MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều gì diễn ra ở nơi được coi là đáng sống hàng đầu thế giới khi hơn 30 tài phiệt "bỏ đi" chỉ trong 1 năm?

10-05-2023 - 13:40 PM | Tài chính quốc tế

Na Uy – quốc gia vốn nổi tiếng với cuộc sống sung túc và môi trường trong lành - đã xảy ra một cuộc "tháo chạy" của giới siêu giàu sau khi chính phủ nước này tăng thuế đánh vào tài sản của người giàu.

Điều gì diễn ra ở nơi được coi là đáng sống hàng đầu thế giới khi hơn 30 tài phiệt "bỏ đi" chỉ trong 1 năm? - Ảnh 1.

Theo trang tin 163 (Trung Quốc), Na Uy - quốc gia nhỏ bé với dân số vỏn vẹn 5,4 triệu người - đã mất hơn 30 nhà tài phiệt trong vòng 1 năm, bao gồm cả người nộp thuế cao nhất năm qua.

Về vấn đề này, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Na Uy kêu gọi những người giàu cần "tuân theo các giá trị truyền thống của Na Uy" và quay trở về để cống hiến cho nước nhà.

Các nhà kinh tế học nhận định rằng bất kể các chính trị gia và các nhà tài phiệt đúng hay sai, những người dân thường đang cần tìm công việc mới là những nạn nhân thực sự.

Thuế tài sản tăng lên 1,1% đối với người giàu

Theo trang tin 163, với mức thuế mới do chính phủ liên minh trung tả của Na Uy đặt ra, giới siêu giàu nước này đang phải trả những khoản thuế tài sản khổng lồ ở cả cấp quốc gia và địa phương.

Vào tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Na Uy đã áp dụng mức thuế quốc gia là 0,4% đối với các cá nhân có tài sản vượt quá 20 triệu krone (khoảng 1,9 triệu USD) hoặc các cặp vợ chồng có tài sản vượt quá 40 triệu krone, cộng với mức thuế địa phương là 0,7%, thuế đánh vào tài sản của giới siêu giàu ở Na Uy lên tới 1,1%.

Để thoát khỏi mức thuế cao, nhiều nhà tài phiệt đã rời Na Uy đến các quốc gia có mức thuế thấp hơn đã đạt mức kỷ lục.

Theo thống kê của giới truyền thông tài chính Na Uy, hơn 30 nhà tài phiệt đã rời khỏi Na Uy trong 1 năm qua, vượt tổng số người giàu rời khỏi đất nước này trong 13 năm qua. Theo xu hướng hiện tại, dự kiến sẽ vẫn tiếp tục có nhiều người giàu rời đi vào cuối năm 2023 và chính phủ Na Uy sẽ thất thu hàng triệu USD tiền thuế mỗi năm.

Theo trang tin 163, nhiều người Na Uy "tháo chạy" đã chuyển đến Thụy Sĩ, nơi có mức thuế thấp hơn nhiều, và thậm chí còn thành lập các cộng đồng dân cư nhỏ ở đó.

Erland Kolstad - một nhà đầu tư vào lĩnh vực bất động sản bán lẻ và nuôi cá hồi với khối tài sản khoảng 1,5 tỷ krone (142 triệu USD), đã chuyển từ Bodo ở phía bắc Na Uy đến Lucerne ở Thụy Sĩ. Kolstad nói với truyền thông Na Uy rằng, khi mới đến Thụy Sĩ, ông không có bạn bè ở đó, "nhưng bây giờ chúng tôi có một vài người Na Uy ở đây, nên thỉnh thoảng chúng tôi gặp nhau và uống cà phê."

"Rời khỏi Na Uy không phải là điều tôi muốn, nhưng chính sách thắt lưng buộc bụng và tăng thuế của chính phủ hiện tại khiến cho tôi không có lựa chọn nào khác" . Kolstad cho biết, luật thuế mới có nghĩa là ông phải trả hơn 6 triệu krone (570.000 USD) tiền thuế tài sản và 10 triệu krone (947.000 USD) tiền thuế cổ tức, vì lãi vốn cũng sẽ bị đánh thuế.

Người nộp thuế nhiều nhất cũng gửi thư chia tay

Theo trang tin 163, Kjell Inge Rokke - một tỷ phú khởi nghiệp từ ngành đánh bắt cá, là người giàu thứ tư ở Na Uy với khối tài sản khoảng 19,6 tỷ krone (1,86 tỷ USD) – đã chuyển đến thành phố Lugano của Thụy Sĩ. Thị trấn nhỏ với cư dân nói tiếng Ý ở mũi phía nam của Thụy Sĩ này gần hồ Como và kinh đô thời trang Milan của Ý.

Điều gì diễn ra ở nơi được coi là đáng sống hàng đầu thế giới khi hơn 30 tài phiệt "bỏ đi" chỉ trong 1 năm? - Ảnh 2.

Tỷ phú Kjell Inge Rokke: Ảnh: NTB

Kjell Inge Rokke, 64 tuổi, là người nộp thuế cao nhất Na Uy năm ngoái và việc ông “chuyển chỗ ở” sẽ khiến Na Uy thất thu khoảng 175 triệu krone (16,6 triệu USD) tiền thuế mỗi năm.

Truyền thông Na Uy tính toán rằng, kể từ năm 2008, Rokke đã nộp thuế khoảng 1,5 tỷ krone (142 triệu USD). Trên trang web của công ty mình, Rokke cũng đã gửi một bức thư ngỏ tới các đồng nghiệp, cổ đông và người dân Na Uy về lựa chọn định cư tại Thụy Sĩ của mình.

Ông Rokke viết: "Sau rất nhiều năm, thật khó để tưởng tượng việc tôi rời khỏi đây, nhưng cuối cùng tôi đã quyết định chuyển đến Thụy Sĩ. Tôi đã có nhiều quyết định đúng và sai trong đời, nhưng tôi chưa bao giờ hối hận khi đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền kinh tế Na Uy, tôi vô cùng tự hào về những thành tựu mà tôi đã đạt được cũng như những ảnh hưởng đối với xã hội".

"Tôi chọn Lugano làm nơi ở mới, đó không phải là nơi rẻ nhất, cũng không phải nơi đánh thuế thấp nhất. Nhưng đổi lại, đó là một nơi tuyệt đẹp ở trung tâm châu Âu. Một điều mà đại dịch đã dạy tôi là khoảng cách vật lý không phải là một yếu tố quan trọng để hoàn thành công việc. Công ty của tôi sẽ vẫn hoạt động ở Na Uy và những người cần tìm tôi sẽ chỉ cần nhấp chuột", Rokke viết tiếp.

Quan chức Na Uy kêu gọi các nhà tài phiệt hồi hương

Erling Grimstad - Quốc vụ khanh Bộ Tài chính Na Uy - đã công khai kêu gọi rằng, ông hy vọng giới nhà giàu Na Uy sẽ "hồi hương càng sớm càng tốt".

Ông Grimstad nói: "Nếu bạn trở nên thành công và giàu có ở Na Uy, chúng tôi muốn bạn ở lại và tiếp tục tham gia xây dựng xã hội Na Uy. Chúng tôi khuyến khích người Na Uy thành công trong việc tạo ra giá trị và trở nên giàu có nhờ điều đó".

"Chúng tôi tin rằng, mô hình Na Uy với hệ thống phúc lợi công cộng mạnh mẽ và tiêu chuẩn giáo dục cao là những yếu tố quan trọng để đạt được thành công này. Mô hình truyền thống ở Na Uy là mọi người nên đóng góp theo khả năng của mình, vì vậy những người có khả năng đóng thuế cao hơn nên đóng nhiều hơn một chút” , ông Grimstad nói thêm.

Ole Jemsa - giáo sư tại Trường Kinh doanh Na Uy - ước tính rằng, những người đã rời khỏi Na Uy có tổng tài sản ít nhất là 600 tỷ krone (56,9 tỷ USD).

"Theo tôi, điều này gây tổn hại cho nền kinh tế giống như Brexit. Tại Na Uy chưa từng xảy ra hiện tượng này trước đây, và số lượng lớn doanh nhân di cư ra nước ngoài gây sốc" , ông Jemsa nói.

Về việc ai phải chịu trách nhiệm chính cho việc tháo chạy vốn, giáo sư Jemsa nhận định: "Một số chính trị gia đổ lỗi cho những người giàu không nên rời đi, nhưng tôi nghĩ nhiều người bình thường không quan tâm đến việc ai đúng ai sai. Người dân không muốn thấy cảnh các nhà đầu tư và doanh nhân giỏi nhất của chúng ta rời đi, và việc tăng thuế đối với các doanh nghiệp vào thời điểm rất cần tạo ra công ăn việc làm đang làm khó người dân".

Theo US News and World Report năm 2022, Na Uy đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng quốc gia đáng sống nhất thế giới. Đất nước này thịnh vượng, an toàn an ninh, chính sách ổn định và hệ thống giáo dục công phát triển.

Na Uy cũng là một trong những quốc gia phát triển nhất trên thế giới, với mức sống cao và nổi tiếng là một trong những nơi tốt nhất để sinh sống. Đất nước này cũng được coi là một quốc gia tuyệt vời để làm việc ở châu Âu, với các chính sách nổi bật như chế độ nghỉ thai sản và bình đẳng giới. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và tiền lương cạnh tranh, đặc biệt đối với những người có bằng cấp cao.

Theo Hữu Hiển

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên