Điều hành giá xăng, dầu: Tránh tăng đột biến, gây tổn hại cho nền kinh tế
Trước diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, vẫn cần xem xét tới các công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, tránh tăng giá đột biến, gây tổn hại cho nền kinh tế.
- 29-03-2022Xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2022 tăng
- 22-03-2022Giá xăng dầu, xung đột giữa các quốc gia… tác động tiêu cực đến kinh tế TPHCM
- 22-03-2022Chuyên gia hiến kế “hạ nhiệt” giá xăng dầu
Diễn biến của thị trường xăng, dầu trong thời gian qua tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống tiêu dùng toàn xã hội. Bởi từ khó khăn chung của dịch Covid-19 đến quá trình phục hồi nền kinh tế, yếu tố giá nguyên vật liệu sản xuất đến giá thành sản phẩm luôn là mối quan tâm, chi phối hoạt động của các DN cũng như hành vi mua sắm của mỗi người tiêu dùng.
Là DN chuyên sản xuất xe đạp, từ đầu năm 2022 đến nay, khi xăng dầu liên tục tăng giá đã ảnh hưởng gián tiếp đến giá nguyên vật liệu đầu vào như thép, nhôm và làm ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch sản xuất, doanh thu, biên cũng như lợi nhuận của Công ty CP Thống Nhất Hà Nội.
Tổng Giám đốc Công ty CP Thống Nhất Hà Nội - Đinh Vũ Minh Việt thông tin, trước mắt, DN chưa có biện pháp cụ thể nào để có thể đối phó với chi phí xăng dầu tăng cao như hiện nay. Do vậy, DN phải cố gắng tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu tối đa để có thể giảm bớt một phần chi phí. Đồng thời, hạn chế tối đa chi phí vận chuyển hàng hóa đi các đại lý, giúp tiết kiệm chi phí xăng dầu.
“Bên cạnh đó, DN cũng phải tìm mọi cách để thương lượng với đơn vị vận tải để không tăng phí vận chuyển đột ngột, hoặc không tăng quá nhiều ngay một lúc. Về lâu dài, nếu xăng dầu còn tiếp tục tăng cao như hiện nay, DN cũng phải xem xét để điều chỉnh giá bán các sản phẩm”, ông Việt chia sẻ.
Trước những khó khăn đang phải đối diện, Công ty CP Thống Nhất cũng như nhiều DN khác bày tỏ mong muốn Chính phủ có phương án bình ổn, trợ giá xăng, dầu cũng như thay đổi thời điểm điều chỉnh giá phù hợp, để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Bởi DN sản xuất muốn điều chỉnh giá bán sản phẩm phải có tổng hợp, đề xuất tới khách hàng các nguyên nhân tăng giá từ các yếu tố đầu vào thay đổi quá nhanh như giá nguyên vật liệu hay cụ thể là giá xăng dầu…
Hiện nay, trong cơ cấu giá cơ sở, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng; nhập khẩu; tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường. Chính vì vậy, việc áp dụng giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội từ ngày 1/4 sẽ là yếu tố góp phần làm “hạ nhiệt” giá bán lẻ của các mặt hàng này.
Xem xét thêm công cụ điều hành giá
Theo các chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn dù sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng gần 24.000 tỷ đồng, nhưng đây là giải pháp phù hợp và cần thiết để hỗ trợ người dân, DN trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, vẫn rất cần xem xét tới các công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, tránh tăng giá đột biến gây tổn hại cho nền kinh tế.
Trước hết, trong bối cảnh Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu đang ở trạng thái cạn kiệt, các chuyên gia cho rằng, không thể trông chờ vào Quỹ Bình ổn để kìm đà tăng giá mặt hàng quan trọng này. Thay vào đó, để kìm đà tăng giá của xăng, dầu chỉ còn có thể trông chờ vào biện pháp từ giảm thuế, phí cấu thành giá.
Theo như cách nhìn nhận của ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), để kìm giá xăng, dầu cần phải tính tới các công cụ thuế linh hoạt hơn như bài toán giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu. Cùng với đó phải có chiến lược tiết kiệm, chuyển đổi dần nguyên liệu hóa thạch sang cơ cấu sử dụng năng lượng thân thiện hơn với môi trường.
Thực tế để ổn định giá xăng, dầu trong nước, thời gian qua Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng, dầu như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế cho phù hợp nhằm bảo đảm tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng, dầu bám sát diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng, dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng, dầu (DN kinh doanh xăng, dầu, DN sử dụng xăng, dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng).
Đánh giá cao việc liên Bộ Công Thương - Tài chính đã sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu trong quá trình điều hành giá trong thời gian qua, song theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong bối cảnh quỹ bình ổn có hạn cần có các giải pháp, công cụ khác để phối hợp điều hành giá xăng, dầu, tránh tăng đột biến, tránh gây tổn hại cho nền kinh tế.
“Hiện trong cơ cấu giá xăng dầu vẫn chiếm tới 40% là thuế và phí. Nên để điều tiết mức tăng của giá xăng dầu, ngoài thuế bảo vệ môi trường, cần xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng. Nhưng cũng cần lưu ý, mức giảm thuế nhiều quá thì sẽ khiến hụt thu ngân sách, do vậy khi điều chỉnh chính sách về thuế cần có sự đánh giá, tính toán một cách toàn diện”, ông Nguyễn Bích Lâm nêu quan điểm./.
VOV