giúp các nước thành viên tăng trưởng. Một loạt nghiên cứu độc lập cho thấy Mỹ sẽ thu lợi nhiều nhất nếu tính toán giá trị theo đồng USD và những thị trường mới nổi (mà đặc biệt là Việt Nam) sẽ hưởng lợi nhiều nhất nếu đặt trong mối tương quan với quy mô nền kinh tế.

Thứ hai, trong khi nhìn chung thì các hiệp định tự do thương mại giúp các nước giàu có hơn, một số ngành và khu vực địa lý sẽ chịu những ảnh hưởng tiêu cực không hề nhỏ. Hơn nữa, nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng những tác động tiêu cực thường kéo dài lâu hơn so với những nhận định mà những người lạc quan đưa ra. Nói cách khác, TPP có thể giúp thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng những người nghĩ rằng đây là một hiệp định tồi tệ cũng không phải không có lý.

Chỉ nhìn vào những tác động lên GDP cũng là cái nhìn quá hạn hẹp bởi hiệp định này mang tầm nhìn chiến lược. Mỹ và các nước từ Australia đến Singapore hi vọng rằng TPP sẽ là một trong những phương tiện để định hình cấu trúc thương mại quốc tế ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

TPP còn ấp ủ tham vọng về một bộ tiêu chuẩn mới cho các hiệp định tự do thương mại. Thay vì tập trung vào cắt giảm thuế quan (hiện đang ở mức rất thấp trong nhóm các nước phát triển) như các hiệp định truyền thống, TPP chuyển sang những vấn đề gai góc hơn như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động, các quy định bảo vệ môi trường. Lần đầu tiên trong lịch sử có một hiệp định thương mại đưa ra các biện pháp hạn chế sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước.

Sự sụp đổ của TPP tạo ra một khoảng trống lớn ở châu Á. Mục tiêu của Barack Obama khi thúc đẩy TPP là xoay trục sang châu Á, nâng tầm ảnh hưởng của Mỹ đối với khu vực quan trọng này. Tuy nhiên ước nguyện ấy đã không thành và bị xói mòn bởi chủ nghĩa bảo hộ mà ông Donald Trump đang muốn theo đuổi.

Về mặt lý thuyết, 11 thành viên còn lại có thể tự mình xây dựng TPP. Nhưng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nói TPP sẽ “vô nghĩa” nếu thiếu Mỹ. Giới quan sát đang dự đoán Trung Quốc sẽ chớp lấy cơ hội này để giành lấy vai trò dẫn dắt kinh tế châu Á.

Thực tế là Trung Quốc cũng đang thúc đẩy một hiệp định thương mại tự do mang tên RCEP và hiệp định này cũng sắp hoàn thành. Tuy nhiên quyền lực không dễ dàng dịch chuyển về phía Trung Quốc. Nhiều nước lo ngại thế mạnh xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở thành điểm khởi đầu tệ hại khi các nước bước vào bàn đàm phán. Trung Quốc có thái độ bảo thủ hơn hẳn so với Mỹ, đặc biệt là khi chạm đến khía cạnh luật lệ quản lý – đặc điểm tân tiến nhất, quan trọng nhất của TPP. Thay vào đó các nước châu Á sẽ phải xây dựng các hiệp định song phương và đây là công việc phức tạp gấp bội phần.

Khoảng trống mà Mỹ để lại không chỉ quá lớn mà còn rất khó để lấp đầy.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên