Điều gì khiến Đà Nẵng đứng đầu “bản đồ” năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam?
Đứng đầu ở 5/12 trụ cột trong 4 nhóm chỉ số, Đà Nẵng giành vị trí quán quân trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam vừa được Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố.
- 17-01-2022Gói kích thích kinh tế có "hồi sinh" được ngành du lịch?
- 12-01-2022Kiến nghị đồng bộ mở cửa đón khách du lịch
- 11-01-2022Người Việt Nam không mặn mà với "bong bóng du lịch"
Ngày 18/1, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) phối hợp với Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) tổ chức cuộc họp trực tuyến công bố báo cáo kết quả dự án thí điểm xây dựng Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) 2021.
Dự án VTCI được Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam (Phái đoàn EU) tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật cho TAB từ năm 2019 với mục tiêu thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch của từng địa phương, qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, góp phần hiệu quả phát triển kinh tế du lịch.
Theo báo cáo của TAB, Đà Nẵng là tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch với 4,7 điểm, xếp sau là Quảng Ninh (4,68 điểm), Khánh Hòa (4,56 điểm), Quảng Nam (4,55 điểm) và Thừa Thiên - Huế (4,52 điểm).
Đà Nẵng đứng đầu năng bảng xếp hạng lực cạnh tranh về du lịch bởi đứng đầu ở 5/12 trụ cột trong 4 nhóm chỉ số: Tạo dựng môi trường, Chính sách & điều kiện cho du lịch, Hạ tầng du lịch và Tài nguyên tự nhiên & văn hóa.
Trong số 15 tỉnh thành được xếp hạng, hai trung tâm của cả nước là Hà Nội và TP.HCM, lần lượt xếp thứ 6 và thứ 8. Trong khi đó, một địa phương trực thuộc Trung ương là Cần Thơ được xếp cuối cùng của bảng xếp hạng này.
Địa phương đứng thứ hai trên bảng xếp hạng là Quảng Ninh. Địa phương này cho thấy có nhiều tiến bộ về năng lực cạnh tranh điểm đến nhờ đảm bảo an toàn và an ninh, hạ tầng giao thông, môi trường kinh doanh và mức độ sẵn sàng về Công nghệ thông tin,...
Đáng chú ý, báo cáo này cho thấy, Quảng Ninh có chỉ số phát triển bền vững và bảo vệ môi trường cao hơn rất nhiều so với Đà Nẵng, Khánh Hòa hay Hà Nội. Cũng đồng nghĩa thứ hạng đầu của Đà Nẵng không hề quá vững chắc nếu không tiếp tục có sự cải thiện trong thời gian tới.
Ông Kai Partale, chuyên gia Marketing du lịch và Phát triển vùng điểm đến, cho rằng, Đà Nẵng dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến là bởi về thành phố đạt điểm cao về an toàn và an ninh, khả năng tiếp cận điều kiện vệ sinh và sức khỏe, mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin cao...
Cùng với đó, thành phố này cũng luôn ưu tiên cho du lịch và lữ hành, thể hiện qua sự hiệu quả về hoạt động marketing và quảng bá thương hiệu để thu hút khách. Ông Kai Partale đánh giá khả năng tiếp cận qua đường hàng không và chất lượng hạ tầng du lịch ở Đà Nẵng rất tốt.
Ngoài ra, vị chuyện gia từ EU cũng nhấn mạnh, trong phát triển du lịch, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tới yếu tố bền vững. Đó là sự cân bằng khi khai thác tài nguyên tự nhiên và đảm bảo tính bền vững về môi trường. Đây là điều mà Tổ chức Văn hóa, Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) rất coi trọng.
Cho ý kiến tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định đi du lịch quan trọng nhất là điểm đến. Du khách luôn quan tâm điểm đến có hấp dẫn không, có an toàn không, có sản phẩm gì mới,...
Theo Bộ trưởng Hùng, 15 địa phương được chọn là những con chim đầu đàn có thế mạnh vượt trội về du lịch. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM là hai đầu tàu dẫn dắt, lôi kéo.
Ông Hùng đánh giá những số liệu thể hiện trong báo cáo là khách quan, minh bạch, công bằng nhất để các địa phương nhìn vào, nhận ra thế mạnh và hạn chế, từ đó có giải pháp phát huy, cải thiện. Bên cạnh chỉ số VTCI cấp tỉnh, từ đó cần sớm có bộ chỉ số du lịch cấp quốc gia.
Đồng quan điểm, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch TAB cho rằng: "Đây chính là thời điểm cần thiết để phân tích và đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch". Theo ông Kiên, hiện tại khi ngành du lịch đang phải trải qua những thách thức chưa có tiền lệ thì điều quan trọng là phải đặt ra hướng đi phù hợp cho tương lai.
"Với ý nghĩa đó, VTCI là công cụ quan trọng trong lộ trình phát triển du lịch", ông Trần Trọng Kiên cho biết.
Còn theo ông Trương Gia Bình, Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân: "Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch giúp các tỉnh, thành phố có cơ sở khoa học để định hướng phát triển du lịch, và nhằm đạt được các mục tiêu dựa trên những nguyên tắc cơ bản là đối thoại với các bên liên quan".
Năm 2019, Bộ Chỉ số VTCI 2019 đã được công bố tại Diễn đàn cấp cao Du lịch Việt Nam với kết quả đánh giá thí điểm trên 5 điểm đến, gồm Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Năm 2020 - 2021, Phái đoàn EU tiếp tục hỗ trợ đánh giá năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch trên phạm vi 15 tỉnh, thành phố, và sẽ bàn giao Bộ chỉ số VTCI cho TAB và Ban IV từ đầu năm 2022 để tiếp tục phát triển, vận hành, nhằm tạo dựng một kênh đánh giá khách quan, hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra. Mục đích của dự án VTCI là xếp hạng năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam nhằm xây dựng định hướng cho phát triển du lịch Việt Nam trong tương lai. VTCI được xây dựng trên một hệ thống gồm hơn 70 chỉ số đánh giá các khía cạnh khác nhau liên quan tới năng lực cạnh tranh du lịch. Phương pháp tiếp cận của hệ thống dựa trên các chỉ số Năng lực cạnh tranh Du lịch và Lữ hành (TTCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). |
BizLive