Điều gì “níu chân” các hãng hàng không Việt Nam mở đường bay thẳng tới Mỹ suốt 14 năm qua?
Năm 2003, hiệp định hàng không Việt Nam – Hoa Kỳ được ký kết, hiệp định này cho phép các hãng mở đường bay thẳng giữa 2 nước. Tuy nhiên thời gian qua đi, các hàng không Việt Nam vẫn liên tục lỗi hẹn với giấc mơ bay thẳng tới Mỹ.
Ngày 5-12-2003, Hiệp định hàng không Việt - Mỹ chính thức được ký kết, cho phép các hãng hàng không 2 nước cung cấp dịch vụ trực tiếp lẫn nhau không hạn chế. Theo đó, sau 2 năm từ ngày ký hiệp định, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa 2 hãng hàng không thực hiện bay thẳng, góp phần rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian cho hành khách và vận chuyển hàng hóa.
Về phía Mỹ, mới chỉ có United Airlines của Mỹ mở đường bay từ San Fransisco tới TPHCM của Việt Nam nhưng transit (quá cảnh) ở Hongkong. Tuy nhiên, năm 2016 đường bay này đã tạm dừng khai thác, nguyên nhân được cho là thị trường chưa tốt.
Phía Việt Nam, từ năm 2004 Vietnam Airlines cũng có kế hoạch khai thác và đã sẵn sàng bay thẳng tới bờ Tây nước Mỹ, nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện thực hoá.
Mới chỉ có hãng hàng không United Airlines từng mở đường bay thẳng San Fransisco - TP HCM, quá cảnh ở Hồng Kông.
Mỹ là một quốc gia rất khắt khe với những tiêu chuẩn an ninh an toàn, vì vậy, trước khi cấp phép cho bất kỳ hãng hàng không nào được bay đến Mỹ, nhà chức trách hàng không Mỹ sẽ xem xét, đánh giá không chỉ nhà khai thác mà còn xem xét đánh giá cả nhà chức trách thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hãng hàng không đó.
Vì vậy để được cấp phép bay đến Mỹ, hãng hàng không và nhà chức trách nước sở tại bắt buộc phải đạt được các tiêu chuẩn như sau: Phải trở thành thành viên chính thức của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế IATA, được cấp chứng nhận tiêu chuẩn an toàn khai thác bay IOSA, được cấp chứng chỉ mở rộng tầm khai thác khi bay qua biển đối với máy bay hai động cơ và đặc biệt là nhà chức trách hàng không ở nước sở tại phải có đủ năng lực giám sát an toàn theo tiêu chuẩn Mỹ, được đánh giá bởi Cục hàng không Mỹ…
Theo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này chưa được chứng nhận đạt CAT1 (chuẩn mức 1 trong quy chế an toàn của Cục Hàng không Mỹ) nên các hãng hàng không Việt Nam chưa thể mở đường bay đến Mỹ.
Trong một ký kết với Boeing vào năm 2015, dự kiến quý IV/2015, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đạt CAT1 song việc này đã được lùi đến quý III/2016. Mọi việc tiến triển rất chậm. Và mới đây nhất để giải quyết tình hình này, Bộ Giao thông vận tải đồng ý cấp 40.000 USD để Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Cục Hàng không Hoa Kỳ (FAA) tiến hành đợt rà soát kỹ thuật, dự kiến vào tháng 5/2017, nhằm đánh giá tổng thể năng lực giám sát an toàn của CAAV theo các quy định của ICAO.
Đây là một tín hiệu tích cực, nhưng Hàng không Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề để cải tổ trước khi muốn được bay thẳng đến Mỹ. Theo PSG.TS. Nguyễn Thiện Tống - Chủ tịch Chi hội khoa học công nghệ hàng không thuộc Hội tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM (Hascon), những sự vụ ảnh hưởng đến uy tín an ninh hàng không thời gian qua tại Việt Nam là những điều sẽ được phía Mỹ lưu ý khi đánh giá năng lực như: chiếu tia laze vào khoang lái, nhân viên kiểm soát không lưu ngủ gật, website cảng hàng không bị học sinh lớp 9 hack sập, hành lý hành khách bị lấy mất đồ dùng...
Bên cạnh đó, trong số các hãng hàng không Việt Nam hiện nay, chỉ có Vietnam Airlines là chuẩn bị cho kế hoạch bay thẳng tối Mỹ. Hãng này đã lên kế hoạch với khả năng chịu lỗ trong năm đầu tiên khoảng 5-30 triệu USD nếu bay bằng máy bay A350.