Điều gì khiến chứng khoán Việt Nam bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất Đông Nam Á từ đầu năm 2021?
Dữ liệu từ Bloomberg cho biết từ đầu năm 2021 tới nay, khối ngoại đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị lên tới 2,33 tỷ USD, qua đó trở thành thị trường bị rút vốn mạnh nhất Đông Nam Á. Đáng nói hơn, nhiều thị trường chứng khoán khu vực Châu Á đã hút vốn trở lại trong tháng 11 nhưng thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục bị rút vốn hơn 140 triệu USD.
Năm 2020, khối ngoại bán ròng gần 16.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, con số rút vốn kỷ lục sau nhiều năm liên tiếp mua ròng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc khối ngoại quay đầu bán ròng, trong đó nổi bật là việc xuất hiện đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế Thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ, điều này đã tạo nên xu hướng rút vốn của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.
Việc phát triển vaccine thần tốc trên thế giới cùng câu chuyện kiểm soát dịch bệnh tốt tại Việt Nam hay những kỳ vọng nâng hạng thị trường chứng khoán được giới phân tích trong nước cho rằng sẽ là yếu tố thu hút vốn ngoại trở lại thị trường chứng khoán trong năm 2021.
Tuy nhiên trên thực tế, dòng vốn ngoại không những chưa trở lại mà còn bán ròng mạnh mẽ hơn trong năm 2021, bất chấp thị trường chứng khoán Việt Nam "thăng hoa", chỉ số VN-Index liên tiếp chinh phục đỉnh cao mới. Số liệu từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE) cho biết khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 50.000 tỷ đồng (2,2 tỷ USD) từ đầu năm 2021 tới giữa tháng 11, vượt xa kỷ lục bán ròng trong năm 2020.
Khối ngoại bán ròng kỷ lục trong năm 2021, bất chấp nhiều kỳ vọng
Dữ liệu từ Bloomberg cho biết từ đầu năm 2021 tới nay, khối ngoại đã bán ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị lên tới 2,33 tỷ USD (bao gồm HNX, UPCom), qua đó trở thành thị trường bị rút vốn mạnh nhất Đông Nam Á, thậm chí chứng khoán indonesia đã hút vốn ngoại gần 3 tỷ USD từ đầu năm 2021. Đáng nói hơn, nhiều thị trường chứng khoán khu vực Châu Á đã hút vốn trở lại trong tháng 11 nhưng thị trường Việt Nam vẫn tiếp tục bị rút vốn hơn 140 triệu USD.
Việt Nam là thị trường chứng khoán bị khối ngoại rút vốn mạnh nhất từ đầu năm 2021
Như vậy, xét một cách tương đối, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có vẻ kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài hơn so với các quốc gia trong khu vực, dù cho kinh tế vĩ mô vẫn được coi là điểm sáng.
Điều gì khiến khối ngoại kém hào hứng với thị trường chứng khoán Việt Nam?
Bên cạnh những yếu tố do ảnh hưởng Covid-19, việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa hấp dẫn khối ngoại có một nguyên nhân không nhỏ từ việc "thiếu vắng cơ hội đầu tư".
Trên sàn chứng khoán Việt Nam, số lượng công ty trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản chiếm số lượng vượt trội và đây cũng là những doanh nghiệp chiếm phần lớn vốn hóa. Số liệu ngày 10/11 cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam có 60 doanh nghiệp vốn hóa "tỷ đô", trong đó có tới 17 ngân hàng, 11 doanh nghiệp bất động sản, 3 công ty chứng khoán.
Trong khi đó, những lĩnh vực "hot", thu hút dòng tiền đầu tư trên thế giới là công nghệ, viễn thông (ngành ICT) chỉ có vỏn vẹn 3 cái tên góp mặt, bao gồm VGI, FPT và FOX. Trong đó, FOX, FPT hay VGI đều không còn (hoặc còn quá ít) room cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư.
Đối lập với Việt Nam, các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan…có tỷ trọng cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ/chăm sóc sức khỏe (Health care) lớn hơn nhiều, đây là một yếu tố quan trọng để thu hút dòng vốn đầu tư.
Nổi bật như thị trường Mỹ, trong bộ chỉ số Dow Jones, tỷ trọng cổ phiếu công nghệ lên tới hơn 18%, trong khi tỷ trọng lĩnh vực Healthcare cũng chiếm gần 18%; Công nghiệp chiếm 16%, trong khi lĩnh vực tài chính không quá vượt trội với 21%. Với cơ cấu phân bổ không quá chênh lệch về tài chính, lại có nhiều lĩnh vực "hot trend" trên thế giới như công nghệ, healthcare, dòng tiền đã liên tục đổ về thị trường chứng khoán Mỹ giúp chỉ số Dow Jones không ngừng lập đỉnh mới.
Cổ phiếu công nghệ, chăm sóc sức khỏe chiếm tỷ trọng lớn trong rổ Dow Jones
Bên cạnh đó, mức định giá P/E của Dow Jones với nhiều lĩnh vực "thời thượng" hiện vào khoảng 21 lần, trong khi VN-Index nghiêng về nhóm bất động sản, tài chính hiện có P/E 17,5 lần, cũng không còn quá rẻ để trở nên hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi bán ròng trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục đổ hàng trăm triệu USD vào các đợt huy động vốn của những "kỳ lân" công nghệ Việt Nam như Tiki, Momo, VNPay…, bất chấp hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này chưa thực sự khả quan. Trong lĩnh vực y tế, bệnh viện Thu Cúc cũng thu hút hàng chục triệu USD đầu tư từ VinaCapital. Điều này cho thấy việc thiếu vắng các doanh nghiệp trong những lĩnh vực "thời thượng" như healthcare, công nghệ là yếu tố không nhỏ khiến dòng vốn ngoại chưa đổ vào sàn chứng khoán.
Dòng vốn vẫn đổ mạnh vào các kỳ lân công nghệ
Ngoài việc thiếu vắng cổ phiếu tốt để đầu tư, trong hơn 1 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không xuất hiện những thương vụ lên sàn rầm rộ hay thoái vốn lớn như giai đoạn 2017 – 2018, điều này cũng ít nhiều khiến khối ngoại trở nên khó giải ngân hơn.
Trái với diễn biến bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán, dòng vốn ngoại vẫn đổ mạnh vào Việt Nam thông qua kênh đầu tư trực tiếp (FDI). Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,74 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2020, đây là con số khá tích cực trong bối cảnh ảnh hưởng Covid-19 khiến nhu cầu đầu tư, giao thương gặp nhiều khó khăn.
Việc khối ngoại vẫn không ngừng đổ vốn vào Việt Nam qua kênh FDI cũng như các thương vụ Private Equity trong khi vẫn rút vốn mạnh trên thị trường chứng khoán cho thấy Việt Nam vẫn rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài, nhưng dòng tiền này lại không đến với thị trường chứng khoán trong bối cảnh thiếu vắng hàng hóa chất lượng.