Điều gì sẽ xảy ra khi Vinfast liên kết với Mai Linh và Vinasun?
Nhà sản xuất ô tô sẽ tiêu thụ sản phẩm, trong khi hãng vận tải có chiếc xe phù hợp với khả năng của mình.
- 02-10-2017Lộ diện chi tiết 20 mẫu xe Vinfast đang được “trưng cầu ý kiến” do 4 studio lừng danh thế giới thiết kế, đẹp không thua kém gì BMW, Audi
- 02-10-2017Chỉ 1 tháng sau lễ khởi công, VinFast công bố 20 mẫu concept, chính người dùng sẽ quyết định mẫu xe nào sẽ được sản xuất
- 30-09-2017“Xe ôm công nghệ” của Mai Linh tung ra mức cước tương đương Uber, Grab
Vinfast vừa công bố 20 mẫu mẫu thiết kế cho dòng xe Sedan và SUV. Trong khi đó, các hãng taxi như Mai Linh hay Vinasun cũng đang có những thay đổi về công nghệ để phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Thị trường vận tải sẽ nhận được lợi ích gì khi nhà sản xuất ô tô và doanh nghiệp vận tải trong nước liên kết để cùng phát triển?
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Trí Thức Trẻ về vấn đề này.
Ông đánh giá như thế nào về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh của các hãng taxi hiện nay?
Một số năm trở lại đây, các hãng taxi đã bắt đầu áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động điều hành. Đặc biệt, việc Uber, Grab gia nhập thị trường Việt Nam khiến các doanh nghiệp taxi phải khẩn trương thay đổi.
Trong thời đại hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển rất mạnh trên thế giới và đã bắt đầu vào Việt Nam, doanh nghiệp vận ô tô cần nhanh chóng tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật đó. Tiếp cận để đổi mới, tái cấu trúc doanh nghiệp của mình, giảm được chi phí giá thành, nâng cao chất lượng dịch vụ thì mới đủ sức cạnh tranh với các loại hình khác.
Tôi mong mỏi làm sao tất cả các doanh nghiệp vận tải ô tô của Việt Nam đặc biệt đối với loại hình vận tải taxi phải nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật này vào, tái cấu trúc lại doanh nghiệp của mình để giảm chi phí quản lý, giảm chi phí giá thành để đưa ra giá tốt phục vụ khách hàng, khi đó mới tồn tại và phát triển.
Một số hãng taxi như Mai Linh và Vinasun đã quyết định cung cấp thêm dịch vụ “xe ôm công nghệ”. Có phải thị trường taxi đã quá chật chội hay không?
Hiện nay, thị trường đương có nhu cầu đối với dịch vụ taxi bằng xe máy nên nó phát triển. Xe ôm đã tồn tại lâu nay, taxi là dịch vụ ra đời sau. Khi Uber, Grab thâm nhập thị trường và áp dụng tiến bộ công nghệ thông tin, họ đã khiến xe ôm phát triển rất rầm rộ, đặc biệt tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
Thị trường taxi chưa phải là chật chội, nhưng luôn rất phong phú, đa dạng. Một bộ phận hành khách chỉ có nhu cầu hoặc khả năng đi xe máy. Một bộ phận khác có nhu cầu đi bằng xe du lịch 4 chỗ thì người ta gọi taxi. Chẳng có cơ sở gì để cho rằng thị trường đã chật chội. Thị trường cứ để cho nó tự điều tiết.
Ông nghĩ sao nếu hãng taxi liên kết với các nhà sản xuất ô tô trong nước để cùng kinh doanh?
Đó là điều rất tốt. Tôi cũng đã khuyến cáo rằng các nhà sản xuất ô tô nên liên kết với các hãng vận tải có thương hiệu. Điều này giúp nhà sản xuất ô tô tiêu thụ sản phẩm, trong khi hãng vận tải có chiếc xe phù hợp với khả năng của mình.
Thực tế, lâu nay, các hãng taxi đã có sự liên kết với nhà sản xuất ô tô. Những hãng taxi mua nhiều và thay đổi hàng loạt đều đặt vấn đề và bắt tay với nhà sản xuất ô tô. Tuy nhiên, việc bắt tay với các hãng nào là quyền của các doanh nghiệp.
Cần hiểu rằng, xe dùng để chạy taxi không đòi hỏi nhiều “đồ chơi” hay những trang thiết bị thật hiện đại. Các hãng taxi thường bắt tay với các nhà sản xuất có sản phẩm ô tô phù hợp về giá cả, tiện ích,... nhằm mục tiêu kinh doanh hiệu quả. Họ cũng có thể chọn phân khúc thị trường phù hợp để làm. Ví dụ: có những hãng chỉ cần xe Kia Morning nhưng cũng có hàng chọn Toyota như Mai Linh hay Vinasun. Tôi không có ý kiến gì về việc các hãng taxi lựa chọn nhà sản xuất ô tô nào. Đó là quyền kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và nhà sản xuất ô tô. Họ tìm được đối tác phù hợp thì sẽ hưởng lợi khi kinh doanh.
Ngày 02/10, Vinfast đã đăng tải hình ảnh 20 mẫu ô tô để người tiêu dùng bình chọn ra 2 mẫu trước khi tiến hành sản xuất. Ông có nhận xét gì về động thái này?
Đây là hành động rất khôn ngoan, tôn trọng khách hàng và tìm hiểu thông tin phản hồi từ thị trường. Nếu cứ lầm lũi nghiên cứu rồi nói là hợp tác với các nhà thiết kế mẫu nổi tiếng thế giới và đưa ra sản phẩm thì khách hàng cũng thờ ơ. Thay vào đó, họ đã đưa ra các mẫu để thăm dò thị trường trước khi sản xuất.
Thực ra, khó khăn nhất của việc sản xuất ô tô là động cơ, bộ chuyển động. Đây là những thứ phải nhập khẩu vì Việt Nam chưa sản xuất được. Việt Nam có thể làm được khung, thùng, bệ , nội thất,...
Theo tôi, Vinfast vẫn là lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa cao. Nhưng quan trọng là Vinfast dám đứng lên làm ô tô “Made in Vietnam”. Mới khởi công xây dựng nhà máy được 1 tháng nhưng đã giới thiệu mẫu mã. Điều đó cho thấy chiến lược kinh doanh của Vinfast dã được chuẩn bị rất cẩn thận. Sau đây họ có thể sẽ quảng cáo tiếp rằng xe sử dụng động cơ do nước nào sản xuất,... Phấn đấu những xe đầu tiên xuất xưởng đạt tỷ lệ nội địa hóa 40-50% rồi tiến dần lên.
Xin cám ơn ông!