Điều gì khiến dòng vốn Singapore đổ mạnh vào Việt Nam?
Năm 2024 với kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ việc phục hồi kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục nhận thêm dòng vốn FII từ các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Singapore.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục thu hút dòng vốn FDI. Trong đó, Singapore vẫn đang tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỷ USD, chiếm 29% tổng vốn đầu tư, và tăng 28% so với cùng kỳ 2023.
Vậy, đâu là lý do Singapore trong nhiều năm liên tiếp chọn Việt Nam là điểm đến hàng đầu để đầu tư? Và trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những khó khăn và thách thức nhất định, Việt Nam có tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư Singapore không?
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) cho biết, Việt Nam đang sở hữu những yếu tố quan trọng mà một nhà đầu tư nước ngoài luôn cân nhắc khi muốn thực hiện đầu tư lâu dài tại một quốc gia, chính vì vậy dự kiến dòng vốn FDI hay dòng vốn FII vào thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, trong đó có Singapore.
BTV Mùi Khánh Ly: Thời gian qua, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng Singapore đã chọn Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu để đầu tư, bà đánh giá như thế nào về điều này?
Bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ UOB Asset Management (Việt Nam)
Tôi nghĩ Việt Nam sở hữu những yếu tố quan trọng mà một nhà đầu tư nước ngoài luôn cân nhắc khi muốn thực hiện đầu tư lâu dài tại một quốc gia. Thứ nhất, chúng ta có một nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định trong suốt nhiều năm và triển vọng tăng trưởng trong những năm tới cũng tích cực. Thứ hai, Việt Nam có thể chế chính trị ổn định và đối với đầu tư nước ngoài, đây cũng là một yếu tố quan trọng mà họ phải xem xét. Và thứ ba, chúng ta có nguồn lao động dồi dào với kỹ năng tốt và có giá nhân công cạnh tranh khi so sánh với các quốc gia láng giềng trong khu vực. Và Việt Nam cũng có một vị trí địa lý chiến lược ở trong khu vực này, gần những nền kinh tế lớn của Châu Á cũng như gần với Trung Quốc. Ngoài ra, trong những năm qua, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương và đa phương với hầu hết những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới thì việc này cũng thúc đẩy hoạt động giao thương của Việt Nam và thu hút thêm các dòng vốn FDI vào Việt Nam. Tôi nghĩ đây là những yếu tố nền tảng quan trọng giải thích lý do tại sao Việt Nam liên tục thu hút dòng vốn FDI trong suốt những năm qua và trong đó có Singapore.
Theo bà, những lĩnh vực mà các nhà đầu tư Singapore hiện đang quan tâm nhất để đầu tư hiện nay là gì?
Bất động sản khu công nghiệp là một trong những lĩnh vực mà thu hút khá nhiều đầu tư từ Singapore. Một ví dụ điển hình là khu công nghiệp Việt Nam- Singapore VSIP, VSIP bắt đầu xây dựng khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1996, đến nay họ đã mở rộng ra hầu như trải rộng cả Việt Nam. Và gần đây, có một tên tuổi lớn từ Singapore cũng đầu tư vào lĩnh vực này đó là Sembcorp, liên doanh với đối tác Việt Nam là Becamex IDC, xây dựng khu công nghiệp theo định hướng xanh. Lĩnh vực bất động sản, nhà ở và thương mại là một lĩnh vực thu hút khá nhiều đầu tư từ Singapore, đặc biệt là ở những thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh hoặc Hà Nội, hai tên tuổi lớn của Singapore là Keppel Land và CapitaLand cũng có rất nhiều những dự án lớn và bây giờ họ cũng đã bắt đầu mở rộng ra những thành phố khác ở Việt Nam. Một lĩnh vực nữa mà chúng tôi thấy nhà đầu tư Singapore cũng đầu tư khá nhiều trong thời gian gần đây, đó là Việt Nam cam kết đưa phát thải carbon ròng về "0" trước năm 2050 và Chính phủ đã đưa ra nhiều những quyết sách để thực hiện cam kết này trong thời gian tới. Một trong số đó là dịch chuyển năng lượng sạch, sử dụng LNG thay thế cho những nhà máy phát điện bằng than. Gần đây những dự án FDI lớn từ Singapore đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể là dự án LNG Bạc Liêu giá trị khoảng 4 tỷ USD hoặc dự án Long An LNG ở Long An I và II cũng tổng vốn đầu tư FDI cũng khoảng 3,2 tỷ USD.
Đó là về dòng vốn FDI. Đối với dòng vốn FII từ Singapore cũng đang ngày càng chảy vào lĩnh vực tài chính, chứng khoán nhiều hơn, theo bà lý do là gì?
Bên cạnh dòng vốn FDI, dòng vốn FII từ Singapore vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng khá nhiều trong những năm vừa qua, họ đầu tư vào các công ty niêm yết cũng như các công ty chưa niêm yết. Một ví dụ lớn đó là trường hợp Vinamilk, có hai nhà đầu tư lớn, tổ chức lớn từ Singapore đã đầu tư vào là F&N Dairy Investment và Victory Platinum. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy có hai quỹ là quỹ Chính phủ của Singapore là GIC và Temasek cũng đầu tư vào một số công ty niêm yết và chưa niêm yết của Việt Nam. Việc đầu tư của Singapore vào Việt Nam mạnh ở cả hai lĩnh vực là FDI và FII cho thấy Việt Nam là một thị trường mà các nhà đầu tư Singapore đang quan tâm cho việc đầu tư dài hạn. Ngoài ra, đối với dòng vốn FII, thị trường Việt Nam trong năm 2022 mất điểm khoảng 32%, định giá trở nên khá hấp dẫn trong năm 2023. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng bắt đầu phục hồi từ năm 2023 trở đi, nên những yếu tố đó đưa Việt Nam trở thành thị trường mà các nhà đầu tư nước ngoài không thể bỏ qua.
Theo bà trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn những khó khăn và thách thức nhất định trong năm 2024, Việt Nam có tiếp tục là điểm đến hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư Singapore?
Năm 2024 với kỳ vọng là kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi tốt hơn, thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi từ việc phục hồi kinh tế và niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục nhận thêm dòng vốn FII từ các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Singapore. Chúng ta cũng biết Chính phủ đã đưa ra mục tiêu cho tăng trưởng kinh tế của năm 2024 với GDP tăng trưởng ở mức 6 – 6,5%. Theo quan điểm của tôi, mục tiêu này cũng khả thi vì mọi người tin rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục được phục hồi rõ ràng hơn và thực tế xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong kinh tế của Việt Nam, điều đó sẽ giúp GDP của Việt Nam trong năm 2024 tốt hơn. Khi kinh tế tiếp tục tăng trưởng, thị trường chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi, bởi thị trường chứng khoán thường đi trước kinh tế vĩ mô, nên nhà đầu tư cũng nhìn vào đó để hoạch định kế hoạch đầu tư.
Là một trong những thành viên của thị trường, công ty bà có những định hướng như thế nào để góp phần vào sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới?
Với lợi thế là thành viên của Tập đoàn UOB, mạng lưới hoạt động rộng khắp trong khu vực ASEAN cũng như châu Á, năm nay chúng tôi có kế hoạch đẩy mạnh thêm việc quảng bá giới thiệu các sản phẩm quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam qua mạng lưới rộng khắp của UOB. Hiện nay, chúng tôi cũng đang đưa ra các sản phẩm quỹ đầu tư vào Việt Nam ở ba thị trường là thị trường Nhật, thị trường Thái Lan và thị trường Malaysia. Và năm nay, chúng tôi cũng tiếp tục mở rộng thêm một số thị trường khác trong khu vực ASEAN để góp phần làm tăng thêm dòng vốn FII vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 này, thị trường sẽ có sự tăng trưởng tương đối ổn định hơn.
Nhịp Sống Thị Trường