MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Điều hành giá điện: 2 năm lỗ 47.500 tỷ đồng

Chia sẻ “không có iphone không chết, nhưng không có điện là chết”, chuyên gia kinh tế năng lượng Bùi Xuân Hồi cho rằng, nếu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bị lỗ nhiều quá, mất khả năng thanh toán thì những doanh nghiệp khác tham gia vào bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn.

Sáng 20/8, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện" với sự tham dự của lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, tài chính, năng lượng.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho rằng, giá điện rẻ ai cũng thích, nhưng nếu rẻ đến mức ngành sản xuất lỗ, không có hàng để mua thì sẽ gây nhiều hệ lụy. Cho nên vấn đề quan trọng là giá phải hợp lý và có đủ điện.

Theo ông Thỏa, hiện nay giá điện đang có nhiều bất cập, chưa tính đúng, tính đủ và chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường. Cho nên sản xuất kinh doanh điện gặp rất nhiều khó khăn. Số liệu mới nhất 2 năm 2022-2023 gần đây cho thấy, cách điều hành về giá đã gây lỗ của ngành điện khoảng 47.500 tỷ đồng . “Đây là khó khăn lớn cho việc cải thiện dòng tiền của ngành điện để đầu tư, phát triển nguồn và lưới” - ông Thỏa nói.

Điều hành giá điện: 2 năm lỗ 47.500 tỷ đồng- Ảnh 1.

Tọa đàm "Đột phá nào để thu hút đầu tư vào ngành điện".

PGS.TS. Bùi Xuân Hồi - chuyên gia Kinh tế năng lượng - dẫn chi phí thực tế để cấp điện ra đảo, chi phí cung ứng là 7.000-8.000 đồng/kWh nhưng vẫn bán giá đồng nhất trên toàn quốc là khoảng 2.200 đồng/kWh. Do đó, ông Hồi cho rằng mấu chốt nhất vẫn là câu chuyện điều hành giá, và cần cố gắng tách bạch những hoạt động công ích và hoạt động thị trường, thì sẽ có cơ chế điều tiết giá.

Nói rằng “ không có iphone không chết, nhưng không có điện là chết ”, ông Hồi cảnh báo, khi EVN bị lỗ nhiều quá, mất khả năng thanh toán thì những doanh nghiệp khác tham gia vào bán điện cho EVN chắc chắn bị ảnh hưởng, tạo thành hiệu ứng domino, dẫn đến câu chuyện thu hút đầu tư ngành điện khó khăn. “Chúng ta thấy Quy hoạch Điện VIII rất đồ sộ, tham vọng, nhưng nếu tiếp tục điều hành giá như hiện nay thì tôi cho rằng triển khai thực hiện Quy hoạch Điện VIII rất xa vời, ít nhất là rất khó”, ông Hồi nói.

Về giải pháp, ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, giá điện phải tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường, nhưng đặc biệt phải minh bạch, phải tháo gỡ tất cả các rào cản. “Tất nhiên không phải là thị trường thả nổi, thị trường phải có sự điều tiết của Nhà nước, vẫn phải có khâu Nhà nước độc quyền, tư nhân không thể 100% tham gia”, ông Thỏa nói.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng muốn thúc đẩy tính thị trường thì cần tăng sự cạnh tranh trong mọi hoạt động, mọi khâu của điện lực.

Để giảm giá thành điện, ông Hiếu cho rằng phải cải cách quy trình đầu tư để phát triển một dự án điện; quy trình, thủ tục về tham gia bán buôn, bán lẻ điện… giảm đi. Thứ hai, phải rà soát chính sách hỗ trợ về bán điện cho các đối tượng. Việc này, theo ông Hiếu phải thực hiện luôn, nhưng trên nguyên tắc tách bạch giữa việc hỗ trợ với việc kinh doanh.

Cuối cùng, ông Hiếu đề nghị thúc đẩy bán điện cạnh tranh, làm sao để có sự tham gia của nhiều bên hơn. “Như vậy, cùng với hệ thống, cần tìm mọi cách để có giá điện tốt nhất với phương hướng tốt nhất, tiết kiệm chi phí nhất”, ông Hiếu nói.

Theo Văn Kiên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên